Thica.net

Mạng thi ca Việt Nam

Trang thơ Hải Bằng

Hai Bang

Nhà thơ Hải Bằng tên thật là Nguyễn Phước Vĩnh Tôn, thuộc dòng dõi hoàng tộc, là chắt nội của vua Hiệp Hòa. Ông sinh ngày 3 tháng 2 năm 1930 tại Huế. Cha ông từng là tri huyện Bố Trạch, Quảng Bình, rồi làm Tổng đốc Tây Nguyên dưới triều đình nhà Nguyễn.

Hải Bằng trốn gia đình gia nhập Vệ quốc quân từ khi mới 14 tuổi, là chiến sĩ thuộc trung đoàn 101 tại Thừa Thiên.

Từ năm 1948, ông ở trong đoàn văn nghệ Liên khu IV vào chi viện cho chiến trường Bình Trị Thiên. Thời kỳ nay, Hải Bằng lấy tên là Văn Tôn, làm thơ, rồi đọc cho bộ đội nghe. Những bài thơ của ông liên tục xuất hiện tại chiến khu Dương Hòa, Ba Lòng, Gio Linh, Cam Lộ. Trong số đó có bài thơ nổi tiếng Em nữ cứu thương người Pháp gây nhiều tranh cãi, bị cho là ủy mị, thương xót kẻ thù.

Đến năm 1954 ông được chuyển công tác về Vụ Văn hóa Đại chúng thuộc Bộ Văn hóa. Trong thời gian làm việc ở đây ông bắt đầu vẽ tranh châm biếm, trong đó có bức Những người đẩy rùa in trong báo Trăm hoa. Vì bức tranh này ông bị quy là có tư tưởng “Nhân văn” và bị chuyển công tác.

Năm 1959 ông về Ty Văn hóa Quảng Bình làm công tác phát hành sách và cưới vợ là một người phụ nữ Quảng Bình.

Sau ngày đất nước thống nhất ông cùng gia đình trở lại Huế sinh sống và làm việc tại Ty Văn hóa Bình Trị Thiên cho đến khi nghỉ hưu năm 1994.

Hải Bằng được kết nạp hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam hai lần vào các năm 1957 và 1985. Ngoài làm thơ ông còn yêu thích vẽ tranh và tạo hình rễ cây.

Nhà thơ Hải Bằng qua đời ngày 7 tháng 7 năm 1998.

Tác phẩm đã xuất bản:

  • Hát về ngọn lửa (thơ, 1980)
  • Trăng đợi trước thềm (thơ, 1989)
  • Thơ tình Hải Bằng (thơ, 1989)
  • Mưa Huế (thơ, 1992)
  • Mưa lại về (thơ tứ tuyệt, 1993)
  • Sóng đôi bờ (thơ, 1994)
  • Đề lên năm tháng (thơ, 1995)
  • Tuổi Huế trong ta (thơ, 1996)
  • Độc hành (thơ, 1998, in ngay sau khi tác giả qua đời)