Chân quê
Tác giả: Nguyễn Bính
Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!
Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?
Nói ra sợ mất lòng em
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh!
Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Trung Đức phổ nhạc thành nhạc phẩm cùng tên.
Dưới đây là phiên bản do Quang Linh trình bày.
Vào lúc bài thơ ra đời, nó là lời cảnh tỉnh cho những ai có hướng nhìn sai lệch trong sự cách tân văn hóa và đón nhận quá mức của văn hóa Âu châu. Đến nay, bài thơ lại là lời nhắc nhở nhẹ nhàng cho bao người “cố ý quên nguồn cội”, cho lớp trẻ đua đòi. Theo tôi, bài thơ có tính giáo dục rất cao ở góc độ “giữ gìn bản sắc dân tộc”. Trở lại bài thơ ta thấy: nhân vật trử tình nam trách cứ nhân vật trử tình nữ thật đáng yêu: Nói ra sợ mất lòng em/ Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa. không quở trách, chỉ van thôi nhưng cũng “sợ mất lòng”. chứng tỏ chàng quá yêu nàng, quá chiều chuộng nàng, chiều chuộng đến quá độ. thấy sự cách tân của người yêu, chàng rất khổ tâm(…áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi). Nhưng chàng đã làm gì, chàng chỉ biết kể ra những trang phục mang hồn dân tộc, còn tiếp thu hay không còn hãy tùy nàng. Khổ thơ cuối là lời nhắc nhở thật là tế nhị: (Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.) thật tài tình, ai không xiêu lòng trước lời nhắc nhở này? Bài thơ rất Nguyễn Bính, một tâm hồn quê Việt Nam…