Thica.net

Mạng thi ca Việt Nam

  • Hành phương Nam

    Tác giả:

    Đôi ta lưu lạc phương Nam này,
    Trải mấy mùa qua én nhạn bay.
    Xuân đến khắp trời hoa rượu nở;
    Riêng ta với ngươi buồn vậy thay.

    Lòng đắng sá gì muôn hớp rượu,
    Mà không uống cạn mà không say ?
    Lời thề buổi ấy cầu Tư Mã1,
    Mà áo khinh cừu2 không ai may.

    Người giam chí lớn vòng cơm áo,
    Ta trói chân vào nợ nước mây.
    Ai biết thương nhau từ buổi trước,
    Bây giờ gặp nhau trong phút giây.

    Nợ tình chưa trả tròn một món,
    Sòng đời thua đến trắng hai tay.
    Quê nhà xa lắc xa lơ đó,
    Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay.

    Tâm giao mấy kẻ thì phương Bắc,
    Ly tán vì cơn gió bụi này.
    Ngươi đi buồn lắm mà không khóc,
    Mà vẫn cười qua chén rượu đầy.

    Vẫn dám tiêu hoang cho đến hết,
    Ngày mai ra sao rồi hãy hay.
    Ngày mai xán lạn màu non nước,
    Cốt nhất làm sao tự buổi nay.

    Rẫy ruồng châu ngọc thù son phấn,
    Mắt đỏ lên rồi cứ chết ngay.
    Hỡi ơi! Nhiếp Chính3 mà băm mặt,
    Giữa chợ ai người khóc nhận thây.

    Kinh Kha4 giữa chợ sầu nghiêng chén,
    Ai kẻ dâng vàng kẻ biếu tay?
    Mơ gì ấp Tiết thiêu văn tự5,
    Giày cỏ, gươm cùn ta đi đây.

    Ta đi nhưng biết về đâu chứ?
    Đã dấy phong yên lộng bốn trời.
    Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ,
    Uống say mà gọi thế nhân ơi!

    Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ.
    Ta với nhà ngươi cả tiếng cười.
    Dằn chén hất cao đầu cỏ dại,
    Hát rằng phương Nam ta với ngươi.

    Ngươi ơi! Ngươi ơi! Hề ngươi ơi!
    Ngươi ơi! Ngươi ơi! Hề ngươi ơi!
    Ngươi sang bên ấy sao mà lạnh,
    Nhịp trúc ta về lạnh mấy mươi.

    1. Tư Mã Tương Như nhà Hán rời Thành Đô vào kinh đô Lạc Dương, khi đi qua cầu Thăng Tiên đã đề lên thành cầu rằng: “Bất thừa cao xa tứ mã, bất phục quá thử kiều” (Không cưỡi xe cao bốn ngựa, không qua lại cầu này). Cây cầu đó được người sau gọi là cầu Tư Mã. []
    2. Khi Tương Như thành danh, được Lương vương trọng vọng, ban cho quan tước, còn tặng một chiếc áo cừu túc sương. Khi Lương vương mất, Tương Như về quê, gặp Trác Văn Quân là con gái một tay cự phú trong vùng, hai người cùng nhau trốn đi. Tương Như nghèo khó, bèn đem cầm chiếc áo cừu lấy rượu cùng Văn Quân đối ẩm. Sau hai người mở quán nấu rượu, vợ nhóm lò nấu rượu, chồng rửa chén bát. []
    3. Một người anh hùng ẩn thân đời Chiến Quốc. Có người biết chàng, tìm đến xin chàng trả hộ mối thù với Hiệp Lũy, tướng quốc nước Hàn, phi anh hùng không ai làm nổi. Người đó cung phụng mẹ già của Nhiếp Chính rất tử tế như con cái trong nhà, đến lúc chết lại lo ma chay phận sự. Cảm cái ơn đó, lại không còn vướng bận, Nhiếp Chính đến nước Hàn, vào phủ tướng quốc giữa thiên binh vạn mã, đâm chết Hiệp Luỹ, chống cự với ba quân rồi rạch nát mặt, tự vẫn mà chết. Vua nước Hàn đem thây chàng ra giữa chợ trao giải cho ai tìm được tung tích. Chị gái Nhiếp Chính đã đi lấy chồng, nghe tin tìm đến ôm xác em mình khóc thảm thiết, rồi nói với những người xung quanh đại ý rằng: Em tôi là Nhiếp Chính, vì sợ liên luỵ đến tôi và người ơn của nó nên mới phải rạch mặt để không nhận ra mà chết thế này, nay tôi lại tiếc thân để người đời không ai biết đến nó thì còn mặt mũi nào nữa. Nói rồi cũng tự vẫn chết bên xác em. Nhờ đó, tên tuổi của Nhiếp Chính mới lưu danh sử sách như một anh hùng. Chị của Nhiếp Chính cũng là một nữ nhân anh liệt. []
    4. Kiếm khách thời Chiến Quốc, được thái tử Đan của nước Yên thuê hành thích Tần Thủy Hoàng. Khi tiễn biệt nhau qua sông vào đất giặc, Kinh Kha ngậm ngùi ngâm lên:
      Gió đìu hiu chừ sông Dịch lạnh ghê
      Tráng sĩ một đi chừ không bao giờ về.
      Việc hành thích bất thành, Kinh Kha bị thủ hạ của Tần Thủy Hoàng giết chết. []
    5. Phùng Hoan, môn khách của Mạnh Thường Quân lãnh nhiệm vụ đi đòi nợ, khi đến ấp Tiết gọi các con nợ lại và tuyên bố đốt hết văn tự nợ. Sau về nói với Mạnh Thường Quân là đã lấy tiền nợ ấy mua “Đức” hết rồi! Sau Mạnh Thường Quân bị vua Tề phế, khi đi ngang qua ấp Tiết thì toàn dân ra đón linh đình, nhờ thế được vua Tề thu dụng lại. []

    Bình luận

    ví dụ: http://www.example.com

    Lời bình: (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)