Thica.net

Mạng thi ca Việt Nam

  • Hoa với rượu

    Tác giả:

    Thấy rét, u tôi bọc lại mền,
    Cô hàng cất rượu ủ thêm men,
    Mẹ cha mất sớm còn em nhỏ,
    Say cả tư mùa cho khách quen.

    Em nhỏ là Nhi, bạn nhỏ tôi
    Suốt ngày hai đứa nhẩn nha chơi.
    Chị Nhi bán rượu đôi chiều chợ
    Vẫn nhớ mua quà cho cả đôi.

    Hai đứa thường nhân buổi vắng nhà,
    Người ta bắt chước chị người ta!
    Ra vườn nhặt những hoa cam rụng
    Đem bỏ đầy nồi cất nước hoa.

    Nước hoa tuy chẳng thơm là mấy
    Hai đứa bôi đầy cả tóc nhau
    Hí hửng bảo nhau: “Thơm đấy chứ
    Nước hoa ngoài tỉnh thấm vào đâu!”

    Một tối nhà Nhi có giỗ thầy
    Chị Nhi cho uống rượu cay cay,
    Chừng đâu chén nhỏ làm hai đứa
    Mặt đỏ lên rồi, chếnh choáng say.

    Hai đứa ôm nhau đánh giấc dài
    Bất đồ ngủ đến sáng ngày mai
    Chị Nhi cứ chế làm sao ấy
    Hai đứa nhìn nhau ngớ ngẩn cười.

    Chị Nhi thường nói với u tôi
    “Hai đứa, thưa bà, đến đẹp đôi”
    U tôi cười đáp ngay như thật
    “Tôi có nàng dâu giúp đỡ rồi”

    Thưở ấy làm sao thật thái bình
    Trai hiền bạn với gái đồng trinh
    Đời say men rượu thơm hoa rụng
    Tràn những thơ ngây ngập cảm tình

    Ấy thế mà rồi cách biệt nhau
    Nhà Nhi chẳng biết dọn đi đâu
    Mình tôi giời bắt làm thi sĩ
    Mẹ mất khi chưa kịp bạc đầu

    Bỏ mặc vườn cam bỏ mái gianh
    Tôi đi dan díu với kinh thành
    Hoa thơm mơ mãi vườn tiên giới
    Chuốc mãi men say rượu ái tình

    Rượu ái tình kia thành thuốc độc
    vườn trần theo bướm phấn hương bay
    Đời tôi sa mạc ôi sa mạc
    Hoa hết thơm rồi rượu hết cay

    Trăm nghìn sầu tủi mình tôi chịu
    Ba bốn năm rồi năm sáu năm
    Khóc vụng mỗi lần tôi nhớ lại
    Men nồng gạo nếp nước hoa cam

    Xa lắm rồi Nhi! Muộn lắm rồi
    Bẽ bàng lắm lắm nữa Nhi ơi!
    Từ ngày Nhi bỏ nơi làng cũ
    Mộng ngát, duyên lành cũng bỏ tôi.

    Chắc ở nơi nào, dưới mái tranh,
    Chị em Nhi vẫn sống yên lành,
    Chị Nhi cất rượu cho Nhi bán.
    Hồn vẫn trong mà mộng vẫn trinh.

    Ngày xưa còn bé, Nhi còn đẹp
    Huống nữa giờ Nhi đã đến thì,
    Tháng tháng, mươi mười lăm buổi chợ
    Cho người thiên hạ phải say Nhi.

    Xóm chị em Nhi ở mấy nhà?
    Bến đò đông, vắng? Chợ gần, xa?
    Nhà Nhi thuê có vườn không nhỉ?
    Vườn có trồng cam, có nở hoa?

    Mơ tưởng vu vơ, lòng dối lòng
    Thực ra có phải thế này không
    Chị Nhi đã lấy chồng năm trước
    Nhi đến năm sau lại lấy chồng?

    Ước gì trên bước đường lưu lạc.
    Một buổi chiều nao lạnh gió mưa
    Gõ cửa nhà ai xin ngủ trọ
    Giật mình tôi thấy tiếng Nhi thưa.

    Ngồi bên lò rượu đêm hôm đó
    Nhi rót đưa tôi nước rượu đầu.
    Nhắc lại ngày xưa mà thẹn lại
    Ngậm ngùi hai đứa uống chung nhau.

    Tôi kể: “U tôi đã mất rồi
    Cửa nhà còn có một mình tôi…”
    Nhi rằng: “Ngày trước u thường nói
    Hai đứa mình trông đến đẹp đôi…”

    “Chị em mới lấy chồng năm trước
    Chồng chị trồng cam ở mé sông.
    Em ở mình đây nhà trống trải
    Trăng vàng đầy ngõ, gió mênh mông…”

    Như truyện Tương Như và Trác Thị
    Đưa nhau về ở đất Lâm Cùng
    Vườn xuân trắng xóa hoa cam rụng
    Tôi với em Nhi kết vợ chồng.

    Rượu cất kì ngon, men ủ khéo
    Say người, thiên hạ lại say nhau,
    Chiều chiều hai đứa sang thăm chị
    Chồng hái hoa cho vợ giắt đầu.

    Chao ơi! Là mộng hay là thực?
    Là thực hay là mộng bấy lâu?
    Hai đứa sống bằng hoa với rượu
    Sống vào trời đất, sống cho nhau.

    Nhưng mộng mà thôi, mộng mất thôi
    Hoa thừa, rượu ế, ấy tình tôi,
    Xa rồi vườn cũ hoa cam rụng
    Gặp lại nhau chi, muộn mất rồi!1

    1. Hai câu thơ này có một số dị bản, như sau:

      Chiều nay tôi chắp tay tôi lạy
      Đừng gặp người xưa nữa, lạy Giời!

      hoặc:

      Chiều nay tôi chắp hai tay lại
      Đừng gặp người xưa nữa, lạy Giời!
      []

    Bình luận

    1. Võ Văn Tùng says:

      một số từ trong bài mặc dù cùng nghĩa nhưng có lẽ là không đúng với bản gốc. Ví dụ Vườn có TRỒNG cam có nở hoa.
      Trong bản gốc là Vườn có GIỒNG cam có nở hoa…

    2. Nguyễn quốc Thụy says:

      Nhiều câu , từ trong bài thơ không đúng với bản gốc làm thay đổi rất nhiều thậm chí khác hẳn tính chất câu thơ mà tác giả muốn tâm sự như trong câu cuối của khổ 6 : Hai đứa nhìn nhau KHÚC KHÍCH cười . Trong bản gốc là : Hai đứa nhìn nhau NGỚ NGẨN cười . Vì lúc đó là 2 đứa trẻ con uống rượu bị say nên ôm nhau ngủ quên đến sáng đã biết làm một cái gì đâu . Hi hi.

    3. Nguyễn Quốc Sỹ says:

      Quả thât có nhiều phiên bản khác nhau của bài tho này, không biết đâu là bản gốc đâu là bản phụ. Thơ Nguyê~n Bính bình dị, chân chất có lúc làm tưởng như ca dao, chính vì phô biến nên được nhớ ra thành nhiều bản khác nhau. Có một bản khác cho bo^’n câu cuo^i ba`i:

      Nhưng mộng mà thôi, mộng mất thôi
      Hoa tàn,rượu ế, ấy tình tôi,
      Chie^`u nay tôi chă’p đôi tay lại,
      Đư`ng gặp ngươ`i xưa nư~a, lạy giời.

    4. cô đơn tiên sinh says:

      thưởng rựơu thưởng hoa chưa vừa ý
      muốn thưởng cả cô chủ quán Nhi
      người ta có đôi , xa mộng mị
      than thở mà chi, chửa thấy kì?

    5. PHAN TẤT ĐẠT says:

      Tôi co sở hữu tập thơ 99 bài thơ tình cách đây hơn 20 năm,tôi thích nhất bài hoa với rượu và bài trăm câu một vần.Trong bài hoa với rượu có một số từ chưa chính xác,như ở khổ 2 là: Suốt ngày…
      khổ 3 là: Đem bỏ đầy nồi…
      khổ 6 Hai đứa nhìn nhau ngớ ngẩn cười
      khổ 7 Tôi có nàng dâu giúp đỡ rồi
      khổ 8 Thưở ấy yên vui thật thái bình
      khổ 11 Hoa hết thơm rồi rượu hết cay
      khổ 14 Hồn vẫn trong mà mộng vẫn trinh
      khổ 16 Bến đò đông, vắng, chợ gần xa
      khổ 18 Một buổi chiều nào lạnh gió mưa
      khổ 25 Gặp lại nhau chi nữa lạy Giời

    6. thiên lý độc hành says:

      Bây giờ yêu nghĩa là vào sàn nhảy
      Có ai ngồi học Nguyễn Bính tán đâu
      Bây giờ yêu nghĩa là SỜ EM SƯỚNG( SMS)
      Có ai ngồi ý tứ đến đau đầu
      Hoa với rượu hay mưa xuân nữa
      Anh lái đò, người hàng xóm,tha hương,…
      Nhiều nhiều nữa, sẽ còn ai nghiền ngẫm?
      Mộng mà thôi, sẽ là mộng mất thôi

    7. Trân Ý Nhi says:

      Khi đọc thơ thì phải đọc đúng bản gốc mới hay, như thế người đọc được ngẫm nghĩ tác giả muốn nói gì qua bài thơ. Nếu bài thơ bị sủa thì không còn là thơ gốc nữa, không đáng để đọc. 1 bài thơ khi bị sửa sẽ mất hết giá trị của nó.

    ví dụ: http://www.example.com

    Lời bình: (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)