Những bóng người trên sân ga
Những cuộc chia lìa khởi tự đây
Cây đàn sum họp đứt từng dây
Những đời phiêu bạt thân đơn chiếc
Lần lượt theo nhau suốt tối ngày.
Có lần tôi thấy hai cô bé
Sát má vào nhau khóc sụt sùi
Hai bóng chung lưng thành một bóng
“Đường về nhà chị chắc xa xôi?”
Có lần tôi thấy một người yêu
Tiễn một người yêu một buổi chiều
Ở một ga nào xa vắng lắm
Họ cầm tay họ bóng xiêu xiêu.
Hai người bạn cũ tiễn chân nhau
Kẻ ở trên toa kẻ dưới tàu
Họ giục nhau về ba bốn bận
Bóng nhòa trong bóng tối từ lâu.
Có lần tôi thấy vợ chồng ai
Thèn thẹn chia tay bóng chạy dài
Chị mở khăn giầu, anh thắt lại:
“Mình về nuôi lấy mẹ, mình ơi!”
Có lần tôi thấy một bà già
Đưa tiễn con đi trấn ải xa
Tàu chạy lâu rồi bà vẫn đứng
Lưng còng đổ bóng xuống sân ga
Có lần tôi thấy một người đi
Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân ly.
Những chiếc khăn màu thổn thức bay
Những bàn tay vẫy những bàn tay
Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt,
Buồn ở đâu hơn ở chốn này?
Hà Nội, 1937
(Theo Tuyển tập Nguyễn Bính, NXB Văn Học, 1986)
Có lần tôi thấy một người đi
Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân ly.
Một bài thơ tuyệt vời…và buồn ơi chao ôi là buồn.
Đời người là những chuyến đi
gặp gỡ rồi lại chia ly là thường.
“Có lần tôi thấy một bà già
Đưa tiễn con đi chấn ải xa
Tàu chạy lâu rồi bà vẫn đứng
Lưng còng bóng đổ xuống sân ga”
đọc khổ thơ này mà mình đã khóc,khóc nhiều và thương mẹ…
Sửa từ:
Những cuộc chia lìa khởi từ đây
Cây đàn sum họp đứt từng dây
Những đời phiêu bạt thân đơn chiếc
Lần lượt theo nhau tựa tháng ngày.
Có lần tôi thấy hai đứa bé
áp mặt vào nhau khóc sụt sùi
Hai bóng chung lưng thành một khối
“Đường về nhà chị chắc xa xôi?”
Có lần tôi thấy một người yêu
Tiễn một người yêu một buổi chiều
Ở một ga nào xa vắng lắm
Họ cầm tay họ bóng xiêu xiêu.
Hai người bạn cũ tiễn đưa nhau
Kẻ ở trên toa kẻ dưới tàu
Họ giục nhau về ba bốn bận
Bóng nhòa trong bóng tối từ lâu.
Có lần tôi thấy vợ chồng ai
Thèn thẹn chia tay bóng chảy dài
Chị mở khăn trầu anh thắt lại:
“Mình về nuôi lấy mẹ, mình ơi!”
Có lần tôi thấy một bà già
Đưa tiễn con đi trấn ải xa
Tàu chạy lâu rồi, bà vẫn đứng
Lưng còng đổ bóng xuống sân ga
Có lần tôi thấy một người đi
Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân ly.
Những chiếc khăn màu thổn thức bay
Những bàn tay vẫy những bàn tay
Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt,
Buồn ở đâu hơn ở chốn này?
Có lần tôi thấy một người đi
Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân ly.
“Chia ly” tự bản thân đã là gợi lên trong mỗi chúng ta một nỗi buồn trong sâu thẳm. Trong cuộc chia ly, có người đi, có người ở lại. Người đi không lỡ cất bước, người ở lại thì không dám líu kéo. Nhưng nỗi buồn càng buồn hơn khi người đi mà không có lấy một bóng tiễn đi, không một ai muốn người ra đi ở lại, không một người nhớ tới anh.:(
“Chia ly” hai từ ngắn ngủi nhưng có lẽ tạo nên một hình ảnh mà người trong cuộc có lẽ sẽ bị ám ảnh đến suốt cuộc đời còn lại !
…Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân ly….
Cái khoảng cách trống trải, cô đơn … như đang nhìn thấy trước mắt
…Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt,
Buồn ở đâu hơn ở chốn này ?…
Đọc bài thơ này của thi sĩ Nguyễn Bính, ai cũng thấy lòng bồi hồi, buồn man mác, bởi nhà thơ cho ta thấy những đối tượng tiễn đưa nhau dường như trong đó có mình. Nhất là trường hợp “mình tiễn đưa mình”. Lời thơ nhẹ nhàng không sử dụng từ ngữ gây xúc cảm mạnh như Huy Cận, trong bài Tiễn Đưa:
“Chân rộn lòng đau xé,
Tay buông dáng não nùng,
Đứng dừng trông: mắt lệ,
Đi: bắc cầu nhớ nhung”
hay Tế Hanh, trong “Những ngày nghỉ học”, tuy nói về tiễn đưa, nhưng lại thương con tàu, bởi bản thân nó cũng thấy nặng nề trong những cuộc chia tay ngậm ngùi như thế:
“Tôi thấy tôi thương những chuyến tàu
Ngàn đời không đủ sức đi mau
Có chi vương víu trong hơi máy
Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau”
Nguyên Sa, cũng với tựa đề “Tiễn đưa”, khi nói về kẻ ở lại sau cuộc tiễn đưa bằng tàu, đã có những câu như:” Người về nhặt sao rơi đêm nay. Đường sắt kia trên những con tàu bùi ngùi. Sao đường tàu không đi quanh. Cho con tàu xuôi bến. Tay người lại trong tay tôi.”
Thế mới biết cuộc vui nào mà không tàn.