Thơ tình cuối mùa thu
Tác giả: Xuân Quỳnh
Cuối trời mây trắng bay
Lá vàng thưa thớt quá
Phải chăng lá về rừng
Mùa thu đi cùng lá
Mùa thu ra biển cả
Theo dòng nước mênh mang
Mùa thu vào hoa cúc
Chỉ còn anh và em
Chỉ còn anh và em
Là của mùa thu cũ
Chợt làn gió heo may
Thổi về xao động cả:
Lối đi quen bỗng lạ
Cỏ lật theo chiều mây
Đêm về sương ướt má
Hơi lạnh qua bàn tay
Tình ta như hàng cây
Đã bao mùa gió bão
Tình ta như dòng sông
Đã yên ngày thác lũ.
Thời gian như là gió
Mùa đi cùng tháng năm
Tuổi theo mùa đi mãi
Chỉ còn anh và em
Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại…
– Kìa bao người yêu mới
Đi qua cùng heo may.
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc thành nhạc phẩm cùng tên.
Dưới đây là phiên bản do Quang Lý trình bày.
Đã nhiều lần tôi đọc bài thơ tình cuối mùa thu của Xuân Quỳnh nhưng tôi luôn thắc mắc một điều là ở câu thứ ba của khổ thứ hai tôi đọc được rất nhiều dị bản khác nhau ví dụ như:
Mùa thu và hoa cúc (như bài thơ đăng ở trên)
hay:
Mùa thu vàng hoa cúc
và:
Mùa thu vào hoa cúc
Theo cảm nhận của cá nhân tôi thì có lẽ câu: “Mùa thu vào hoa cúc” sẽ hợp với lôgic của 2 câu thơ trên hơn.
Có bạn nào biết chính xác lời của bản gốc thỉ chỉ hộ giùm tôi với.
Cảm ơn nhiều!
Chính xác là “Mùa thu vào hoa cúc”. Cảm ơn bạn đã lưu ý.
” Thơ tình cuối mùa thu” là bài thơ có rất nhiều dư âm vang vọng trong lòng độc giả.
Bài thơ được mở ra bằng hình ảnh mùa thu:
” Cuối trời mây trắng bay
Lá vàng xơ xác quá”
Mây và lá là hai thi liệu vốn quen thuộc khi viết về mùa thu. Cái mới lạ ở đây là nhà thơ tự đặt câu hỏi:
” Phải chăng lá về rừng
Mùa thu đi cùng lá?”
Ta bắt gặp một thoáng nuối tiếc, bâng khuâng đến nao lòng.
Ở khổ thơ thứ hai, ta vẫn bắt gặp hình ảnh màu thu đi:
” Mùa thu ra biển cả
Theo dòng nước mênh mang
Mùa thu vào hoa cúc”
Mùa thu không còn, cái còn lại với đất tròi là” anh và em”
” Chỉ còn anh và em”
Ở khổ thơ thứ ba hai câu thơ đầu rất lạ
” Chỉ còn anh và em
Là của mùa thu cũ”
Màu thu cũ- phải chăng là những mùa thu đã trôi qua khi tình yêu của anh và em bắt đầu chớm nở và tha thiết. Nhưng :
“Chợt làn gió heo may
Thổi về xao động cả:”
Làn gió heo may có gì mà ghê gớm thế. Làm xao đông cả mùa thu. Làm cho mùa thu không còn như xưa nữa, làm cho:
“Lối đi quen bỗng lạ
Cỏ lật theo chiều mây
Đêm về sương ướt má
Hơi lạnh qua bàn tay”
Thời gian trôi qua, mọi vật đều đỏi khác. Bao thăng trầm quay quắt của cuộc đời đã khiiens đoi bàn tay ấm nóng ngày nào bống có hơi lạnh đi qua. Cái cảm nhân tinh tế của nhà thơ về sự biến đỏi thoáng qua của tình yêu khiến câu thơ như đượm buồn.
Xuân Quỳnh viết bài thơ này khi chị không còn ở tuoir đoi mươi nữa. Chị đã trở thành người phụ nữ từng trải mọi biến động của cuộc đời. Tình yêu trong bài thơ không phải là tình yêu còn tươi mới của tuổi đôi mươi, mà là tình yêu đã chín, đã nếm trải. Xuân Quỳnh so sánh rất hay:
Tình ta như hàng cây
Đã qua mùa gió bão
Tình ta như dòng sông
Đã yên ngày thác lũ.
Tình yêu đã qua mùa gió bão, đã qua mùa thác lũ đã trở nên đằm thắm và sâu xa đến độ, nên nó bền vững với thời gian:
“Thời gian như là gió
Mùa đi cùng tháng năm
Tuổi theo mùa đi mãi
Chỉ còn anh và em”
Dù thời gian có trôi nhanh như gió, dù màu có tiếp mùa trôi qua, dù tuổi trẻ cũng theo mùa trôi qua, nhưng tình yêu của anh và em vẫn ở lại.
Nhà thơ khẳng đinh lại một lần nữa:
“Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại”…
Tình yêu đã được vĩnh viễn hoá, trở nên trường tồn cùng thời gian. Nhà thơ đã thể hiện khát khao tình yêu của mình thật mạnh mẽ. Ở đây ta cũng bắt gặp một người phụ nữ có trái tim tình yêu thật chung thuỷ. Nếu như khi còn trẻ nhà thơ thể hiện tình yêu chung thuỷ cảu mình bằng hình ảnh:
“Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng vè anh một phương”
Thì ở bài thơ này cách khẳng định chỉ còn anh và em ở lại cùng mùa thu thật mới mẻ và ấn tượng. Hai câu thơ kết cũng thật lạ:
“- Kìa bao người yêu mới
Đi qua cùng heo may. ”
Vùng heo may- phải chăng là thời điểm đầu mùa thu tương ứng với người yêu mới? còn anh và em đã ở cuối mùa thu của cuộc đời mà tình yêu vẫn còn mãi. Nguyện ước ấy thật chân thành, tha thiết và cảm đọng biết bao…
Đọc lại ” Thơ tình cuối mùa thu” trong một đêm mùa hạ, tôi ngẫm ra được rất nhiều điều. Cái bất tử, cái đẹp của tình yêu đâu phải chỉ ở thủa ban đầu. Tình yêu sẽ đẹp mãi nếu ta có một trái tim biết yêu, dám yêu đến mãnh liệt như Xuân Quỳnh.
Bài thơ làm tôi thấy buồn da diết. Không hiểu có phải tại lá vàng, hoa cúc hay tại gió heo may? Tôi cũng luôn ước mơ có một tình yêu như trong bài thơ, dịu dàng, sâu lắng và bình yên!
Thơ Xuân Quỳnh thật mượt mà quyến dũ…Đọc thơ chị như chìm vào dòng tâm tưởng mang mang vô tận…Thơ 5 từ dễ dãi bày tâm sự song đọc thơ chị không có cảm giác nhàm chán trong cảm nhận của người đọc…Thơ gì chị viết cũng hay và có những câu phát sáng!
Hai câu mở đầu gợi cảm giác mênh mang trùng điệp của mùa thu…để từ đó sự liên tưởng thật giản dị và tinh tế không một chút khiêm cưỡng…
Kìa bao người yêu mới
Đi qua mùa heo may…
Cái hay một lần nữa lại chính là sự bố cục tinh tế và chị lại trở lại chính mình,trở lại nỗi niềm người đọc…
Trở lại cái muôn thuở của mùa heo may…
Trong bài thơ, ta cần chú ý những chi tiết và hình ảnh sau đây: mùa thu vào (không phải “và” hay “vàng”) hoa cúc, chỉ còn anh và em, chỉ còn anh và em, là của mùa thu cũ, chỉ còn anh và em, cùng tình yêu ở lại… Ba chi tiết trên gợi hình ảnh mùa thu đã đến, thời gian đã ở chặng 3/4 cuộc đời người, và với tác giả, còn hơn thế nữa, lại là mùa thu cũ! Nhưng dù vậy, dù tất cả đã đi qua, thì chỉ còn anh và em cùng tình yêu vẫn ở lại! Cái vĩnh viễn của tình yêu đến độ chín là nhơ vậy! Và bài thơ thật sự hay là[r đó!
Đính chính câu cuối đoạn bình luận trên:
Cái vĩnh viễn của tình yêu đến độ chín là như vậy! Và bài thơ thật sự hay là ở đó!
Trong bài thơ, ta cần chú ý những chi tiết và hình ảnh sau đây: mùa thu vào (không phải “và” hay “vàng”) hoa cúc, chỉ còn anh và em, chỉ còn anh và em, là của mùa thu cũ, chỉ còn anh và em, cùng tình yêu ở lại… Ba chi tiết trên gợi hình ảnh mùa thu đã đến, thời gian đã ở chặng 3/4 cuộc đời người, và với tác giả, còn hơn thế nữa, lại là mùa thu cũ! Nhưng dù vậy, dù tất cả đã đi qua, thì chỉ còn anh và em cùng tình yêu vẫn ở lại! Cái vĩnh viễn của tình yêu đến độ chín là như vậy! Và bài thơ thật sự hay là ở đó!