Tống biệt hành
Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong ?
Đưa người ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dửng dưng…
– Li khách! Li khách! Con đường nhỏ
Chí nhớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại
Ba năm mẹ già cũng đừng mong!
Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt
Một chị, hai chị cùng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót
Ta biết người buồn sáng hôm nay:
Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay…
Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say…
Mây thu đầu núi, giá lên trăng
Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm
Ngừng ở ven trời nghe tiếng khóc
Tiếng đời xô động, tiếng lòng câm.1
(1940)
- Đây là khổ thơ cuối của bài thơ mà nhiều bản in in thiếu [↩]
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng phổ nhạc thành nhạc phẩm cùng tên.
Dưới đây là phiên bản do Khánh Ly trình bày.
Bài thơ của Thi sỹ Thanh Tâm sau 70 năm vẫn thật tuyệt vời, khó có bài thơ nào cùng chủ đề mà hay được như vậy. Giọng hát Khánh Ly truyền cảm lắm, chỉ tiếc nhạc sỹ phổ nhạc chưa thể hiện nổi cái thần thái và cái hồn cốt của thi phẩm tuyệt vời này bằng ngôn ngữ âm nhạc. Giai điệu toàn bài nghe quá đơn giản. Tôi đã nghe 03 bài hát phổ nhạc từ 03 bài thơ mà tôi rất thích đó là : Màu tím hoa sim (Hữu Loan); Tây tiến (Quang Dũng) và Tống biệt hành (Thâm Tâm) và tất cả đều làm tôi với tư cách một người yêu thơ (phần ca từ) của các nhạc phẩm này rất thất vọng. Có lẽ những người phổ nhạc đọc không kỹ nên chưa thấy và chưa “lấy” ra được nhạc điệu vốn sãn có trong các thi phẩm tuyệt tác này. Buồn thay !
[…] Mây thu đầu núi, giá lên trăng Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm Ngừng ở ven trời nghe tiếng khóc Tiếng đời xô động, tiếng lòng câm.[1] […]
[…] Mây thu đầu núi, giá lên trăng Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm Ngừng ở ven trời nghe tiếng khóc Tiếng đời xô động, tiếng lòng câm.[1] […]
Đọc bài chia ly với người thân này, lại nhớ đến Kinh Kha thích Tần, chia tay bạn tại dòng sông Dịch, lại nhớ đến sự chia ly của hai người yêu nhau như Ngưu Lang- Chức Nữ. Thật buồn. Thật khổ (ái biệt ly khổ của nhà Phật). Mong rằng trong nỗi buồn chia ly vẫn ẩn giấu đâu đó một niềm an ủi, một tia hy vọng về một ngày gặp lại, một ngày trở về.