Bàn tay em
Gia tài em chỉ có bàn tay,
Em trao tặng cho anh từ ngày ấy,
Những năm tháng cùng nhau anh chỉ thấy
Quá khứ dài là mái tóc em đen.
Vui, buồn trong tiếng nói, nụ cười em,
Qua gương mặt anh hiểu điều lo lắng,
Qua ánh mắt anh hiểu điều mong ngóng,
Anh nghĩ gì khi nhìn xuống bàn tay?
Bàn tay em ngón chẳng thon dài,
Vết chai cũ, đường gân xanh vất vả.
Em đánh chắt, chơi thuyền thuở nhỏ,
Hái rau dền, rau rệu nấu canh,
Tập vá may, tết tóc một mình,
Rồi úp mặt lên bàn tay khóc mẹ.
Đường tít tắp, không gian như bể,
Anh chờ em, cho em vịn bàn tay
Trong tay anh, tay của em đây
Biết lặng lẽ vun trồn gìn giữ.
Trời mưa lạnh, tay em khép cửa,
Em phơi mền, vá áo cho anh.
Tay cắm hoa, tay để treo tranh,
Tay thắp sáng ngọn đèn đêm anh đọc.
Năm tháng đi qua, mái đầu cực nhọc,
Tay em dừng trên vầng trán lo âu.
Em nhẹ nhàng xoa dịu nỗi đau
Và góp nhặt niềm vui từ mọi ngã.
Khi anh vắng, bàn tay em biết nhớ
Lấy thời gian đan thành áo mong chờ.
Lấy thời gian em viết những dòng thơ
Để thấy được chúng mình không cách trở.
Bàn tay em, gia tài bé nhỏ,
Em trao anh cùng với cuộc đời em
Xuân Quỳnh là nữ thi sĩ luôn sống hết lòng và yêu hết lòng. Bài thơ ” Bàn tay em” được sáng tác năm 1976 là một thi phẩm rất đặc biệt của Xuân Quỳnh khi viết về đề tài tình yêu. Ở bài thơ này người đọc có dịp cảm nhận đầy đủ vẻ đẹp của người phụ nữ trong cuộc sống đời thường.
Gia tài của người con gái khi lấy chồng theo Xuân Quỳnh quí giá nhât chính là đôi bàn tay. Và người con gái đã dâng hiến gia tài quí giá ấy cho tình yêu thật trọn vẹn:
Gia tài em chỉ có bàn tay,
Em trao tặng cho anh từ ngày ấy,
” Từ ngày ấy” tức là từ ngày bắt đầu yêu anh. Nó đã lâu lắm rồi, nó đã trở thành một quá khứ dài, cùng trôi qua với tuổi thanh xuân của em:
Những năm tháng cùng nhau anh chỉ thấy
Quá khứ dài là mái tóc em đen.
Nhà thơ đã so sánh rất lạ: quá khứ dài với mái tóc em đen, để nhấn mạnh một điều: em đã ở cùng anh, đã yêu anh bằng cả tuổi trẻ của mình. Quá khứ dài là cả tuổi thanh xuân của em anh có thấy hết điều đó không anh? Hai câu thơ hình như có thoáng trách móc nhẹ nhàng của người phụ nữ với anh- người đã gắn bó với em trong một” quá khứ dài”
Khổ thơ thứ hai nhà thơ nói rằng :
Vui, buồn trong tiếng nói, nụ cười em,
Qua gương mặt anh hiểu điều lo lắng,
Qua ánh mắt anh hiểu điều mong ngóng,
Anh nghĩ gì khi nhìn xuống bàn tay?
Dù anh rất hiểu em: vui, buồn trong tiếng nói, trong nụ cười,qua gương mặt, qua ánh mắt anh đều đọc được những điều em lo âu, mong ngóng nhưng anh nghĩ gì khi nhìn xuống bàn tay em? Câu hỏi thể hiện sự băn khoăn , thắc thỏm khi người phụ nữ nghĩ về chính mình.
Ở những khổ thơ tiếp theo nhà thơ kể về bàn tay của mình:
Bàn tay em ngón chẳng thon dài,
Vết chai cũ, đường gân xanh vất vả.
Em đánh chắt, chơi thuyền thuở nhỏ,
Hái rau dền, rau rệu nấu canh,
Tập vá may, tết tóc một mình,
Rồi úp mặt lên bàn tay khóc mẹ.
Đường tít tắp, không gian như bể,
Anh chờ em, cho em vịn bàn tay
Bàn tay em ngón chẳng thon dài , có vết chai và đường gân vất vả- đó là bàn tay của những người phụ nữ yêu lao động, biết lấy lao động làm thước đo cho nhân phẩn. Bàn tay em đã từng chơi chắt chơi chuyền hòi thơ bé, bàn tay đã tập vá may, tết tóc để trở thành người phụ nữ khéo léo như bây giờ. Bàn tay đã giữ những giọt nước mắt đau đớn khi mẹ qua đời. Bàn tay thể hiện cuộc đời tít tắp mênh mang. Bàn tay em đã vịn vào tay anh để cùng đi đến một tình yêu bền vững:” Anh chờ em, cho em vịn bàn tay”
Trong tay anh, tay của em đây
Biết lặng lẽ vun trồn gìn giữ.
Trời mưa lạnh, tay em khép cửa,
Em phơi mền, vá áo cho anh.
Trong tay anh là tay của em- bàn tay biết vun trồng và gìn giữ hạnh phúc, bàn tay biết kéo rèm cho anh khỏi lạnh, biết phơi mền, biết vá áo, biết chăm sóc anh. Bàn tay em còn biết mang đến cho anh cuộc sống tinh thần thật thoải mái. Bàn tay em đã chia sẻ cùng anh những nỗi lo âu trong cuộc sống vất vả đời thường :
Tay cắm hoa, tay để treo tranh,
Tay thắp sáng ngọn đèn đêm anh đọc.
Năm tháng đi qua, mái đầu cực nhọc,
Tay em dừng trên vầng trán lo âu.
Hình ảnh” Tay em dừng trên vầng trán lo âu ” thật cảm động. Đấng mày râu nào không mong muốn có một bàn tay mềm mại đặt trên trán mình khi mình mệt mỏi vì biết bao toan tính trên đường đời.
Em nhẹ nhàng xoa dịu nỗi đau
Và góp nhặt niềm vui từ mọi ngã.
Khi anh vắng, bàn tay em biết nhớ
Lấy thời gian đan thành áo mong chờ.
Đến khổ thơ này, cách viết của nhà thơ trở nên hình tượng hơn.Bàn tay em trở nên có sức mạnh xoa dịu nỗi đau, góp nhặt niềm vui từ mọi ngả. Bàn tay em còn biết nhung nhớ khi anh vắng xa. Bàn tay em biết chung thuỷ chờ đợi dù thời gian có dài đến mấy. Cách nói ẩn dụ” Lấy thời gian đan thành áo mong chờ” thật cảm động. Ta nhớ lại chiếc áo chờ chồng của nàng Pênêlốp trong sử thi Hy Lạp. Chiếc áo đan suốt 20 năm đằng đẵng chờ đợi chàng Ôđixê trở về. Những người phụ nữ dù ở thời đại nào cũng đẹp đến vô cùng trong những tháng năm chờ đợi ấy.Tản Đà đã từng có câu thơ:
” Xương mai một nắm hao gầy
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương”
Để thể hiện sự chờ đợi của non đối với nước. Chờ đợi tha thiết tới mức hao gầy, tới mức tóc mây ngả bạc.Cách viết của Xuân Quỳnh cũng rất án tượng nhưng lại rất gần gũi vì nó gắn với một công việc của người phụ nữ: đan áo mong chờ bằng thời gian.
Khổ thơ cuối cùng:
Lấy thời gian em viết những dòng thơ
Để thấy được chúng mình không cách trở.
Bàn tay em, gia tài bé nhỏ,
Em trao anh cùng với cuộc đời em
Bàn tay em còn lấy thời gian để viết nên những dòng thơ, để mong thấy chúng mình không cách trở. Bài thơ kết lại bằng hai câu thơ thật giản dị và thành thật.” Bàn tay em, gia tài bé nhỏ. Em trao anh cùng cả cuộc đời em” Còn gì đáng trân trọng và cảm độnghơn một tình yêu nồng nàn và chân thành đến thế. Em trao anh cả cuộc đời em để được chăm sóc anh, được nâng đỡ xoa dịu cho anh qua những đớn đau, được dùng đôi bàn tay không thon dài mượt mà của mình để vun vén và giữ gìn hạnh phúc. Có lẽ không có lời nào ca ngợi người phụ nữ đẹp hơn thế nữa.
Bài thơ” Bàn tay em” vừa là lời tâm sự, vừa là sự tự tôn cho mình và cho cả giới phụ nữ của Xuân Quỳnh. Đọc ” Bàn tay em” ta cảm nhận được sự hy sinh, sự chung thuỷ, sự tảo tần của người phụ nữ. Có lẽ những độc giả đã làm mẹ sẽ đọc cho con gái mình nghe bài thơ của Xuân Quỳnh trong quá trình dạy con gái trở thành người phụ nữ có ích cho cuộc đời.
I cried…