Một góc chiều Hà Nội
Tác giả: Nguyễn Duy
Hồ Gươm xanh màu xanh cổ tích
Con rùa vàng gửi bóng ở trên mây
Cây si mọc chúc cành xuống nước
Thê Húc cong cong một nét lông mày
Tóc em dài cho ta nhìn thấy gió
Áo em bay cho mờ tỏ thân hình
Em sâu sắc như kinh thành cổ kính
Gốc si già da mốc ngói rêu xanh
Em nhẹ nhõm đi về trong phố cũ
Tường nhà lở vôi cửa gỗ bức bàn
Ta lặn lội như một thằng ăn trộm
Nơm nớp lo mình bị bắt quả tang
Lần lữa mãi thế là ta lỡ dại
Để dành thành mất cắp cả tình yêu
Thế là ta mồ côi em mãi mãi
Cái vu vơ chết đuối dưới sương chiều
Cửa gỗ cài then….bóng em mất hút
Xe cúp đã thay cho ngựa tía võng điều
Ta trở lại gốc si già…và làm lại
Làm thơ tình tặng những lứa đang yêu…
chào anh:
Minh thu có phổ nhạc bài MỘT GÓC CHIỀU HÀ NỘI ,nhưng không có địa chỉ
để gửi anh bản nhạc.
Minh thu người thanh hoá-hiện sống tại sài gòn.
số điện thoại: 0918134148
MT cũng là bạn thân NGUYỄN NGỌC CỰ ( chồng LÝ)
Vậy anh GỌI cho Minh thu nhé!.
” Một góc chiều Hà Nội” có phải là bài thơ tình của Nguyễn Duy. Ta thường quen gặp Nguyễn Duy ở những bài thơ đẫm chất thế sự và triết lí, đọc ” Một góc chiều Hà Nội” ta cũng thấy rất rõ phong cách thơ Nguyễn Duy.
Bài thơ được mở đầu bằng những câu thơ miêu tả Hà Nội rất đẹp:
Hồ Gươm xanh màu xanh cổ tích
Con rùa vàng gửi bóng ở trên mây
Cây si mọc chúc cành xuống nước
Thê Húc cong cong một nét lông mày
Miêu tả rất thật” Cây si mọc chúc cành xuống nước” nhưng cũng rất hình tượng:”Con rùa vàng gửi bóng ở trên mây… Thê Húc cong như một nét lông mày”. Hà Nội hiện lên thật cổ kính và thân quen, thật nên thơ và trí tuệ.
Khổ thơ thứ 2 miêu tả người thiếu nữ Hà Nội:
Tóc em dài cho ta nhìn thấy gió
Áo em bay cho mờ tỏ thân hình
Từ em mà ta nhìn thấy gió- ý thơ rất ấn tượng. Áo em bay để ta thấy được những đường nét mờ tỏ của cái đẹp. Nhà thơ so sánh cái sâu sắc của thiếu nữ Hà Nội như sự cổ kính rêu phong của kinh đô ngàn năm văn vật vậy. Cách so sánh rất độc đáo khiến người đọc ngỡ ngàng và nể phục:
Em sâu sắc như kinh thành cổ kính
Gốc si già da mốc ngói rêu xanh
Khổ thơ thứ 3 rất lạ. Cô gái Hà Nội đi về trong phố cũ nhẹ nhõm thanh thoát. Phố cũ hiện lên với tường lở vôi, cửa cũ bức bàn, nghèo nhưng kín đáo- rất Hà Nội. Nhà thơ – ta hiện ra :
Ta lặn lội như một thằng ăn trộm
Nơm nớp lo mình bị bắt quả tang
Đằng sau cửa gỗ bức bàn lchắc chắn phải là vật quí, nên Ta mới” lặn lội ” va sợ bị “bắt quả tang”, bởi có lẽ em là điều ta khó có thể có được. Phải chăng đây là sự ngại ngần rụt rè của những chàng trai mới lớn, rất dễ thương, rất trong sáng, chưa tự tin vào mình chỉ dám ngắm cô gái mình yêu từ xa.
Nhà thơ tiếp tục giãi bày:
Lần lữa mãi thế là ta lỡ dại
Để dành thành mất cắp cả tình yêu
Thế là ta mồ côi em mãi mãi
Cái vu vơ chết đuối dưới sương chiều”
Sự rụt rè lần lữa khiến cho Ta thành dại dột. Để dành lời yêu để đến nõi mất cắp cả tình yêu. Cách viết của nhà thơ ở đây vô cùng mới mẻ khiến người đọc bất ngờ. Không có được em trong vòng tay mình nhà thơ thấy:”Thế là ta mồ côi em mãi mãi” và câu thơ cuối cùng của khổ thơ mới thực sự ám ảnh:
“Cái vu vơ chết đuối dưới sương chiều”. Cái vu vơ ở đây phải chăng nhà thơ muốn nói về cái ngu ngơ , dại dột của một thời trai trẻ. Cái vu vơ ấy- cái tình yêu đầu rất đẹp rất trong ngần nhưng lại thiếu mạnh mẽ ấy đã “chết đuối dưới sương chiều”- thật triết lí biết bao.
Khổ thơ cuối cùng ta lại găp chất thé sự quen thuộc của thơ Nguyễn Duy:
Cửa gỗ cài then….bóng em mất hút
Xe cúp đã thay cho ngựa tía võng điều
Ta trở lại gốc si già…và làm lại
Làm thơ tình tặng những lứa đang yêu…
Cửa gỗ đã cài then và em được đón đi bằng xe cup. Ta đau vì em không là gió nữa, em không là kinh thành cổ xưa nữa, em là của thực tại rồi, của Hà Nội thời mở cửa rồi. Ta lại trở về gốc si già quen thuộc để làm lại từ đầu. Để” làm thơ tình tặng những lứa đang yêu.”
Hoá ra bài thơ không phải là thơ tình nữa rồi, mà là một bài thơ thế sự viết vè tình yêu. Sâu sắc đến ngậm ngùi.
Tôi yêu thơ Nguyễn Duy vì nhà thơ luôn đưa bạn đọc đến vói những bất ngờ, đến với những suy nghĩ về cuộc đời rất thật rất đa chiều. ” Một góc chiều Hà Nội” là một bài thơ như thế.