Tên làng
Con là con trai của mẹ
Người đàn ông ở làng Hiếu Lễ
Ba mươi tuổi từ mặt trận về
Vội vàng cưới vợ
Ba mốt tuổi tập tành nhà cửa
Rào miếng vườn trồng cây rau
Hạnh phúc xinh xinh nho nhỏ ban đầu
Như mặt trời mới nhô ra khỏi núi
Con là con trai của mẹ
Người đàn ông ở làng Hiếu Lễ
Mang trong người cơn sốt cao nguyên
Mang trên mình vết thương
Ơn cây cỏ quê nhà
Chữa cho con lành lặn
Con là con trai của mẹ
Người đàn ông ở làng Hiếu Lễ
Lần đầu tiên ôm tiếng khóc lên ba
Lần đầu tiên sông núi gọi ông bà
Lần đầu tiên nhóm lửa trên mặt nước
Lần đầu tiên sứ sành rạn nứt
Lần đầu tiên ý nghĩ khôn lên
Ý nghĩ khôn lên nỗi buồn thấm tháp
Bàn chân từng đạp bằng đá sắc
Trở về làng bập bẹ tiếng đầu tiên
Ơi cái làng của mẹ sinh con
Có ngôi nhà xây bằng đá hộc
Có con đường trâu bò vàng đen đi kìn kịt
Có niềm vui lúa chín tràn trề
Có tình yêu tan thành tiếng thác
Vang lên trời
Vọng xuống đất
Cái tên làng Hiếu Lễ của con.
Một nhà thơ lấy cái thần để vẽ cái tâm và lấy cái tâm để tích cái tầm.
Đọc thơ Y Phương là đọc cái tâm tưởng chứ xoáy vào sự mưu mô của tư tưởng là hoàn toàn lạc lối.
Âm hưởng thơ thoạt nghe thì rất dân tộc, nhiều khi ngây ngô, nhưng đọc như một văn bản thì hiện đại và thần thái đấy…