Thica.net

Mạng thi ca Việt Nam

  • Những bông hoa không chết

    Tác giả:

    Chúng ta ra đi chiến tranh mùa đông
    Khói xám phủ những toa tàu mù mịt
    Tờ báo cũ rơi trên chồng gạch ướt
    Người bẻ ghi râu bạc đứng im lìm

    Chúng ta ra đi chiến tranh mùa đông
    Tiếng ai hát khuất vào nẻo tối
    Gió thổi tung những trang sách trên bàn
    Cuốn hình học không gian và tập thơ Blốc

    17 tuổi lòng ai không hồi hộp
    Khi ngồi trong rạp hát đợi màn lên
    Tuổi thơ bỏ ta bay mất như chim
    Tiếng bom nổ những khu nhà đổ sụp

    Chúng ta ra đi chiến tranh mùa đông
    Ta kịp biết gì đâu
    Vừa hết trẻ con đã là người lính
    Cô bạn gái cánh tay trần rám nắng
    Ngực phập phồng thở mạnh đến lo âu
    Đừng nói với ta những lời hào nhoáng về chiến tranh
    Tuổi trẻ ta đã qua bạn bè ta đã chết
    Ta đã vượt bao đèo cao chót vót
    Bao điều nhà trường chẳng dạy cho ta
    Nghĩ lại giễu cười những giấc mộng tuổi thơ
    Giờ trong ta vui buồn đều nín lặng
    Một thế hệ cứng đi như thỏi sắt
    Nhưng xoáy ngầm vẫn cuộn ở lòng sông

    Ta sẽ trở về. Thành phố mùa xuân.
    Dẫu hàng xóm chẳng nhận ra ta được
    Dẫu mẹ già đã trắng phơ tóc bạc
    Bước lên thềm ta sẽ gọi: Mẹ ơi!
    Qua khổ đau con đã lớn lên rồi
    Mẹ hãy nghỉ ngơi, con sẽ làm mọi việc…

    Những bạn bè đã chết
    Cũng sẽ trở về như những bông hoa
    Cắt xuân trước, tháng Giêng sau lại mọc
    Những bông hoa không chết bao giờ.

    Bình luận

    1. hangnga14 says:

      “ Những bông hoa không chết” – cách nhìn nhận về chiến tranh rất có chiều sâu của Lưu Quang Vũ

      Chiến tranh đã đi qua nhiều năm, nhưng dư âm của nó còn mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Nhìn nhận về những cuộc chiến đã qua của cả dân tộc là cả một vấn đề. Lưu Quang Vũ cũng thể hiện cách nhìn nhận về chiến tranh rất riêng của mình qua bài thơ “ Những bông hoa không chết”

      Chúng ta ra đi chiến tranh mùa đông
      Khói xám phủ những toa tàu mù mịt
      Tờ báo cũ rơi trên chồng gạch ướt
      Người bẻ ghi râu bạc đứng im lìm

      Chúng ta ra đi chiến tranh mùa đông
      Tiếng ai hát khuất vào nẻo tối
      Gió thổi tung những trang sách trên bàn
      Cuốn hình học không gian và tập thơ Blốc
      Khung cảnh tan nát, mất mát của chiến tranh tràn ngập hai khổ thơ đầu. Nhà thơ gắn chiến tranh với mùa đông lanh lẽo để phần nào lột tả được cái tàn nhẫn đến vô cảm của chiến tranh. Bức tranh cuộc sống thời chiến hiện lên với khói xám mù mịt, tờ báo cũ rơi trên chồng gạch ướt, người bẻ ghi đứng im lìm , với cuốn hình học không gian, và tập thơ của Bloc bị thổi tung trên bàn học. Tác giả đã nhìn chiến tranh bằng con mắt vừa khách quan vừa có tầm khái quát và hình tượng nên hình ảnh của chiến tranh có sức ám ảnh lớn ở những câu thơ này. Khổ thơ tiếp theo tác giả viết về hình ảnh của bản thân mình và biết bao người trẻ tuổi đã từng đi qua chiến tranh:
      17 tuổi lòng ai không hồi hộp
      Khi ngồi trong rạp hát đợi màn lên
      Tuổi thơ bỏ ta bay mất như chim
      Tiếng bom nổ những khu nhà đổ sụp

      Chúng ta ra đi chiến tranh mùa đông
      Ta kịp biết gì đâu
      Vừa hết trẻ con đã là người lính
      Cô bạn gái cánh tay trần rám nắng
      Ngực phập phồng thở mạnh đến lo âu
      Đừng nói với ta những lời hào nhoáng về chiến tranh
      Tuổi trẻ ta đã qua bạn bè ta đã chết
      Ta đã vượt bao đèo cao chót vót
      Bao điều nhà trường chẳng dạy cho ta
      Nghĩ lại giễu cười những giấc mộng tuổi thơ
      Giờ trong ta vui buồn đều nín lặng
      Một thế hệ cứng đi như thỏi sắt
      Nhưng xoáy ngầm vẫn cuộn ở lòng sông
      Những chàng trai 17 tuổi lòng đầy hồi hộp khi ngồi trong rạp hát đợi màn lên để xem một vở kịch. Vậy mà tuổi thơ bay vèo đi mất như cánh chim để những chàng trai ấy phải chứng kiến cảnh những căn nhà sụp đỏ vì bom đạn. Thật tiếc cho tuổi trẻ mộng mơ.
      Chúng ta ra đi chiến tranh mùa đông
      Ta kịp biết gì đâu
      Vừa hết trẻ con đã là người lính
      Cô bạn gái cánh tay trần rám nắng
      Ngực phập phồng thở mạnh đến lo âu
      Nhà thơ đã nói rất thật về thế hệ trẻ của thời đại mình. Những chàng trai trẻ chưa kịp biết gì, chưa kịp hết thời trẻ con đã phải trở thành người lính dày dạn với đạnbom. Nhà thơ có nhắc tới cô bạn gái- có thể là mối tình đầu ngay cả trong giây phút yêu đương nồng nàn nhất cuãng phập phồng lo âu. Cả một thế hệ đã sống qua những tháng năm như thế để trở thành chai cứng, rắn như thỏi sắt
      Giờ trong ta vui buồn đều nín lặng
      Một thế hệ cứng đi như thỏi sắt
      Nhưng trong thăm sâu tâm hồn lại là: “Nhưng xoáy ngầm vẫn cuộn ở lòng sông”. Bao khát khao và mộng mơ của tuổi trẻ vãn cuộn chảy như xoáy ngầm cuộn chảy trong lòng sông. Cách nói của nhà thơ thật hình tượng và thật ấn tượng. Thể hiện rất đúng khát vọng mạnh mẽ của tuổi trẻ thế hệ Hồ Chí Minh.
      Chiến tranh sẽ đi qua, người lính sẽ trở về đầy hy vọng
      Ta sẽ trở về. Thành phố mùa xuân.
      Dẫu hàng xóm chẳng nhận ra ta được
      Dẫu mẹ già đã trắng phơ tóc bạc
      Bước lên thềm ta sẽ gọi: Mẹ ơi!
      Qua khổ đau con đã lớn lên rồi
      Mẹ hãy nghỉ ngơi, con sẽ làm mọi việc…
      Dù hàng xóm không nhận ra, dù mẹ già tóc đã bạc trắng, Lời đầu tiên khi từ chiến tranh trở về là tiếng gọi “ mẹ ơi” tha thiết . Người lính- chàng trai 17 tuổi năm nào đã vững vàng khẳng định với mẹ:
      Qua khổ đau con đã lớn lên rồi
      Mẹ hãy nghỉ ngơi, con sẽ làm mọi việc…
      Mẹ ơi con đã trở về, con sẽ làm mọi việc để mẹ được nghỉ ngơi. Con đã thực sự trưởng thành qua lửa đạn chiến tranh. Chiến tranh đã tôi luyện con thành một người cứng cỏi, không còn là cậu bé 17 tuổi năm xưa nữa .
      Khổ thơ kết đã khép lại bài thơ bằng niềm tin bất diệt:
      Những bạn bè đã chết
      Cũng sẽ trở về như những bông hoa
      Cắt xuân trước, tháng Giêng sau lại mọc
      Những bông hoa không chết bao giờ.
      Cách nhìn nhận về chiến tranh của nhà thơ Lưu Quang Vũ thật lạc quan. Tất cả những bạn bè đã nằn xuống đã trở thành những bông hoa và cũng sẽ trở về như những bông hoa :
      Cắt xuân trước, tháng Giêng sau lại mọc
      Những bông hoa không chết bao giờ.
      Những bông hoa không bao giờ chết- đây là lời ngợi ca chân thành nhất , tuyệt vời nhất vè những con người đã nằm xuống trong chiến tranh.
      Bài thơ” Những bông hoa không chết” đã thể hiện một cách nhìn nhận rất sâu sắc về chiến tranh. Chiến tranh ác liệt, bom đạn chết người sẽ làm con người được tôi luyện thành những thỏi sắt, nhưng trong tâm hồn những con người đã kinh qua chiến tranh vẫn cuồn cuộn chảy những khát vọng của tuổi trẻ. Những người vĩnh viễn nằm xuống sẽ như những đóa hoa không bao giờ chết. Lớp lớp những người trẻ tuổi sẽ lớn lên , và sẽ lần lượt đi qua đạn lửa để trở thành những bông hoa bất tử cho đến ngày toàn thắng. Cách nhìn chiến tranh của nhà thơ ở đây là cách nhìn nhận của một người yêu nước, của một tầm nhìn rất có chiều sâu: chiến tranh không phải chỉ lad sự hủy diệt mà còn là sự tôi luyện và trưởng thành và nâng con người đến tầm bất tử.

    ví dụ: http://www.example.com

    Lời bình: (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)