Thica.net

Mạng thi ca Việt Nam

  • Tiếng chim Quyên qui

    Tác giả:

    Cuối bản Poong-kọn có con chim Quyên qui
    chiều chiều hót gọi chân anh về phía ấy
    nắng nương thì vàng đòng nếp nương đương mẩy
    dặt dìu nhịp nhịp
    “quyên qui”
    Bước chân đi
    Phía có tiếng Quyên qui là con suối chảy
    ai vừa giũ vải
    cho nước suối xanh chàm
    ai vừa nướng cơm lam
    đất thơm mùi khói
    cho cái bụng anh đói
    quên tìm tiếng chim
    tại nó lặng im
    nên chân anh đi lạc
    con mắt anh ngơ ngác
    chạm bậc nhà sàn
    vừa bước lên thang
    thì lại nghe nó hót

    Tiếng Quyên qui trên chùm lặc lày1 mới hái
    tiếng Quyên qui trong nắng thổ cẩm vừa phơi
    tiếng Quyên qui như ở khắp mọi nơi
    ăm ắp tiếng chim
    gọi em ơi
    không thấy

    Cuối bản Poong-kọn cứ “quyên qui” da diết
    anh muốn nghe thành “quên đi”
    không được
    chín bậc nhà sàn
    vắng
    chông chênh chân anh
    em đã búi tóc cao
    mấy mùa trăng trước2

    Cuối bản Poong-kọn có tiếng Quyên qui hót
    giọng nó như ngậm mật rừng mùa chín ngọt
    “quyên qui”
    “quyên qui”
    nghe như ngây như say
    vây khắp lối về
    một mình anh
    và mây.

    1. Quả mướp đắng []
    2. Con gái Thái, khi lấy chồng rồi thì búi tóc cao. []

    Bình luận

    1. nguyễn thị kim chi says:

      Khác với Nguyễn Phan Quế Mai nổi bật với giọng thơ “ngồn ngộn đời sống hiện đại của xã hội công nghiệp” (theo cách nói của nhà thơ Trần Quang Qúy), lúc nào chị cũng suy tư với những vấn đề mang tính thời cuộc “Úp mặt vào ngày/ Ngày cuốn em đi bằng email, điện thoại…” trong “Vòng xoáy”, luôn là những nhịp thơ nhạy cảm, ngập tràn cảm xúc mãnh liệt thì ở “Tiếng chim Quyên Qui” của Nguyễn Anh Vũ là sự bừng tỉnh của âm thanh, tiêu biểu nhất là tiếng kêu của chim Quyên qui.
      Nếu chỉ nhìn vào nội dung thì ta chỉ thấy bài thơ nói về tình yêu, các cung bậc khác nhau của những người đang yêu, thế thì quá đỗi bình thường. Vậy thì cái mới, cái trẻ trong thơ Anh Vũ là ở đâu? Xin thưa, là ở hình thái nghệ thuật, là ở ngôn từ sáng tạo tràn ngập sức sống.
      Tình yêu trong thơ Anh Vũ bị vây chặt, loay hoay trong lòng bản Poong-kọn – một không gian hẹp và cố định. Mở đầu bài thơ, không gian bừng lên màu sắc tươi mới, rộn ràng từ phía cuối bản, nó không ngừng thôi thúc bước chân chàng trai “gọi chân anh về phía ấy” mọi độ “chiều chiều”, hòa cùng sắc vàng của nắng, của những dãy nương nếp đương bật mầm vươn dậy, như chính tình yêu đang bật mầm thức dậy nơi con người. Tác giả đã dùng những từ láy “chiều chiều”, “dặt dìu”, “nhịp nhịp”, kết hợp với kiểu ngắt câu, xuống dòng một chầm chậm “quyên qui”, “bước chân đi” tạo nên hình ảnh sống động của những bước chân nhẹ nhàng, lôi cuốn bởi tiếng chim Quyên qui. Nhà thơ của chúng ta như đặt mình ở một vị thế cao hơn, đang ra sức “zoom” vào bản Poong-kọn, xóa bớt lớp mây mù để thấy được màu vàng tươi của nắng, của nương nếp lẫn bước chân nhịp nhàng theo từng tiếng “quyên qui”.
      Cảnh vật dần hiện ra rõ hơn qua sự lý giải của nhà thơ “phía có tiếng Quyên qui là con suối chảy” như lời nhạc được phối cùng muôn vàn âm tiết, nhịp điệu rộn ràng theo từng hình ảnh của bước chân, những điệu nhảy của người Thái:
      “ai vừa giũ vải
      cho nước suối xanh chàm
      ai vừa nướng cơm lam
      đất thơm mùi khói
      cho cái bụng anh đói
      quên tìm tiếng chim
      tại nó lặng im
      nên chân anh đi lạc
      con mắt anh ngơ ngác
      chạm bậc nhà sàn
      vừa bước lên thang
      thì lại nghe nó hót”
      Tác giả đã không ngừng đưa ra hàng loạt những câu thơ chỉ có từ bốn đến năm chữ, kết hợp với việc sắp xếp dòng theo lối bậc thang, và cách gieo vần chân “chàm – lam”, “khói – đói”, “chim – im”, “lạc – ngác”, “sàn – thang” cộng với lối nhả nhịp gấp gáp hơn như những bước chân từ tầng cao xuống thấp thông qua những bậc thang ngắn
      Những hình ảnh lao động quen thuộc từ “ai”: “giũ vải”, “nướng cơm lam” làm “nước suối xanh chàm”, “đất thơm mùi khói” đã níu kéo bước chân chàng trai khiến anh quên tìm tiếng chim – tiếng thôi thúc lòng mình, để rồi đi lạc đến “bậc nhà sàn/ vừa bước lên thang/ thì lại nghe nó hót”. Tiếng chim Quyên qui như là lời dẫn đường cho nhân vật trữ tình đi tìm bến bờ hạnh phúc, theo tiếng chim nhân vật như được gặp gỡ tình yêu hằng khát khao “vừa bước lên thang/ thì lại nghe nó hót”. Cảm xúc hồi hộp của trái tim hòa cùng nhịp bước chân rộn ràng của nhân vật trữ tình cho thấy sự háo hức, sôi nổi của tình yêu trẻ, của tiếng lòng hay chính tiếng Quyên qui ở mọi nơi:
      “Tiếng Quyên qui trên chùm lặc lày mới hái
      tiếng Quyên qui trong nắng thổ cẩm vừa phơi
      tiếng Quyên qui như ở khắp mọi nơi
      ăm ắp tiếng chim
      gọi em ơi
      không thấy”
      Sự lặp lại cụm từ “tiếng quyên qui” ba lần cho thấy mức độ dày đặc của tình yêu, sự khát khao tình cảm nơi lòng người là vô tận, thế nhưng, sự thật chợt vỡ òa:
      “tiếng Quyên qui như ở khắp mọi nơi
      ăm ắp tiếng chim
      gọi em ơi
      không thấy”
      Bây giờ bước chân không còn rộn ràng, háo hức theo những nhịp say sưa của cảm xúc mà như ngập ngừng, như nặng nề hơn. Đáp lại những lời kêu tha thiết đó chỉ là sự im lặng gợi nên sự trống vắng và hụt hẫng không cùng thông qua sự sắp xếp những cặp từ đối lập nhau: “ở khắp mọi nơi, ăm ắp – không thấy”. Chỉ với hai từ “không thấy” đã phủ định mọi sự vật hiện hữu ở bên trên, nó như một nốt nhạc trầm xuất hiện bất ngờ trong bản nhạc vào lúc cao trào, là sự chững lại đột ngột khiến nhân vật không cách nào phản ứng lại kịp. “Không thấy” ở đây là không tìm thấy tình yêu, là không thấy “em”, không thấy cả bến bờ mà mình mong đợi. Đoạn thơ như là sự ngân vang của tiếng lòng tê tái, lạnh lẽo từ việc vận dụng những âm vang, như “lạc”, “ngác”, “sàn”, “thang” hòa với tiếng chim tạo nên một hợp âm đa sắc nhưng bị dội ngược lại bởi không gian trống trãi không “em”, “không thấy”.
      Tiếng Quyên qui không ngừng da diết phía cuối bản với hàng loạt từ kéo dài “qui, đi, chảy, vải, chim, im, …” , như chính nhân vật vẫn chưa quên được tình yêu mà mình luôn tìm kiếm dù không ngừng tự lừa dối “quên đi” mỗi khi nghe tiếng “quyên qui” thúc giục – có thể xem đây là sự chuyển ngữ độc đáo và táo bạo của nhà thơ:
      “anh muốn nghe thành “quên đi”
      không được
      chín bậc nhà sàn
      vắng
      chông chênh chân anh
      em đã búi tóc cao
      mấy mùa trăng trước”
      Khác với “không” lần trước, “không” lần này không còn mang nghĩa là trống không mà nó chỉ sự đầy ắp, sự tràn trề tình yêu mà cõi lòng nhân vật luôn ôm ắp tuy bây giờ không gian vẫn không có gì thay đổi: “vắng” vẻ, “chông chênh” từ “mấy mùa trăng trước” lúc “em” theo chồng. Nhịp bước chân đầy vẻ trúc trắc, con đường như gập ghềnh hơn, sự im ắng bao trùm nhân vật, nó đầy vẻ “chông chênh” chứ không còn mà những nhịp bước sôi nổi nữa:
      “dặt dìu nhịp nhịp
      “quyên qui”
      bước chân đi”
      Để thắt lại bài thơ là sự mênh mang, tiếc nuối, kéo dài như một dư âm không dứt:
      “Cuối bản có tiếng Quyên qui hót
      giọng nó như ngậm mật rừng mùa chín ngọt
      “quyên qui”
      “quyên qui”
      nghe như ngây như say
      vây khắp lối về
      một mình anh
      và mây”.
      Các câu thơ như những giọt nước lạnh lẽo được nhà thơ nhỏ xuống trang giấy, nghe âm vang mà trống vắng vô cùng. Mở đàu là tiếng Quyên qui tha thiết, thúc giục nhân vật bước đi tìm hạnh phúc cho mình, và kết lại, cũng là tiếng quyên qui, nhưng lại đầy buồn thương và cô đơn. Nhân vật trữ tình vẫn như ngây như say bởi âm thanh da diết đó, vẫn mang theo trong lòng dù chuyện đã qua rất lâu, dù có thể tiếng quyên qui ấy chỉ là tiếng lòng của nhân vật mà thôi.
      “Tiếng chim Quyên qui” của Nguyễn Anh Vũ đã mở ra trước mắt chúng ta một hành trình dài của cuộc kiếm tìm tình yêu được dẫn đường bởi tiếng chim Quyên qui. Đây là một hành trình đầy âm sắc, là sự rộn ràng, là những háo hức nhưng cũng có thể là những âm điệu buồn, thất vọng của tiếng lòng nhân vật. Bao trùm toàn bài không gì khác là tiếng chim, chính nó là chủ đạo, là điểm nhìn của mọi sự vật trong thơ, nó chi phối con người, nó vẽ nên vạn vật, khêu gợi âm thanh. Tất cả đều từ nó mà ra và chúng ta có thể nói: nó là hồn của bài thơ hay bài thơ là một bản nhạc tạo ra từ tiếng hót của Quyên qui – là chuỗi âm thanh dài không dứt của lòng khát khao hạnh phúc ở con người.

    ví dụ: http://www.example.com

    Lời bình: (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)