Hoa vàng ở lại
Mưa thu ướt đẫm cánh hoa vàng
Gió lục địa tràn về như bão
Gió phiêu bạt phập phồng nếp áo
Mây đầy trời, đất lạnh sáng mênh mông.
Những cánh đồng hoa cúc mọc rưng rưng
Chùm nắng lạ tươi vàng trên cỏ dại
Trăng ngả xuống cho hoa mềm thức dậy
Những bức tường lẩy bẩy bóng hoa lên.
Em trở về, đêm lạnh, áo em đen
Gian phòng nhỏ một bình hoa ướt sũng
Em đã ngủ, anh ngồi im lặng
Cái màu hoa ám ảnh suốt đêm dài
Ở ngoài kia thành phố mưa bay
Bùn lầy lội những ngả đường khuya khoắt
Mưa và gió ầm ào trên mặt đất
Hai chúng mình bên cạnh một loài hoa…
Sắc hoa vàng những miền đất ta qua
Biển và cát của một thời trẻ dại
Những làng vắng, màu hoa trên cát cháy
Con sóng đêm vàng chói cánh tay nâu
“Quả chuông vàng rung ở cuối rừng sâu…”
Bài hát ấy bây giờ ai hát lại?
Khói nghi ngút suốt mùa hè bom dội
Một chùm hoa bên suối báo mùa thu
Một chùm hoa hái vội đặt trên mồ
Thằng bạn cũ nơi đỉnh đèo nằm lại
Đêm gọi tìm nhau trong đất tối
Mắt to vàng nóng bỏng giữa đài hoa.
Đã đi qua thời say đắm, mong chờ
Vẫn còn đó một màu hoa gay gắt
Cái màu hoa cô độc
Nở âm thầm trong giá buốt heo may.
Em của năm nào, em của hôm nay
Em đang thở hay hoa vàng đang thở
Gương mặt của tình yêu và nỗi khổ
Phương xa nào đến ở cùng tôi?
Cái người trai đêm vắng lặng im ngồi
Cốc rượu đắng cùng hoa chuốc lửa
Tưới rượu xuống hoa vàng lả tả
Thấy chập chờn sao mọc, nắng dâng lên.
Cháy bên mình không một phút nguôi yên
Tình đã hẹn, đời không thể khác
Chỉ e nữa lòng em rồi cũng nhạt
Quên hoa vàng ở lại những đêm mưa…
Lưu Quang Vũ la một hiện tượng của văn học Việt Nam ở thế kỉ XX. Những tác phẩm của ông ở thể loại nào cũng đậm chất thế sự, và thời sự. Ta hãy cùng đọc bài thơ ” Hoa vàng ở lại” của Lưu Quang Vũ để được sống, được suy tư cùng với nhà thơ trước rất nhiều điều mà con người phải đối mặt ở những năm giữa thế kỷ XX.
Bài thơ được mở đầu bằng những câu thơ
Mưa thu ướt đẫm cánh hoa vàng
Gió lục địa tràn về như bão
Gió phiêu bạt phập phồng nếp áo
Mây đầy trời, đất lạnh sáng mênh mông.
Những câu thơ miêu tả tâm trạng của nhân vật trữ tình. Mưa thu ướt đẫm cánh hoa, gió lục địa mạnh như bão, phiêu bạt, phập phồng, mây đầy trời, đất lạnh… Tất cả những tín hiệu không lành, báo hiệu lòng người không yên ả… Ta hãy đọc tiếp
Những cánh đồng hoa cúc mọc rưng rưng
Chùm nắng lạ tươi vàng trên cỏ dại
Trăng ngả xuống cho hoa mềm thức dậy
Những bức tường lẩy bẩy bóng hoa lên.
Một bức tranh hoa ,nắng và trăng thật lạ. Vừa tươi tắn, nhưng cũng vừa như chứa đựng nỗi niềm gì đó” rưng rưng”, nỗi niềm ấy khiên cho hoa ” lấy bẩy”. Những câu thơ rất đa âm và đa nghĩa.
Em trở về, đêm lạnh, áo em đen
Gian phòng nhỏ một bình hoa ướt sũng
Em đã ngủ, anh ngồi im lặng
Cái màu hoa ám ảnh suốt đêm dài
Rồi em xuất hiện, trở về trong đêm lạnh và áo màu đen u ám. Em trở về trong lặng lẽ chứ không phải trong tình yêu nồng ấm. Bình hoa ươt sững trong gian phòng lạnh lẽo. Nỗi buồn cứ âm thầm lan tỏa trong từng câu thơ. Anh lặng im ngồi đó. Và màu hoa vàng cứ ám ảnh mãi trong tâm trí anh và trong giấc ngủ của em. Những tín hiệu nghệ thuật đã thê hiện phần nào tâm trạng nhà thơ. Buồn, day dứt, và trăn trở.
Ở ngoài kia thành phố mưa bay
Bùn lầy lội những ngả đường khuya khoắt
Mưa và gió ầm ào trên mặt đất
Hai chúng mình bên cạnh một loài hoa…
Hiện tại ùa về với thành phố mưa bay, những con đường lầy lội, với mưa gió ầm ào- hiện tại chẳng bình yên, không hạnh phúc và không nhiều hy vọng. Trong không gian hiện tại ấy anh và em cùng bên một loài hoa. Có lẽ đó là hoa cúc. Thứ hoa của mùa thu, của nỗi nhớ. Và nhà thơ trở về quá khứ:
Sắc hoa vàng những miền đất ta qua
Biển và cát của một thời trẻ dại
Những làng vắng, màu hoa trên cát cháy
Con sóng đêm vàng chói cánh tay nâu
Rồi quá khứ hiện về với sắc hoa vàng, với biển và cát, với những làng vắng, với con sóng đêm và những cánh tay nâu. Hình ảnh “Những làng vắng, màu hoa trên cát cháy
Con sóng đêm vàng chói cánh tay nâu”
Thật vô cùng ám ảnh. Cánh tay nâu khỏe khoắn chói vàng cùng những con sóng trên biển khơi xa, gợi nhớ về những tháng năm vất vả của đất nước với những người dân lao động quang vinh. Quá khứ vẫn tiếp tục được tái hiện cùng màu hoa vàng
“Quả chuông vàng rung ở cuối rừng sâu…”
Bài hát ấy bây giờ ai hát lại?
Khói nghi ngút suốt mùa hè bom dội
Một chùm hoa bên suối báo mùa thu
Một chùm hoa hái vội đặt trên mồ
Thằng bạn cũ nơi đỉnh đèo nằm lại
Đêm gọi tìm nhau trong đất tối
Mắt to vàng nóng bỏng giữa đài hoa.
Một bài hát của thời đã qua vọng về trong kí ức. Những trận bom ác liệt, những chum hoa ven suối Trường Sơn của một thời đánh Mỹ lại hiện về . Những chùm hoa đặt trên mồ đồng đội như vẫn còn tươi rói. Những người bạn cũ nằm xuống nơi đỉnh đèo như đang cất tiếng gọi giữa nóng bỏng chiến tranh, giữa nóng bỏng màu vàng gợi nhớ. Đau thương, ác liệt nghẹn ngào trong từng câu chữ khiến cho bài thơ như một cuốn phim tư liệu về cái thời đạn bom của dân tộc.
Đã đi qua thời say đắm, mong chờ
Vẫn còn đó một màu hoa gay gắt
Cái màu hoa cô độc
Nở âm thầm trong giá buốt heo may.
Đã qua rồi cái thời tuổi trẻ với bao say đắm và mong chờ. Cái thời của mộng mơ và lãng mạn nhưng màu hoa vàng vẫn còn gay gắt cháy trong tâm tưởng. Nhưng tại sao nhà thơ lại nói:
Cái màu hoa cô độc
Nở âm thầm trong giá buốt heo may.
Màu hoa ấy phải chăng chính là những tâm tư mà nhà thơ không biết ngỏ cùng ai nên trở thành cô độc. Màu hoa ấy âm thầm nở dù ngoại cảnh có khắc nghiệt đến bao nhiêu.
Em của năm nào, em của hôm nay
Em đang thở hay hoa vàng đang thở
Gương mặt của tình yêu và nỗi khổ
Phương xa nào đến ở cùng tôi?
Em lại hiện ra trong những phút giây hiện tại. Nhà thơ băn khoăn tự hỏi: em là của quá khứ hay của hôm nay? Em đang thở hay nỗi nhớ trong anh đang thở. Trên gương mặt em lúc này tác giả mới thấy rõ, thấy thật nhất gương mặt của tình yêu và nỗi khổ. Và nỗi khổ, tình yêu ở phương trời nào đã đến ở cùng tôi? Câu hỏi khắc khoải của muôn kiếp người vang lên trong khổ thơ này đã tô đậm triết lý nhân sinh quen thuộc về cõi thế nhân niềm vui và nỗi khổ luôn song hành.
Cái người trai đêm vắng lặng im ngồi
Cốc rượu đắng cùng hoa chuốc lửa
Tưới rượu xuống hoa vàng lả tả
Thấy chập chờn sao mọc, nắng dâng lên.
Đêm vắng ngồi uống rượu một mình trong im lặng là tư thế đầy tâm trạng của nhân vật trữ tình. Hoa và rượu vốn là thi hứng của thi nhân, ở bài thơ này hoa và rượu đã giúp nhà thơ cho ra đời một thi phẩm đầy trăn trở về quá khứ. Từ hiện tại nhớ về quá khứ, từ màu hoa vàng nhớ về mọt thời đạn lửa , cách cấu tứ ấy chợt gợi cho ta nhớ về bài thơ nổi tiếng của Lui Aragong – “ En xa ngồi trước gương”. Hình ảnh Enxa một ngày dài ngồi bên tấm gương soi chải mái tóc vàng rực rỡ và hồi tưởng lai những năm tháng chống Phát xít có gì thật gần gữi với cách ngắm hoa vàng để nhớ về quá khứ của Lưu Quang Vũ ở đây. Câu thơ:
Tưới rượu xuống hoa vàng lả tả
Thấy chập chờn sao mọc, nắng dâng lên.
Thật thú vị. Nhà thơ tưới rượu lên nhữn cánh hoa vàng lả tả rụng để từ đó thấy sao mọc và thấy nắng mới lên. Phải chăng quá khứ chính là những viên gạch để xây đắp tương lại. Câu thơ tươi mới đầy hy vọng .
Khổ thơ cuối cùng:
Cháy bên mình không một phút nguôi yên
Tình đã hẹn, đời không thể khác
Chỉ e nữa lòng em rồi cũng nhạt
Quên hoa vàng ở lại những đêm mưa…
Khép lại bài thơ là một nỗi niềm trăn trở về cái còn lại vĩnh viễn và cái mong manh dễ thay đổi. Cái màu vàng , và cả quá khứ đã qua là cái vĩnh viễn luôn cháy bên mình. Tình yêu với em là điều không thể khác. Cái mong manh chính là tình em giành cho ta rồi cũng nhạt , và môt ngày nào đó em sẽ quên hoa vàng nở giữa đêm mưa. Điều trăn trở của nhà thơ cũng là một qui luật thường thấy ở đời. Quá khứ là vĩnh viễn, tìn yêu là vĩnh viễn, chỉ long người là dễ đổi thay.
Đọc “ Hoa vàng ở lại “ của Lưu Quang Vũ ta có dịp chiêm nghiệm về quá khứ của của dân tộc và quá khứ của riêng ta. Mùa hoa vàng cháy mãi tâm tưởng để ta luôn nhớ rằng cuộc sống có nơi bắt đầu của nó. Nhớ về nơi bắt đầu ấy ta sẽ có nhiều ngày tháng tươi đẹp hơn ở phía trước. Quá khứ vĩnh viễn tồn tại cùng năm tháng và sẽ là điểm tựa cho hiện tại và tương lai.
Thơ Vũ nói nhiều về cái riêng và thiếu đại cục.