Người con giai đến phòng em chiều thu
Người con giai đến phòng em chiều thu
Mặc áo mưa lính rách rưới
Hắn buồn và nói huyên thuyên
Người con giai đi tìm em mười năm
Hắn từ mặt trận trở về
Từ quán rượu từ phố đông huyên náo
Từ những câu thơ tuyệt vọng trở về
Bị lừa dối, bị lăng nhục
Rách rưới, bơ phờ, cô độc
Hắn ngồi trước mặt em
Bây giờ sắp hết năm
Đường vào ô lem luốc bụi than
Những mái nhà xám đen
Những người đẩy xe gầy guộc
Tiếng chim trong veo trên đỉnh thông chiều
Anh muốn nói những lời thầm kín
Như men trắng lên màu trong lòng nung
Những đường nét hiện hình
Phút hồi hộp lạ lùng
Chỉ riêng lửa biết
Phút khát vọng thành màu trên khung vải
Phút tình yêu đậu cánh xuống trang thơ
Điều anh không nói ra
Riêng lòng em hiểu biết.
Em bảo cuộc đời này thảm hại lắm xấu xa lắm
Tất cả đều buồn cười vô nghĩa lý
Mà khổ sở mà chết người
Nhưng em ơi đâu đã là tuyệt vọng
Nếu mọi người tốt đều lặng im
Giữ riêng bàn tay sạch
Ai là người dọn đi bùn rác
Ai là người gieo hạt
Cho ban mai tươi lành?
Người con giai nói với em
Hắn không phải là tấm hình trong sách
Hắn chỉ là dãy phố nghèo lấm đất
Không giấu che sự thật của lòng mình
Chỉ là bờ đê nhiều khói và than
Là con thuyền
Luôn luôn kiếm tìm luôn luôn từ bỏ
Với cuộc đời thường em còn bao mối dây gắn bó
Em đi được với hắn không?
BÀI THƠ “ NGƯỜI CON GIAI ĐẾN PHÒNG EM CHIỀU THU”- LỜI TỎ TÌNH, LỜI TÂM SỰ , NIỀM TIN VÀ SỨC MẠNH TINH THẦN CỦA NHÀ THƠ LƯU QUANG VŨ TRƯỚC CUỘC ĐỜI.
Lưu Quang Vũ là một nghệ sĩ rất tài hoa và cũng rất đào hoa. Trong cuộc đời của mình Lưu Quang Vũ đã từng có rất nhiều người phụ nữ tuyệt vời. Bài thơ này Quang Vũ tâm sự với người phụ nữ mà ông yêu sâu sắc sau khi lấy Xuân Quỳnh- một nữ họa sĩ tên Hiền. Bài thơ này là những lời tâm sự rất chân thực của nhà thơ về cuộc đời, về bản thân và về tình yêu. Bài thơ giúp ta hiểu thêm về nhà thơ Lưu Quang Vũ trước khi trở thành nhà viết kịch nổi tiếng.
Người con giai đến phòng em chiều thu
Mặc áo mưa lính rách rưới
Hắn buồn và nói huyên thuyên
Người con giai đi tìm em mười năm
Hắn từ mặt trận trở về
Từ quán rượu từ phố đông huyên náo
Từ những câu thơ tuyệt vọng trở về
Bị lừa dối, bị lăng nhục
Rách rưới, bơ phờ, cô độc
Hắn ngồi trước mặt em
Đây là bức chân dung tự họa của chính nhà thơ: áo mưa lính rách, buồn, nói huyên thuyên, từ mặt trận trở về, từ quán rượu, tuyệt vọng,bị lăng nhục, rách rưới, bơ phờ và cô độc… Nhưng người con giai ấy đã đi tìm em mười năm, giờ đây ngồi trước mặt em để tìm sự thông cảm sẻ chia, để giãi bày lòng mình:
Bây giờ sắp hết năm
Đường vào ô lem luốc bụi than
Những mái nhà xám đen
Những người đẩy xe gầy guộc
Tiếng chim trong veo trên đỉnh thông chiều
Anh muốn nói những lời thầm kín
Như men trắng lên màu trong lòng nung
Những đường nét hiện hình
Phút hồi hộp lạ lùng
Chỉ riêng lửa biết
Phút khát vọng thành màu trên khung vải
Phút tình yêu đậu cánh xuống trang thơ
Điều anh không nói ra
Riêng lòng em hiểu biết.
Khổ thơ tiếp theo là một bức tranh ngoại cảnh- bức tranh về diện mạo của Hà Nội và cũng chính là của Đất nước ta sau những năm chiến tranh với những cửa ô lem luốc bụi than, những mái nhà xám đen vì dư âm của khói súng,những người đẩy xe gầy guộc. Đất nược nghèo nàn và còn nhiều đau khổ. Nhưng tiếng chim vẫn trong veo trên đỉnh thông chiều, và tình yêu vẫn rực cháy thành những ngọn lửa, vẫn đậu cánh xuống những trang thơ, vẫn hồi hộp vẫn lạ lùng như tuổi mới lớn. Và
Điều anh không nói ra
Riêng lòng em hiểu biết.
Lúc này Lưu Quang Vũ đã có người vợ tần tảo là Xuân Quỳnh, nên đói vói nữ họa sĩ dù tình yêu đang đốt cháy trái tim cũng không thể nói ra. Nhưng như có thần giao cách cảm, nhà thơ biết là “ Em “ hiểu hết.
Em bảo cuộc đời này thảm hại lắm xấu xa lắm
Tất cả đều buồn cười vô nghĩa lý
Mà khổ sở mà chết người
Cuộc đời hiện hình trước mắt chúng ta là như thế: xấu xa, buồn cười vô nghĩa lý, nhưng khổ sơ đến chết người… Đã từng có một thời như thế, một thời người ta sống mà như không được sông, phải sống theo những giáo điều, những qui đinh, những công thức thật cứng nhắc, sống cuộc đời của mình mà như sống hộ cuộc đời của người khác. Mặc dù thế Lưu Quang Vũ vẫn :
Nhưng em ơi đâu đã là tuyệt vọng
Nếu mọi người tốt đều lặng im
Giữ riêng bàn tay sạch
Ai là người dọn đi bùn rác
Ai là người gieo hạt
Cho ban mai tươi lành?
Đúng là cách nói của một người đàn ông cứng cỏi, đã từng kinh qua lửa đạn nên ngời ngời niềm tin và sức chiến đấu. Những câu thơ ở đây thành thật, không một chút kiểu cách, như những lời trò chuyện tâm tình về suy nghĩ của mình . Cuộc sống dù còn đầy màu xám, nhưng đâu đã là tuyệt vọng. Nhà thơ đặt ra một vấn đề có tính chất rất thế sự: Nếu những người tốt đều im lặng, để giữ sự sạch sẽ cho riêng mình thì lấy ai là người dọn những rác rưởi ,bùn nhơ để gieo hạt cho tương lai? Một câu hỏi thể hiện rất rõ trách nhiệm của nhà thơ với cuộc đời và từ câu hỏi đó ta hiểu được nguyên nhân ra đời của những vở kịch như: “ Hồn Trương ba, da hàng thịt” “ Tôi và chúng ta” , “ Sống mãi tuổi 20”…
Người con giai nói với em
Hắn không phải là tấm hình trong sách
Hắn chỉ là dãy phố nghèo lấm đất
Không giấu che sự thật của lòng mình
Chỉ là bờ đê nhiều khói và than
Là con thuyền
Luôn luôn kiếm tìm luôn luôn từ bỏ
Với cuộc đời thường em còn bao mối dây gắn bó
Em đi được với hắn không?
Người con giai sau khi thể hiện suy nghĩ của mình về cuộc sống, một lần nữa lại tự họa chân dung của mình. Anh không phải là tấm hình trong sách đẹp đẽ để mọi người chiêm ngưỡng, anh là những dãy phố nghèo lấm đất thô mộc vụng về nhưng chính là cuộc đời thật của cả dân tộc, anh không giấu che sự thật của lòng mình,anhlaf bờ đê của khói và than chứ không phải là bờ đê của cỏ mướt mơ mộng, anh là con thuyền , là kẻ luôn tìm kiếm cái mới và chối bỏ cái cũ không còn phù hợp. Anh là thế đấy em có biết không? Người con giai ấy đã thẳng thắn hỏi người yêu của mình ở hai câu kết:
Với cuộc đời thường em còn bao mối dây gắn bó
Em đi được với hắn không?
Em còn rất nhiều ràng buộc với cuộc đời này. Em có thể đi với một người con giai như thế không? Trên đời này có vô vàn cách tỏ tình, cách tỏ tình của Lưu Quang Vũ thật đang ông, thật thẳng thắn và giản dị. Có lẽ vì thế nên anh được phụ nữ yêu mến đến vô cùng.
Bài thơ giản dị tới mức ta không thấy chỗ nào tác giả sử dụng những phương tiện “ bếp núc” thông thường của thơ ca. Tất cả đều như một lời tâm tình, giãi bày thành thực. Bài thơ không chỉ là lời tỏ tình thông thường mà thông qua đó ta thấy được cả diện mạo của đất nước, cả niềm tin và sức mạnh tư tưởng của nhà thơ. Qua bài thơ “ Người con giai đến phòng em chiều thu” viết tặng nữ họa sỹ Nguyễn Thị Hiền đọc giả có thêm một cơ hội để hiểu biết sâu sắc hơn về nhà thơ, nhà viết kịch xuất sắc của thế kỷ XX Lưu Quang Vũ.