Cây chuối
Tác giả: Nguyễn Trãi
Tự bén hơi xuân tốt lại thêm
Đầy buồng lạ, màu thâu đêm
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu gượng mở xem.
Tự bén hơi xuân tốt lại thêm
Đầy buồng lạ, màu thâu đêm
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu gượng mở xem.
MỘT CÁCH BÌNH CHÚ BÀI THƠ CÂY CHUỐI
CỦA THI NHÂN NGUYỄN TRÃI
Vũ Đức Hương
CÂY CHUỐI
Tự bén hơi xuân tốt lại thêm
Đầy buồng lạ,mầu thâu đêm
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu gượng mở xem.
Bài thơ Cây chuối của thi nhân Nguyễn Trãi đã được nhiều người quan tâm và bình chú, nhưng rất khác nhau. Lã Nhâm Thìn trong cuốn Thơ nôm đường luật (NXB Giáo dục 1998)cho rằng đây là cây chuối còn non; Nguyễn Trãi viết chữ”buồng”đã có đến ba cách hiểu: buồng là buồng chuối,là phòng khuê(của người con gái) và phòng văn(của thi nhân);còn chữ “mầu” đã có ít nhất hai cách giải thích:mầu là mùi và mầu là mầu nhiệm.Bài thơ Cây chuối không phải là bài thơ thiên nhiên mà là tình yêu tuổi trẻ trong trắng,thanh tao;có thể liên tưởng cây chuối-người con gái đẹp,gió xuân-chàng trai.Hà Văn Thùy trong bài Nghi án quanh bài thơ Cây chuối đăng trên phụ bản báo Văn nghệ số 7+8(tháng 1,2-2004)lại cho rằng đối tượng bài thơ của thi nhân Nguyễn Trãi là bụi chuối và bài thơ này tả cảnh.
Tại sao giữa các tác giả cùng bình chú một bài thơ Cây chuối mà lại có sự khác nhau đến như vậy?Cái đúng,cái hay và cái độc đáo đáng trân trọng của bài thơ này là như thế nào?Để trả lời cho hai câu hỏi này ta hãy đi tìm hiểu từng câu một.
Câu 1:Tự bén hơi xuân tốt lại thêm
Về nghĩa đen:Cây chuối do gặp rồi ngấm hơi xuân, yếu tố tinh tế ,có thể coi như chất men hay chất xúc tác kích thích cây phát triển,thêm mỡ màng và tươi tốt hơn.
Về nghĩa bóng:Câu này giống với câu tục ngữ”Gái phải hơi trai như thài lài phải cứt chó”.Đứng trên khía cạnh tác dụng,hơi xuân và hơi trai giống nhau.Hơi xuân kích thích Cây chuối tốt lại thêm;còn hơi trai làm cho người con gái đã xinh đẹp lại xinh đẹp hơn.Nghĩa bóng của câu 1 là người đàn bà gần người đàn ông thì cái tốt vốn có được nhân thêm lên.
Câu 2:Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm
Về nghĩa đen:Có thể hiểu câu này theo hai cách, nhưng cùng một kết quả.
Cách thứ nhất:Khi cây chuối chửa,trong thân xuất hiện một cái buồng chứa cuống hoa và phôi hoa.Buồng này không có tên,nên được gọi là”buồng lạ”.Buồng lạ bị phôi hoa bịt kín ở phía trên,nên ở bên trong luôn luôn tối.Mầu thâu đêm là vậy.
Cách thứ hai:Cần nhận ra mệnh đề đầu của câu thơ này đã được tác giả nói lái.Câu 2 nói lái sẽ là”Là buồng đậy,mầu thâu đêm”.Buồng đã bị đậy bằng phôi hoa thì không có ánh sáng lọt vào,nên ở bên trong luôn luôn tối.Mầu thâu đêm là vậy.
Về nghĩa bóng của câu 2,để hiểu được cần nhận ra tác giả nói lái cả hai mệnh đề của câu.Câu này nói lái sẽ là:”Là buộng đầy,mầu đâu thêm”.Tiếng”buộng”là nói lớ của tiếng “buộm”.Chửa buộm là chửa hoang.Cho nên câu 2 nói lái và nói lớ, có thể hiểu là”Là chửa hoang,đích Thị Mầu.Đến đây có thể hiểu nghĩa bóng của câu 2 là người đàn bà không chồng mà chửa.
Câu 3:Tình thư một bức phong còn kín
Khi cây chuối chửa,vào giai đoạn cuối có một đọt lá cuối cùng mọc lên,báo hiệu cho sự kiện này.Đọt lá cuối cùng vào thời gian đầu nó cuộn lại,được ví như bức thư của người đàn bà chửa hoang viết mà không gửi.Mà gửi để làm gì!Ai nhận mà gửi!Bởi lẽ việc chửa hoang là một việc phạm vào quy phạm đạo đức,nhất là trong xã hội phong kiến,ai phạm còn phải nộp phạt cơ mà!
Câu 4:Gió nơi đâu gượng mở xem.
Nghĩa đen của câu này là:Cuộn lá đọt cuối cùng dần dần cũng được mở ra do gió không biết xuất xứ từ phương trời nào ( khi mở ra hết, chiếc lá đọt cuối cùng có kích thước nhỏ hơn nhiều so với các lá đã trổ trước).
Nghĩa bóng của câu 4 là: Chuyện của người đàn bà không chồng mà chửa dần dần cũng được hé lộ bởi gió, hiện thân của loại người có tính tò mò chuyện riêng tư của người khác, loại người này được gọi là”ngồi lê mách lẻo”.
Qua tìm hiểu từng câu của bài thơ Cây chuối, ta đã biết cái đúng của bài thơ là gì rồi.Bằng việc mô tả cây chuối chửa , chẳng phái là cây chuối còn non hay bụi chuối, thi nhân muốn nói về người đàn bà không chồng mà chửa, giống như nhân vật Thị Mầu trong vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính.Bài thơ không phải là bài tả cảnh hay liên tưởng đên tình yêu tuổi trẻ.
Bài thơ Cây chuối đầy tính nhân văn,chứng tỏ lòng thương người của thi nhân Nguyễn Trãi. Trước hiện tượng người đàn bà không chồng mà chửa tác giả không những không chê bai hay khinh rẻ mà còn cho là ” tốt lại thêm”Đúng thế! Trong mọi xã hội có không ít những người đàn bà vì một lý do nào đó đã không thể được hưởng hạnh phúc trọn vẹn, không chồng mà vẫn có con, nhưng nhen nhóm trong họ một niềm vui nho nhỏ lúc sớm tối hay niềm hy vọng khi tuổi già phải nhờ cậy vào con.
Để tạo ra cái hay của bài thơ, tác giả đã khéo chọn cây chuối, một loài cây với dáng vẻ mập mạp, mỡ màng,nhưng không yểu điệu thướt tha mà còn có phần”tồ” là khác.Đồng thời, cây chuối không có chuối đực mà vẫn đơm hoa kết trái, vẫn sinh con đẻ cái để mô tả rồi nhân cách hóa rất phù hợp với chủ đềcủa bài thơ nói về người đàn bà không chồng mà chửa.Có thể nói rằng thi nhân Nguyễn Trãi rất tinh tường mới có sư lựa chọn tuyệt vời này.
Bên cạnh cái hay, bài thơ Cây chuối còn thể hiện cái độc đáo được tạo ra bởi tác giả sử dụng nói lái, một dạng của nghệ thuật chơi chữ, đòi hỏi viêc tu từ. Cũng cần kể đến việc tác giả sử dụng nói lớ làm cho câu thơ dí dỏm thêm.Câu 2 của bài thơ minh chứng cho nhận xét này.
Như vậy ta đã trả lời được câu hỏi về cái đúng, cái hay và cái độc đáo của bài thơ Cây chuối là gì.