Cái thai hoang
Tặng bà mẹ Việt Nam1
Ới hỡi đứa con không có tên
Nằm tròn xác bụng mẹ vô duyên
Con lên mầm sống trong lòng chết
Bởi mẹ con là một gái đêm.
Người mẹ đi hoang kiếp ái tình
Đời còn ai nghĩ chuyện khai sinh
Cho con hạt máu rơi vơ vất
Đang cựa trong thai kết lấy hình.
Con sẽ ra đời con của ai?
Ngoài này đang lắm bước chông gai
Gì nuôi cơn đói lòng dao cắt
Gì đắp che cơn rét buốt giời?
Thuế sống rồi con gánh nặng nề
Rồi con viết mướn hay may thuê
Về đâu nương náu đi đâu thoát
Hay sớm đi hoang tối ngủ hè.
Con sẽ dùng chi đôi cánh tay
Dùng chi cho thỏa chí lòng say
Dùng chi cho thỏa cánh hồn bay
Dùng chi dùng chi thời loạn này?
Con sẽ dùng chi hay sẽ giam
Thân làm tôi mọn cửa giàu sang
Lòng vào quên lãng của thời gian
Đời vào bóng tối của lầm than?
Rồi con cười khóc với ai đây
Khói lửa đang cơn thế sự này
Khắp cõi cỏ hoa đang nhớn nhác
Đêm mù đang loạn gió Đông Tây.
Nào khác chi đời mẹ của con
Ép khuôn cười khóc để người buôn
Một đêm chung chạ bao hơi hướm
Đến rạng mai ngày nát phấn son.
Mạch sống chan hòa dưới đất sâu
Hỏi đời đất cát: Mẹ con đâu?
Nhà hoang lưu lạc thân hoang đấy
Bán phút vui cho cả giấc sầu.
Cũng khác gì ta giận hóa say
Gối đầu lên bụng mẹ con đây
Bút nghiên đánh đĩ mòn thân thế
Giờ viết ru con khúc hát này.
Ta đã đi qua thế giới mù
Đất trời tao loạn tựa hoang vu
Muôn hồn bay bổng không còn cánh
Cả chuyện yêu đương cũng hóa thù.
Muốn rẫy cho bằng khắp bất công
Cho hoa thêm sắc lúa thêm đòng
Cho tình giao cả muôn thân lại
Làm một thân – Trong một tấm lòng.
Nhưng trong con với cả ngoài kia
Khói lửa thanh bình hóa loạn ly
Tâm sự dưới trời sao động mãi
Đời hoang lộng gió lấy gì che?
Tuổi sạm ba mươi dở khóc cười
Đời nhiều cám dỗ lắm con ơi!
Lợi danh một thoáng men như rượu
Một thoáng lên môi chếnh choáng rồi.
Thôi nói làm chi căm hận ta
Đủ ngày gọi cửa mẹ con ra
Mẹ con một kiếp vô thừa nhận
Con cứ tìm ta: con với cha.
Rồi lớn lên con mở mắt nhìn
Khóc cùng bách tính sống như đêm
Nhưng không! Đừng khóc! Thân gân cốt!
Ta bậc thang đời
Con giẫm lên!
Dưới gót Phát xít Nhật 1942
- Có bản đề: Tặng Trần Nguyệt Hiền [↩]