Ngoại ô mùa đông 1946
Reo lên! A reo lên
Xóm cùng khổ!
Reo lên! Reo lên!
Băng mình vào đạn lửa
Cuồn cuộn chảy xô lòng Hà Nội vỡ sóng lũ Hồng Hà
Xưa đây lối xóm cầm ca
Biêng biếc đèn xanh ngõ khói
Vạn cổ thôn hào hoa
Thương nữ kinh kì tụ hội
Đàn đáy lạc âm ba
Bốn mùa nghiêng mặt hát
Tang trống kêu tan tác
Đời vật vã chưa xa
Ai kẻ dìu hoa chống phường Dạ Lạc
Hãy về cùng ta
Những ngã tư đời đau khổ bê tha
Nơi lầy lụa rác kinh thành chất đống
Nơi sa sục hôi tanh vùi cửa cống
Chảy lớp người nghèo khổ lẫn lưu manh
Gái đĩ bồi tiêm cặn bã đô thành
Nơi xưa tối đèn, trăng che lấp rãnh…
Dư mấy vườn hoa lạnh
Vẫn lối xanh trúc dằng
Phố cũ giờ hẳn đã chết rồi chăng?
Trở lại dăm hàng chiến lũy
Dòng ngõ lầy ca kĩ
Gạch đá đã ngập đầy
Trên chiến hào, đổ gục mấy hình cây
Phố chết rồi mảnh rêu ngơ ngác
The thé thất thanh giọng kêu tàn ác
Quạ dăm con, chập choạng cánh dơi xa
Lơ láo tường vôi, than bụi rui nhà
Với dáng cỏ khô dấu chìm xe ngựa
Xưa lê la đàn giòi bọ
Đục trong máu mủ ung thư
Của một phường Hà Nội cổ
Vàng son che đậy hương thừa
Bao người bệnh tật thời xưa
Từng sống rạc rài viễn phố
Bao người ấy bây giờ
Súng gươm giữ từng hầm phố
Ngã tư Chợ Dừa, Khâm Thiên phá đổ
Tay thợ thuyền níu giữ xóm thân yêu
Ngõ Sầm Công sau mặt phố tiêu điều
Nơi nằm nghỉ hơi thở người mỏi sức
Ráo mồ hôi, nơi cuộc đời tàn lực
Nơi say mê tranh đấu của thợ thuyền
Cờ búa liềm
Treo giữa đài Văn Miếu
Ga Hàng Cỏ màu khinh thanh phiếu điểu
Hàng vạn bó truyền đơn
Sở tan tầm đoàn lũ xéo hoàng hôn
Bạn của tôi qua tường vôi thắc mắc
Nắng sớm chiều người bước lại, kẻ qua…
Nhật lệnh đêm nao
Lời gọi của cha già
Ôi đoàn thể
Bấy nhiêu người đói khổ đã vươn cao
Cửa ô cần lao
Cửa ô trụy lạc
Cửa ô trầm mặc
Ơi cửa ô, cửa ô dài dằng dặc
Bấy nhiêu người đau khổ đã vươn cao
Ta đi trong nhà đổ
Nghe thời gian đã nhạt khúc ân tình
Tuy phòng the chiếc áo trẻ sơ sinh
Còn xiêm hài dành hương phấn cũ
Chiếc giày con ủ dấu thê nhi
Có hình ai hiện lên cửa tủ
Về với hơi tàn y
Giũ bóng trên cổ kính
Chỉ là ta lặng lẽ lại quay đi
Xác gỗ thân trơ và bóng tối nghĩ gì
Nghe đồ đạc đụng kêu trên đất lạnh
Đây một tượng Đức Bà
Đã gãy lăn từng mảnh
Đây tử thi bậc thánh
Đã tan tành sau cuộc đấu tranh qua
Nirvana mờ nhạt bóng Thích Ca
Mắt truyền giáo trên Hằng Hà cũng tắt
Chữ Phạn, La tinh nhường màu tô diệt Pháp
Gió lạnh lùng khi qua viện tàng thư
Cháy cong queo, bìa giữa chút di từ
Kierkegaard, Heideger và Nietzsche
Sách Lão Trang và mùi Thiền Kinh Phật
Anh chủ kho tàng trôi nổi nơi nao?
Gặp anh xưa hai phổi héo trùng lao
Từng khạc nhổ gục trên những trang giấy nát
Đây lửa mới thiêu, lửa sống dâng bát ngát
Nền cũ chỉ còn lớp đá cười rêu
Hầm hố vây quanh nét sống đang triều
Trong lòng phố chia hai màu sắc lạnh
Ánh sáng ngày mai, bóng tối ngày cũ lạnh
Hai thời gian dìu dặt ở nơi đây…
Trên ngõ lầy hiu quạnh
Lều vắng dựng chơ vơ
Xưa đó lối quen đón khách
Lúc điếm già giữ khách đêm xưa
Hoa liễu, trùng lao vào tiệm thuốc bơ phờ
Mồ hôi nhớp, phấn trôi, môi tím ngắt
Ta trở về qua bao ngõ ngách
Trên hết sân nhà, phòng kín trầm ngâm
Mấy bức tường hồng rơi trống cùng trâm
Một dãy phố nghiêng cả thành Hà Nội,
Dòng ngõ chợ xưa máu dâng ngập lối
Mấy xác quân thù bên cống tanh hôi
Sọ nứt toang óc chảy lẫn với giòi
Có tiếng rú cười vang trong lửa đạn
Người tụ về nép góc hào bình thản
Hà Nội ca và chiến đấu quanh ta
Xưa đây lối xóm cầm ca
Bốn mùa ngả nghiêng trụy lạc
Khăn lụa che ngang mày thét nhạc
Gót chân xanh khép giọng Tì bà
Em gái Ngã Tư Sở
Anh người thợ Nam Đồng
(Đêm sênh ca khốn khổ
Đập tan đàn khi nhạc mới mênh mông)
Xác anh vùi lửa đạn
Xác em vùi bên anh
Khói súng mờ bay nhạt cả xóm xanh
Lửa bừng cháy lên rực phía đô thành
Cửa ô!
Cửa ô!
Cửa ô!
Oai hùng
Dữ dội
A cửa ô… Nhà đổ thép quằn rung
Xóm âm u
Thành khối đen đặc quánh
Ơi ai ngâm mình hố lạnh
Gió mùa rú ghê người
Trăng đông dầm khe rãnh
Lưỡi lê đậu sương rơi
Cửa ô xa… cửa ô xa…
Xưa đây lối xóm cầm ca
Bốn mùa ngả nghiêng sa đọa
Phường cũ tan tành vùi xóm lá
Mùa xuân về giữa chiến hào xa…
Văn Nghệ số 3, tháng 4&5, 1948