Cố lý hành
Chiều chết đuối trên sông ngờm ngợp
Nước đua chen đớp bọt nắng tàn
Đò qua sông đìu hiu bến đợi
Buồn rút lên bờ cây khai quang
Mây đổ xù lông như chó ốm
Trời bôi nhòe mặt ngóng đêm sang
Thôn ổ tiêu sơ gầy khói bếp
Đồng không mốc thếch lạnh tro tàn
Có biết ta về không cố lý?
Mười năm chưa lạ mặt xóm làng
Sao phên giậu nghiêng đầu câm nín
Rơm rạ làm thinh chẳng hỏi han
Cổng khép rào vây vườn cỏ dại
Tường xiêu mái rách bóng nhà hoang
Ngõ vắng bàn chân như hụt đất
Tre già đang kể chuyện chôn măng
Nương rẫy đang phơi lòng dâu bể
Nói làm sao hết nỗi bàng hoàng?
Khóc làm sao vừa lòng cố lý?
Phải đây là cố lý ta chăng?
Đâu bóng mẹ già sau khung cửa
Và những người em mặt trái xoan
Đâu bóng chị hiền như hoa cỏ
Bên luống cà xanh liếp cải vàng
Đất đá thở ra mùi u uất
Bốn bề hun hút rợn màu tang
Ai chết quanh đây mà cú rúc
Mà cơn gió lạnh réo hồn oan
Ai trong muôn dặm không về nữa
Cố lý mười năm mộng bẽ bàng
Cố lý mười năm ngày trở lại
Như ngày Lưu Nguyễn xuống trần gian!
1972
[…] http://www.thica.net/2015/06/03/co-ly-hanh/?utm_source=feedburner&utm_medium=feed&utm_campai… […]
Biên Cương Hành là một tuyệt tác Văn chương , nói lên được hết những khốc liệt của chiến tranh cùng thân phận người chiến binh giữa thời khói lửa : Cùng cực đau thương , tuyệt vọng , chấp nhận mọi điêu linh , mọi hy sinh , mọi mất mát , thiệt thòi .
Bài hành là tiếng kêu thống thiết của một dân tộc luôn chịu đựng chiến tranh , thèm khát hoà bình , yên vui , hạnh phúc .
“Cố Lý Hành” không khốc liệt như”Biên Cương Hành” nhưng để lại trong lòng người đọc một cảm giác chua xót lạ lùng :
“Có biết ta về không cố lý ?
Mười năm chưa lạ mặt xóm làng ”
Vậy thì tại sao:
“Sao phên dậu nghiêng đầu câm nín
Rơm rạ làm thinh chẳng hỏi han ” ?
Và ” Cổng khép”, Rào vây” mọi thứ dường hững hờ , lạnh nhạt .
Phải chăng chỉ vì ” Cố lý mười năm mộng bẽ bàng” ?
Không một bóng người , không một tiếng nói , Chỉ có :”Chiều chết đuối” , “Nước đua chen”,”Phên …câm nín”,”Rơm rạ làm thinh”,”Tre già kể chuyện chôn măng”,”Nương rẫy phơi lòng dâu bể”,Đất đá thở mùi u uất”, “Gió lạnh réo hồn oan” … Tất cả cộng lại thành nỗi phũ phàng ! Nhân cách hoá trong bài hành thật khó ai sánh kịp !