Thica.net

Mạng thi ca Việt Nam

  • Những gương mặt thời gian

    Tác giả:

    Trích Trường ca Xin làng trồng lại cây đa

    I

    Tôi tìm lại những năm tháng cũ
    Đom đóm bay lấp lóe tuổi học trò
    Đền Phủ Mẫu suốt ngày chim chích hót
    Trái đa rơi đầy những lời ru.

    Mẹ tôi ru giọt buồn của ngoại
    Con cá, con tôm, cánh vạc, thân cò…
    Gió đông thổi ngập đồng Đằn năn lác
    Đong đầy con mắt tháng ba.

    Ngồi nghỉ dưới gốc đa
    Ngả nón quạt một cánh đồng khô khốc
    Những thợ cày thợ cấy
    Lội qua con gió lào.

    Mẹ ủ mốc tương
    Trên chiếc nia cha đan mùa trước
    Bữa cơm rau muống dầm sương
    Cha mẹ làm nên ngon ngọt đời thường.

    Thế mà con đã nghịch vỡ vại tương
    Buổi trưa ấy
    Trốn lên cành đa cùng lũ bạn
    Gặp nắng òa,
    Bóng mẹ nỏ trên sân.

    Mẹ lặng lẽ nhặt lên từng mảnh vỡ
    Lòng chắt chiu lại chắp, lại hàn
    Ủ ấm niềm tin vô tình con đánh mất
    Đem hết lòng nhân hậu vá cho con.

    Đốt đèn lên mẹ đi khắp xóm
    Đường sống trâu đêm lập lòe đom đóm
    Tiếng tắc kè vấp lên, vấp xuống
    Vin ngọn đèn làm gậy chống qua đêm.

    Như dòng sông cần mẫn phù sa
    Mùa ngô như trổ từ tóc mẹ
    Đàn sáo ào lên từ vạt cỏ
    Lắng xuống vòm đa xanh.

    II

    Các anh xa làng từ đầu cuộc chiến tranh
    Có người đi không bao giờ trở lại
    Trịnh Huy Lượng
    Liệt sĩ đầu tiên thời chống Mỹ
    Trần Văn Phú
    Nằm lại rừng miền Đông trong trận mở màn
    Vũ Văn Cần
    Lê Văn Tươi
    Những đứa bạn tôi
    Gửi lại làng một thời tới lớp
    Bạn nằm lại như cây cột mốc
    “Nam quốc sơn hà…”.
    Dưới tán đa
    Là hương khói,
    Là làng
    Lặng lẽ tiễn đưa
    Những vong hồn
    Đền Phủ Mẫu tiếng chim thảng thốt
    Nước mắt người vàng vọt lá đa xanh.

    Những rễ đa những những ngón đa người
    Bấu vào đất mà tìm sự sống
    Những trận bão tung cây
    Những mùa lũ mặt người, mặt nước
    Không yêu đất làm sao trồi ngụp được
    Đa với người làm một chứng nhân.

    Đi qua những mùa nám bã chè
    In nửa mặt chị tôi
    Chồng chết sớm
    Làm mẹ,
    Làm người đàn ông trong nhà
    Lũ con nhỏ như tổ chim gặp bão
    Chạy chợ qua sông
    Gặp mặt mình trong nước…

    Trưa ấy chị vào đền Phủ mẫu
    Dưới tán đa lẩm nhẩm khấn thầm
    Làm sao tôi biết được
    Chỉ trách sông trong văn vắt nước
    Vô tình làm gương soi.

    III

    Chúng tôi lớn lên
    Những trai tráng của làng
    Bằng tất cả những gì làng có
    Củ sắn non
    Hoa bí hoa bù
    Biết đặt trúm, đặt lừ
    Đào bùn bắt trạch
    Biết đan cái nia
    Biết làm cái vách
    Biết hái hoa mơ mộng ngất trời
    Ăn bữa trưa phải nhìn bữa tối
    Hạt ngô non bấm bụng để già
    Bát nước chè xanh sớm tối
    Gọi nhau qua hàng rào…
    Ai cất câu hò mà sông mà nước
    Để chẳng thể cầm lòng quên nhau được.

    Thăm thẳm nghìn năm
    Lời ru lắng lọc sông trong vắt
    Chúng tôi bơi trên dòng sông ấy
    Chúng tôi uống bằng nguồn nước ấy
    Bằng những câu ca người mẹ nào cũng thuộc
    Bãi Phốc Chùa xưa miên man hoa Cúc
    Các anh từng đến đây
    Leo lên gác chuông mắt đổ xuống sông này
    “Bao giờ ghềnh Sét đứt đôi…”

    Ghềnh Sét đứt đôi
    Sông con lấp cửa
    Lời niệm vào sông núi đất đai
    Phù sa bồi phù sa – Gương mặt những hiền tài.

    Anh lặng im
    Đối mặt với ngọn đèn
    Đối mặt với ước mơ
    Đã đôi lần thất bại
    Sông chẳng là sông nếu không còn bờ bãi
    Mỗi cánh buồm chẳng có khát khao riêng!

    Tôi nhận ra anh vóc dáng cánh buồm
    Nơi bến đỗ xuân về hoa trổ trắng
    Có một người con gái đứng chờ anh
    Có một làng già trẻ đứng chờ anh
    Dưới gốc đa ngày ấy
    Thơ tìm ra hạt giống để gieo trồng.

    IV

    Chót vót cành đa một tổ chim non
    Chúng ríu rít giữa vòm trời thăm thẳm
    Trưa nắng đọng nghe tiếng chim mảnh mỏng
    Cứ dát vàng mặt đất đợi người xa.

    Cảm ơn em dưới gốc đa ngày ấy đã trao quà
    Một cuốn sổ tay, đôi câu thơ đề tặng
    Lời thì xa xôi, ánh mắt đầy hoang vắng
    Đã bao lần cố gỡ lại bầm thêm.

    Sông Mã ơi, tạc giữa trời xanh
    Em xuống tắm thế mà lau trổ trắng!

    Bình luận

    ví dụ: http://www.example.com

    Lời bình: (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)