Năm cụm núi quê hương
Anh thương binh về thăm nguyên quán
Một bàn tay vĩnh viễn gửi sa trường
Anh trở lại với bàn tay còn lại
Vẫn vẫy chào Non Nước quê hương
Quê hương anh
Mây giăng đèo Ải
Chiều ấu thơ êm ả câu hò
Nước mấy nguồn sông hẹn về Cửa Đại
Ngũ Hành Sơn năm cụm núi xanh lơ.
Anh lớn lên giữa bài ca châu thổ
Những mùa thu ngọt trái nam trân1
Biển xa lộng gió
Thuyền lưới đầy khoang cá trắng ngần
Mẹ thường kể anh nghe
Chuyện mẹ cùng cha
Ngày xưa đôi lứa
Trai lành, gái đảm thương nhau
Bến nước sông sâu
Nhịp cầu, giếng xóm
Cô gái mười lăm hái hoa bắt bướm
Nắng sớm thêm vàng màu áo lụa Duy Xuyên
Cậu trai xóm dưới ngoan hiền
Đêm khuya khoắt học bài bên bếp lửa
Mẹ già thương hai đứa
Mẹ già cho lấy nhau
Vài buồng cau, mấy liễn trầu
Đám cưới đi ngang bờ sông hoa gạo đỏ
Biển rộng buồm xa ăm ắp gió
Ngũ Hành năm cụm xanh xanh
Cha mẹ chỉ tay thề với núi:
– Mỗi ngón tay là một cụm Ngũ Hành
Năm cụm núi không thể nào thiếu một
Năm ngón tay không thể chia lìa
Lời mẹ đều đều. Sương rụng vườn khuya.
Anh ra đi từ mùa thu quê hương bốc lửa
Rừng xa, xa rồi những lứa nam trân
Mẹ đã già và cha không còn nữa
Mây giăng nhiều trên đỉnh Ải Vân.
Chiều hôm nay anh trở về nguyên quán
Một bàn tay vĩnh viễn gửi sa trường
Mẹ già đón anh
mừng vui
bỡ ngỡ
Mẹ khóc
mẹ cười
mái tóc rung hoa sương
Không theo anh về bàn tay năm ngón
Nhưng về theo anh nghìn chiến công
Về theo anh sông đầy mấy ngọn
Mùa vui chim ca, cá trắng, cam hồng
Anh nhìn núi Ngũ Hành năm cụm
Màu núi thêm xanh
Mất bàn tay, còn quê hương thắm thiết
Mỗi ngón tay dâng một cụm Ngũ Hành.
Niềm vui hiện tại
Bếp ấm ân tình
Anh viết thư cho người yêu bằng tay trái
Đời vẫn xanh và núi vẫn xanh.
(Trích tập Nghìn Khuya, xuất bản 1965)
- Tên do vua chúa nhà Nguyễn đặt cho trái bòn bon (hay lòn bon), một đặc sản của tỉnh Quảng Nam. [↩]
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Minh Kỳ phổ nhạc thành nhạc phẩm cùng tên.
Dưới đây là phiên bản do Phi Nhung trình bày.
ĐỌC THƠ TƯỜNG LINH,
BÀI “NĂM CỤM NÚI QUÊ HƯƠNG”
Tường Linh thơ cũng bình thường
Chẳng gì xuất sắc cũng dường ấy thôi
Thơ hay muốn để lại đời
Trước cần vần điệu sau là tứ thơ
Đề tài dầu chỉ lơ mơ
Nhưng nhiều hình ảnh làm thơ nổi liền
Thơ trung hữu họa mới chuyên
Còn không nước lã khắp miền vậy thôi
Cái hay phải học Nguyễn Du
Hay Đoàn Thị Điểm thiên thu chẳng nhòa
Ngôn từ thi pháp như hoa
Ý thơ phong phú mới là thơ hay
Còn thơ kiểu nói hàng ngày
Kết vần đóng chữ nào hay nỗi gì
Thế nhưng nói vậy tùy nghi
Tài đâu có thể từ ngoài đem vô
Trời sinh thì dẫu thế nào
Làm chơi vớ vẩn cũng thành ra thơ
Còn không cũng chỉ tơ mơ
Cố làm thơ cũng chẳng thơ ra gì
Tường Linh thôi hãy quên đi
Thơ nào chưa đạt ta thì vượt lên
Thơ đâu cần kể số trang
Vài câu hay cũng cả làng mê ngay
Quê hương năm cụm núi này
Ngũ Hành Sơn đó tiếc tài chưa cao
Chạm mây núi phải thế nào
Thơ hay chạm tới lòng người mới hay
NHÀ THƠ ĐẠI NGÀN
(20/01/16)
ĐỌC THƠ TƯỜNG LINH,
BÀI “NĂM CỤM NÚI QUÊ HƯƠNG”
Tường Linh thơ cũng bình thường
Chẳng gì xuất sắc cũng dường ấy thôi
Thơ hay muốn để lại đời
Trước cần vần điệu sau là tứ thơ
Đề tài dầu chỉ lơ mơ
Nhưng nhiều hình ảnh làm thơ nổi liền
Thơ trung hữu họa mới chuyên
Còn không nước lã khắp miền vậy thôi
Cái hay phải học Nguyễn Du
Hay Đoàn Thị Điểm thiên thu chẳng nhòa
Ngôn từ thi pháp như hoa
Ý thơ phong phú mới là thơ hay
Còn thơ kiểu nói hàng ngày
Kết vần đóng chữ nào hay nỗi gì
Thế nhưng nói vậy tùy nghi
Tài đâu có thể từ ngoài đem vô
Trời sinh thì dẫu thế nào
Làm chơi vớ vẩn cũng thành ra thơ
Còn không cũng chỉ tơ mơ
Cố làm thơ cũng chẳng thơ ra gì
Tường Linh thôi hãy quên đi
Thơ nào chưa đạt ta thì vượt lên
Thơ đâu cần kể số trang
Vài câu hay cũng cả làng mê ngay
Quê hương năm cụm núi này
Ngũ Hành Sơn đó tiếc tài chưa cao
Chạm mây núi phải thế nào
Thơ hay chạm tới lòng người mới hay
NHÀ THƠ ĐẠI NGÀN
(20/01/16)