Bài lưu vong
Gửi Dương Nghiễm Mậu
Ngươi ở Sài Gòn chắc ngỡ ta
Đêm đêm chui rúc xóm yêu ma
Ngày ngày lê lết khu trà tửu
Đổi áo phong trần lấy gấm hoa
Niềm đau phát vãng chừng quên hết
Dấu ấn lưu vong đã nhạt nhòa
Đất khách buôn rong thời nước đục
Quê người bán rẻ thuở kiêu sa
Rượu mốc mềm môi tanh dĩ vãng
Giả vờ ngất ngưởng dấy phong ba
Học đòi kiêu sĩ khinh thiên hạ
Đứng giữa nhân gian xé lụa là
Văn chương bần tiện khoe thành tích
Cũng thét sa trường khúc chiến ca
Mười năm ăn quẩn hồng lâu mới
Vẫn tưởng mười đêm cũ ngọc ngà
Nghênh ngang sân khấu vai hề mọn
Mắt gắn lân tinh miệng gắn loa
Tuồng tích Lý Thông chưa học vở
Oang oang câu thống lĩnh sơn hà
Đã đem Chung Tử ra bêu nhục
Lại ví mình như nỗi Bá Nha1
Hỡi ơi bằng hữu ngoài non nước
Dương Lễ Lưu Bình2có xót xa
Thủ bút triện son phiền giấy mực
Ngậm ngùi vần điệu thẹn thi ca
Sênh phách phũ phàng giây máu cuốc
Rộn ràng nhã nhạc Hậu Đình Hoa3
Cuộc vui há đã mòn tâm sự
Há đã đổi hồn nhuộm sắc da
Khoa vọng vênh vang thay quốc tịch
Mừng vui khiêu vũ sập tha ma
Đã nuốt lời thề sông tiễn biệt
Về đem trủy thủ khác Kinh Kha
Những mắt chờ trông ngầu huyết lệ
Đang rơi trong ngục đá đêm già
Thì thôi đừng rắp ranh Trùng Nhĩ4
Khâu miệng mà câm chuyện nhớ nhà
Nghẹn ngào chi nữa thân tu hú
Ai thiết tha mình không thiết tha
Nghìn sông trăm núi xa vời vợi
Ngươi ở Sài Gòn chắc ngỡ ta
Đem ước mơ chung đi đánh đĩ
Cho riêng mình hưởng chút vinh hoa
Vải sô tù tội phi tang tích
Đắp kín đời hoang mảnh lụa là
Chữ nghĩa rạc rài trang quảng cáo
Nghẹn ngào báo biếu truyện điêu ngoa
Ngo ngoe đỉa ruộng truyền cương lĩnh
Nhấp nhổm sâu vườn lập thuyết ma
Kháng chiến chiêm bao còn thiếu giấc
Trở mình lãnh tụ đám lâu la
Cũng tủi thân ai mong giải phóng
Hải đăng hi vọng đã đui lòa
Thời chưa tạo nổi gây gì thế
Thế chủ thờ thầy ẩm hận đa
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch
Khẩu khí trâu nhai nguội cuộc trà
Tiến sĩ quỳ mòn sân trọc phú
Hư danh xem cũng lắm kinh qua
Nhi nhô tôm tép Hàn lâm viện
Văn hoá cầu ao lũ cá tra
Bọt bèo chối bỏ thân bèo bọt
Bùn khuấy hồ sen bẩn nhụy hoa
Phùng mang yêu nước thầy Ma Cạo
Trợn mắt thương dân mợ Tú Bà
Thằng nắm cộng đồng liên lục địa
Con giành chủ tịch cõi người ta
Hay chi cầu thực tha phương nhỉ
Nên hại nhau hoài chẳng xót xa
Một bọc hoá thành muôn vạn bọc
Nhân tình thua tấm giấy đô la
Thì thôi đừng rắp ranh Trùng Nhĩ
Khâu miệng mà câm chuyện nhớ nhà
Nghẹn ngào chi nữa thân tu hú
Ai thiết tha mình không thiết tha
Nghìn sông trăm núi xa vời vợi
Ngươi ở Sài Gòn chắc ngỡ ta
Tai đã điếc hồi chuông cố quận
Ngày qua non nước cũng phôi pha
Còn nhớ gì đâu gai nhức nhối
Đâm sâu tim phổi tiếng rên la
Ai vừa giãy chết cachot5 đó
Hiu hắt đêm khuya khám Chí Hòa
Còn nhớ gì đâu lần chuyển trại
Chiếc còng định mệnh buốt sân ga
Hút chung điếu thuốc chung hơi thở
Chung chuyến lưu đầy chung một toa
Bây giờ phương ấy hồng nhan sắc
Vó ngựa đã giầy lên chuyện qua
Giọt nước mắt nào cho dĩ vãng
Cho trời cho đất tận quê xa
Nghìn sông trăm núi ôi vời vợi
Ngươi ở Sài Gòn trách móc ta
Đất khách buôn rong thời nước đục
Quê người bán rẻ thuở kiêu sa
Văn chương bần tiện khoe thành tích
Cũng thét sa trường khúc chiến ca
Thế đấy ngươi ơi sầu chất ngất
Cúi đầu ta học nghĩa phồn hoa
(1987)
- Bá Nha và Chung Tử Kỳ là hai người bạn. Bá Nha đàn cho Chung Tử Kỳ nghe. Bá Nha muốn bày tỏ tình ý gì qua tiếng đàn Chung Tử Kỳ đều thấu hiểu. Sau này khi Chung Tử Kỳ chết, Bá Nha treo đàn không đánh cho ai nghe nữa vì cho rằng không còn ai hiểu tiếng đàn của mình. [↩]
- Hai nhân vật trong văn học dân gian Việt Nam, Lưu Bình và Dương Lễ, là hai người bạn từ thuở thiếu thời. Dương Lễ là một thư sinh nghèo, Lưu Bình giàu có đã tạo điều kiện cho Dương Lễ ăn học. Đến khi Dương Lễ công thành danh toại, Lưu Bình vì lười biếng ăn chơi nên đã trở nên nghèo khó. Nhớ đến nghĩa tình bạn bè năm xưa, Dương Lễ đã bí mật nhờ vợ mình là Châu Long giúp nuôi và đốc thúc việc học của Lưu Bình. Sau đó, Lưu Bình đỗ đạt làm quan. Tình bạn giữa hai người ngày càng khăng khít. [↩]
- “Hậu Đình Hoa” nghĩa là “Hoa ở sân sau”. Đây là một tập thơ chọn lọc rồi phổ thành âm điệu cho các cung nữ, phi tần hát của Trần Hậu chủ đời Hậu Trần, thời Nam Bắc triều ở Trung Quốc (420-587). Khi nhà Hậu Trần bị diệt vong, người ta cho rằng sở dĩ nước mất nhà tan cũng do khúc hát “Hậu Đình Hoa” ấy, vì có tính cách ủy mị. “Hậu Đình Hoa” ý chỉ khúc ca vong quốc. [↩]
- Tấn Văn công, tên thật là Cơ Trùng Nhĩ, là vị vua thứ 24 nước Tấn – một chư hầu của nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc. Tấn Văn công là một trong Ngũ Bá thời Xuân Thu với sự nghiệp rất nổi tiếng, được sử sách nhắc tới nhiều. [↩]
- Hầm ngục – tiếng Pháp, phát âm là ca-sô [↩]