Thica.net

Mạng thi ca Việt Nam

  • Chuyện cổ tích

    Tác giả:

    Em ạ! Ngày xưa vua nước Bướm
    Kén nhân tài, mở Điệp lang khoa.
    Vua không lấy trạng, vua thề thế
    Con bướm vàng tuyền đậu Thám hoa.

    Vua liền gọi gả con gái yêu
    Nàng đẹp như em, chả nói điêu!
    Vua nuông hai vợ chồng quan Thám
    Cho nhởn xem hoa sớm lại chiều.

    […]

  • Khúc Thụy du

    Tác giả:

    […]

    Đừng bao giờ em hỏi
    Vì sao mình yêu nhau
    Vì sao môi anh nóng
    Vì sao tay anh lạnh
    Vì sao thân anh run
    Vì sao chân không vững
    Vì sao anh van em
    Hãy cho anh được thở
    Bằng ngực em rũ buồn
    Hãy cho anh được ôm
    Em, ngang bằng sự chết
    Tình yêu như ngọn dao
    Anh đâm mình, lút cán
    Thụy ơi và Thụy ơi
    Không còn gì có nghĩa
    Ngoài tình em tình em
    Đã ướt đầm thân thể

    Anh ru anh ngủ mùi
    Đợi một giờ linh hiển.

  • Trường huyện

    Tác giả:

    Học trò trường huyện ngày năm ấy
    Anh tuổi bằng em lớp tuổi thơ
    Những buổi học về không có nón
    Đội đầu chung một lá sen tơ.

    Lá sen vương vấn hương sen ngát
    Ấp ủ hai ta chút nhụy hờ
    Lũ bướm tưởng hoa cài mái tóc
    Theo về tận cửa mới tan mơ.

    Em đi phố huyện tiêu điều lắm
    Trường huyện giờ xây kiểu khác rồi
    Mà đến hôm nay anh mới biết
    Tình ta như chuyện bướm xưa thôi.

  • Em với anh

    Tác giả:

    Lòng em như quán bán hàng
    Dừng chân cho khách qua đàng mà thôi.
    Lòng anh như mảng bè trôi
    Chỉ về một bến chỉ xuôi một chiều.

    Lòng anh như biển sóng cồn
    Chứa muôn con nước nghìn con sông dài
    Lòng em như thể lá khoai
    Đổ bao nhiêu nước ra ngoài bấy nhiêu

    Lòng anh như hoa hướng dương
    Trăm nghìn đổ lại một phương mặt trời.
    Lòng em như cái con thoi
    Thay bao nhiêu suốt mà thoi vẫn lành!

  • Đêm cuối cùng

    Tác giả:

    Hội làng mở giữa mùa thu
    Trời cao, gió cả, trăng như ban ngày.
    Hội làng còn một đêm nay
    Gặp em còn một lần này nữa thôi.
    Phường chèo đóng Nhị độ Mai
    Sao em lại đứng với người đi xem?
    Mấy lần tôi muốn gọi em,
    Lớp Mai Sinh tiễn Hạnh Nguyên sang Hồ

    Tình tôi mở giữa mùa thu
    Tình em lẳng lặng kín như buồng tằm.

  • Thôi nàng ở lại…

    Tác giả:

    […]

    Tôi sẽ đi đây! Tôi sẽ quên,
    Trọn đời làm một kẻ vô duyên,
    Trọn đời làm một thân cô lữ,
    Ở mọi đường xa, ở mọi miền…

    Ai đi chắp lại cánh hoa rơi?
    Bắt bóng chim xa tận cuối trời.
    Có lẽ ngày mai đò ngược sớm,
    Thôi nàng ở lại để… quên tôi.

  • Xóm Ngự Viên

    Tác giả:

    […]

    Ngự viên ngày trước không còn nữa
    Giờ chỉ còn tên xóm Ngự Viên
    Khoa cử bỏ rồi, thôi hết Trạng!
    Giời đem hoa cỏ trả vườn tiên
    Tôn nữ ngồi đan từng chiếc áo
    Dân thường qua lại lối đi quen.
    Nhà cửa xúm nhau thành một xóm
    Cay nồng hơi thuốc lẫn hơi men
    Mụ vợ bắc nam người tứ xứ
    Anh chồng tay trắng lẫn tay đen
    Đổi thay tình nghĩa như cơm bữa
    Khúc “Hậu đình hoa” hát tự nhiên.
    Nhọc nhằn tiếng cú trong thanh vắng
    Nhao nhác đàn dơi lúc đỏ đèn…

    […]

  • Người hàng xóm

    Tác giả:

    Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
    Cách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn
    Hai người sống giữa cô đơn
    Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi.
    Giá đừng có giậu mùng tơi
    Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng
    Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng
    Có con bướm trắng thường sang bên này…
    Bướm ơi, bướm hãy vào đây
    Cho tôi hỏi nhỏ câu này chút thôi
    Chả bao giờ thấy nàng cười
    Nàng hong tơ ướt ra ngoài mái hiên
    Mắt nàng đăm đắm trông lên
    Con bươm bướm trắng về bên ấy rồi
    Bỗng dưng tôi thấy bồi hồi
    Tôi buồn tự hỏi: hay tôi yêu nàng?

    […]

  • Tương tư

    Tác giả:

    Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
    Một người chín nhớ mười mong một người.
    Gió mưa là bệnh của trời,
    Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
    Hai thôn chung lại một làng,
    Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?
    Ngày qua ngày lại qua ngày,
    Lá xanh nhuộm đỏ thành cây lá vàng.
    Bảo rằng cách trở đò giang,
    Không sang là chẳng đường sang đã đành;
    Nhưng đây cách một đầu đình,
    Có xa xôi mấy mà tình xa xôi.

    […]