Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 23 tháng 10 năm 1920 (tức ngày 12 tháng 9 năm Canh Thân), quê gốc ở Cam Lộ, Quảng Trị, song thuở nhỏ sống, học, và làm những bài thơ đầu tiên ở Bình Định, nên nơi này cũng được xem như quê hương thứ hai của ông.
Chế Lan Viên đã từng có thơ được in trên báo chí từ những năm 1935-1936. Năm 1937, khi tập thơ Điêu tàn được in ra (lúc ông mới 17 tuổi và là học sinh năm thứ 3 trường Trung học Quy Nhơn), ngay lập tức được dư luận đặc biệt chú ý – và được xem là một trong những nhà thơ nổi tiếng của phong trào thơ mới. Thời gian ở Bình Định ông cùng nhóm thơ với Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn được gọi là Bàn thành tứ hữu (bốn người bạn thơ đất Bình Định).
Năm 1939 ông ra học tại Hà Nội, sau vào Sài Gòn làm báo, rồi ra Thanh Hóa dạy học. Năm 1942 ông cho ra đời tập văn Vàng sao, thơ triết luận về đời với màu sắc siêu hình, huyền bí.
Ông tham gia Cách mạng tháng Tám năm 1945 tại Quy Nhơn rồi ra Huế tham gia Đoàn xây dựng cùng với Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Đào Duy Anh, viết bài cho báo Quyết thắng của Việt Minh Trung bộ.
Trong kháng chiến chống Pháp, ông làm công tác báo chí ở Liên khu 4 cũ.
Tháng 7-1949 trong chiến dịch ở Tà Cơn, Đường 9 (Quảng Trị) Chế Lan Viên được kết nạp vào Đảng.
Hòa bình lập lại, ông về Hà Nội. Từ đấy cho đến suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông cho ra đời hàng loạt tập thơ như: Ánh sáng và phù sa (1960); Hoa ngày thường – chim báo bão (1967); Những bài thơ đánh giặc (1972); Đối thoại mới (1973); và một loạt tác phẩm lý luận, phê bình, văn xuôi như Phê bình văn học (1962); Suy nghĩ và bình luận (1972); Những ngày nổi giận (1966).
Trong thời kháng chiến chống Mỹ, ông tham gia trong Ban lãnh đạo Hội nhà văn Việt Nam, nhiều lần là sứ giả của văn hóa Việt Nam tham dự trên các diễn đàn văn hóa Quốc tế ở Liên Xô (cũ), Pháp, Nam Tư, ấn Độ, Na Uy, Thụy Điển… Ông cũng từng là đại biểu Quốc Hội bốn khóa liền (từ khóa IV đến khóa VII).
Sau ngày đất nước thống nhất ông chuyển hẳn vào sống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Và ông vẫn cho ra đời nhiều tập thơ, trong đó có tập Hát theo mùa (1977), Hoa trên đá (1984); nhiều tập văn xuôi trong đó có Từ gác Khuê văn đến quán Trung tâm (1981), Ngoại vi thơ (1987).
Ông mất ngày 19-6-1989 tại bệnh viện Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh.
Tác phẩm thơ:
Điêu tàn (1937)
Gửi các anh (Hội nhà văn, 1955)
Ánh sáng và phù sa (Văn học, 1960)
Hoa ngày thường, chim báo bão (Văn học, 1967)
Những bài thơ đánh giặc (Thanh niên, 1972)
Đối thoại mới (Văn học, 1973)
Ngày vĩ đại (Văn học Giải phóng, 1976)
Hoa trước lăng người (Thanh niên, 1976)
Dải đất vùng trời (Quảng Bình, 1976)
Hái theo mùa (Tác phẩm mới, 1977)
Hoa trên đá (Văn học, 1984)
Ta gửi cho mình (Tác phẩm mới, 1986)
Di cảo thơ Chế Lan Viên (1992)