Thica.net

Mạng thi ca Việt Nam

Trang thơ Đông Hồ

Dong Ho

Nhà thơ Đông Hồ sinh ngày 10 tháng 3 năm 1906, tên thật là Lâm Tấn Phác, tự Trác Chi, hiệu Đông Hồ và Hòa Bích, còn có các bút hiệu khác là Thủy Cổ Nguyệt, Đại Ẩn Am, Nhị Liễu Tiên Sinh.

Ông là thành viên của nhóm Hà Tiên tứ tuyệt gồm: Đông Hồ, Mộng Tuyết (cũng là vợ của ông), Lư Khê và Trúc Hà.

Đông Hồ sinh tại làng Mỹ Đức, tỉnh Hà Tiên, nay thuộc tỉnh Kiên Giang. Thuở nhỏ ông vốn tên là Kỳ Phác, sớm mồ côi cha mẹ, nhờ bác ruột là Lâm Hữu Lân nuôi dạy và đặt tiểu tự cho ông là Quốc Tỉ, tự là Trác Chi.

Nhà ông, tổ tiên truyền mấy đời, đều ở ven Đông Hồ ấn nguyệt, là một thắng cảnh trong Hà Tiên thập cảnh, nên khi bắt đầu biết làm thơ ông đã lấy hiệu Đông Hồ.

Năm 1926 – 1934 Đông Hồ lập Trí Đức học xá trên bờ Đông hồ, chủ trương chuyên dạy toàn tiếng Việt, cổ động người Việt tin tưởng ở tương lai Việt ngữ. Thời kỳ này ông cộng tác với Nam Phong tạp chí do Phạm Quỳnh chủ trương đến khi báo đình bản vào năm 1935.

Năm 1935 Đông Hồ xuất bản tuần báo Sống ở Sài Gòn nhưng chỉ ra được vài chục số thì ngưng vì không tự túc nổi, ông phải về lại Hà Tiên sinh sống và chuyên nghiên cứu văn học miền Nam.

Năm 1945 ông tham gia kháng chiến chống Pháp một thời gian, nhưng sức yếu, ông rời Hà Tiên trở lên Sài Gòn.

Năm 1950 ông sáng lập nhà xuất bản Bốn Phương và nhà sách Yiễm Yiễm thư trang. Năm 1953 ông xuất bản tập san Nhân Loại để yểm trợ cho nhà xuất bản và nhà sách nêu trên cho đến giữa năm 1964, tất cả mới ngưng hoạt động.

Năm 1964 Đông Hồ về ở ẩn tại Quỳnh Lâm thư thất thuộc ngoại ô Sài Gòn. Những năm về sau, ông vừa làm văn vừa làm thơ, thường viết về văn học, về lịch sử đăng ở các tạp chí xuất bản ở Sài Gòn như Văn Hóa nguyệt san, Bách Khoa, Văn.

Năm 1965 ông được mời phụ trách môn Văn học miền Nam tại trường Đại học Văn khoa Sài Gòn và giảng dạy ở đó cho đến khi mất vào ngày 25 tháng 3 năm 1969 (tức 8 tháng 2 năm Kỷ Dậu) lúc đang đứng trên bục giảng bình cho sinh viên bài thơ Trưng Nữ Vương của nữ sĩ Ngân Giang.

Tác phẩm:

Ngoài thơ, Đông Hồ còn viết văn, ký, khảo cứu, văn học sử. Về văn, ông viết từ văn xuôi biền ngẫu đến văn xuôi hiện đại. Ông có tiếng khi viết cho báo Nam Phong do Phạm Quỳnh chủ trương và nổi tiếng nhất với bài ký Linh Phượng, tức Trác Chi Lệ Ký tập và bài Phú Đông Hồ.

Đông Hồ là một người có bàn tay tài hoa, vốn yêu thích viết chữ đẹp và nghệ thuật thư pháp, và lại yêu tiếng Việt nên ông là người đầu tiên có ý tưởng dùng cọ lông và mực Tàu viết chữ quốc ngữ. Vì thế ông được tôn là tổ sư của bộ môn Việt thư (thư pháp chữ Việt).

Các tác phẩm đã xuất bản:

  • Thơ Đông Hồ (Văn Học Tùng Thư, Nam Ký Thư Quán, Hà Nội xuất bản, 1932): sáng tác trong khoảng 1922 – 1932
  • Thăm đảo Phú Quốc (Nam Phong tập XXI, số 124, 1927)
  • Hà Tiên Mạc thị sử (Nam Phong tập XXV, số 143, 1929)
  • Chuyện cầu tiên ở Phương thành (1932)
  • Lời Hoa (Trí Đức Học Xá, Hà Tiên xuất bản, 1934): các bài Việt văn của học sinh Trí Đức Học Xá
  • Linh Phượng (Nam Ký Thư Quán, Hà Nội xuất bản, 1934): tập lệ ký khóc vợ, vừa thơ vừa văn xuôi, đăng ở Nam Phong tập XXII, số 128
  • Cô Gái Xuân (Vị Giang Văn Khố Nam Định xuất bản, 1935): thơ sáng tác trong khoảng 1932 – 1935
  • Những lỗi thường lầm trong sự học Quốc văn (Trí Đức Học Xá xuất bản, 1936): soạn chung với Trúc Hà
  • Hà Tiên thập cảnh (Bốn Phương xuất bản, 1960): in chung với Đường vào Hà Tiên của Mộng Tuyết thất tiểu muội
  • Trinh Trắng (Bốn Phương xuất bản, 1961): thi tuyển
  • Truyện Song tinh (Bốn Phương xuất bản, 1962): sao lục, khảo cứu truyện Song tinh bất dạ
  • Chi lan đào lý (1965): tùy bút
  • Năm ba điều nghĩ về Truyện Kiều (1965): thuyết trình nhân dịp kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du
  • Bội lan hành (1969)
  • Úc Viên thi thoại (1969)
  • Đăng đàn (1969)
  • Dòng Cổ Nguyệt (1969)
  • Văn học miền Nam: văn học Hà Tiên (1970): tập hợp những bài giảng ở Đại học Văn khoa Sài Gòn