Lửa bếp
[…]
Chiều nay lửa bếp nói với ta điều gì
Que cời trong tay em khơi lò trấu
Có anh sà vào cho tàn tro đậu
Lấm tấm mái đầu trắng sợi tóc xanh.
[…]
Nhà thơ Đông Trình tên thật là Nguyễn Đình Trọng. Ông sinh ngày 4.12.1942, quê gốc ở làng Nam Phúc, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông là cha đẻ của nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh. Con dâu của ông là nhà thơ Nguyệt Phạm.
Đông Trình tốt nghiệp thủ khoa Đại học Sư phạm và Đại học Văn khoa Huế (1968), làm chủ tịch Phòng Sinh hoạt Giáo dục – Văn học – Nghệ thuật trường ĐH Sư Phạm Huế (khóa Mậu Thân). Ông cũng là sáng lập viên nhóm Việt (sau đổi tên là nhóm Hồng Sơn), quy tụ toàn bộ các cây bút chủ lực của Viện Đại học Huế, cùng có tư tưởng tiến bộ yêu nước. Ông là nhà thơ có ảnh hưởng lớn trong phong trào văn nghệ phản kháng ở đô thị Miền Nam trước 1975. Sau năm 1975 ông là hiệu trưởng trường THPT Phan Châu Trinh, chuyên viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Đà Nẵng.
Đông Trình bắt đầu viết văn từ những năm 1957- 1958 với các truyện ngắn trên các báo Gió Mới, Phổ Thông, Phụ Nữ Diễn Đàn, Văn Mới. Bắt đầu từ năm 1960, ông chuyển hẳn qua làm thơ và xuất hiện thường xuyên trên các nhật báo, tập san, tạp chí phản kháng như Đối Diện, Bách Khoa, Ý Thức, Văn, Khởi Hành, Điện Tín, Đại Dân Tộc, Thái Hòa, Đứng Dậy, Sinh Viên, Thế Hệ (Canada), Sứ Mệnh (Nhật Bản). Ông tham gia Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1985, đã xuất bản nhiều tuyển tập thơ, trường ca, tản văn, tiểu luận phê bình. Ngoài bút danh Đông Trình ông còn có các bút danh khác là Hồng Chi, Trần Hồng Giáo. Hiện nay ông sống cùng với gia đình tại đường Hải Phòng, Quận Thanh Khê, Thành phố Đà Nẵng.
Những tác phẩm tiêu biểu:
Giải thưởng Văn học:
[…]
Chiều nay lửa bếp nói với ta điều gì
Que cời trong tay em khơi lò trấu
Có anh sà vào cho tàn tro đậu
Lấm tấm mái đầu trắng sợi tóc xanh.
[…]
[…]
Thấy ở đó gót em hồng buổi sáng
Băng qua cánh đồng sữa lúa thơm môi
Ngắt một nhánh và nghiêng đầu cúi xuống
Nghe quê hương thành máu chảy trong người
Trước bảng lớp em đứng hiền như mẹ
Hai cánh tay ngoan rất đỗi vụng về
Trên mái ngói chuyền tình đôi chim sẻ
Giữa tiếng giảng bài bỗng lắng tai nghe
Như xa lắm một thời bom đạn phá
Cây ta ươm sẽ mọc lại cho rừng
Mặt trời vươn vai trên từng đọt lá
Bóng tối chết rồi trong ngăn kéo mùa đông
[…]
[…]
Đất quê ta mưa rơi tháng tám
Trời cuối thu mây xám xây thành
Đêm nghe nước giọt mái tranh
Thương con chim nhỏ động cành thiên di
Ruộng quê ta mùa se nắng hạ
Con trâu hiền đứng thở trong mưa
Có cha bắt nước trổ bờ
Dưới hàng cây mát nằm mơ gió chiều
Mẹ đem cơm gót xiêu triền cát
Nón cầm tay đứng quạt ven đường
Tóc mai bay gió đưa hương
Cha nghe mùi tóc cơ chừng rất quen
[…]
[…]
Cái thiệp cưới trên tay ấm áp màu trời
Tôi gọi vợ mình và biết mình có lỗi
Tất bật ăn làm, quên ngày mình cưới
Trước hạnh phúc bạn bè, em có trách anh không?
Bỗng nhiên gặp một phút rưng lòng
Tôi nắm tay vợ mình, cố mường tượng ra lần thứ nhất mình đã nắm
Cái bàn tay bây giờ khác lắm
Nếp nhăn chảy qua thời mình yêu…
[…]
Bạn mình lấy vợ em có vui không?
Cái anh chàng lênh khênh tưởng như đi suốt đời mình không cần chỗ tựa
Cái anh chàng có thể làm thơ bằng tiếng mẹ mình và giảng thơ bằng ngoại ngữ…
Tính tế và cởi mở
Thường mang đến niềm vui cho đám đông…
Cái anh chàng đôi lúc tưởng có gì rồi mà hóa ra không
Và đột ngột đang không thành có
Như sáng nay bàn tay của gió
Lật tờ vui: cái thiệp cưới trên bàn!
Thế là thật rồi
Cuộc sống qua trang
Hai bạn sẽ gặp trên vở mình những gì chúng tôi đã viết
Hạnh phúc tuyệt vời và yêu cầu quyết liệt
Đối mặt ta phía trước con đường…
[…]
Dù sâu đến thế nào
Mọi vết thương
Có một ngày kín miệng
Nhai quy luật này
Anh đắp vào chỗ trái tim
Khốn khổ trái tim anh
Không nằm trong quy luật
Cây bị đốn – Đâm chồi
Nỗi đau tầm gởi
Mọc lên!
Chiều nay anh lại trở về đây
Giặt áo cho con bên giếng này
Gàu nước kéo lên nghe nằng nặng
Không biết lòng xa, em có hay?
Mặt nước ngày xưa có sâu hơn
Rêu có xanh thêm, bờ giếng mòn
Lỗ chỗ thành xưa nhiều dấu đạn
Anh nghe lòng chùng bên áo con
Giếng nước ngày xưa em soi mặt
Soi tuổi thơ ngây, tuổi hẹn hò
Nước đã thấm vào nghìn lớp đất
Anh về màu nước vẫn như xưa
Bên giếng ngày xưa anh đến chơi
Những đêm trăng lọc một khoảng trời
Hai đứa nhìn nhau qua thành giếng
Trên đầu hoa khế, bóng trăng rơi
[…]
[…]
Trong ánh nắng chiều, dưới bóng tre đưa
Lời thiên nhiên cũng mềm như tiếng mẹ
Những chú dế mèn hòa âm rất khẽ
Khiến con nhện buồn chùng cả đường tơ
Tôi nằm trong nôi mắt khép rất hờ
Mẹ vỗ bàn tay đều như nhịp phách
Và lũ côn trùng hẹn nhau trong đất
Có đàn kiến vàng tiếp gạo nuôi quân
Con mối cánh dài trùm kín gót chân
Và anh ve sầu là người nhạc trưởng
Tôi nằm trong nôi nghe mùa chuyển hướng
Thời gian đi theo tiếng hát muôn loài:
Giọng rất cao là anh chìa vôi
Giọng lửng lơ là anh chiền chiện
Con dế con giun giữ phần nhạc đệm
Con oanh con yến tấu khúc xuân vui
Con quạ con diều kêu tiếng ngậm ngùi
Con cú cầm canh buồn như dấu lặng…
[…]
Nhớ chúng mày
Xót xa như nhớ tao bị phân thân
Những sợi tóc nằm không yên trên đầu
Ngu ngơ rung bay trong gió
Nhớ xoắn từng vòng trong kính cận thị
Nhớ chôn dưới những sợi râu cằm như mìn nổ chậm
Buổi sáng tao thức dậy
Nhớ trong bót và kem đánh răng
Buổi trưa cởi giày
Nhớ trườn dài trên hai sợi dây
Buổi chiều tao đi hoang
Nhớ cháy trong bougie mobylette
Nhớ chúng mày như chết…
[…]
Xin gió rừng ôn lại cho chúng mày
Về những đêm nằm chung
Không đứa nào còn nhận ra được chân tay mình
Về những ly cà phê
Trả bằng từng đồng tiền kẽm sót dưới đáy túi mỗi đứa
Về những điếu thuốc nằm hớ hênh
trên vành môi to tổ bố của thằng Cự
Về cách nhả khói ngổ ngáo của thằng Phiên làm cái cằm vêu ra
Về những cái bàn châu đầu lại trong quán “12” khi cả bọn ùa vào
Về sự trầm ngâm đáng ghét của thằng Sơn
Về cái tuyệt vọng ngu xuẩn của thằng Trọng
Về Bằng và nói cà lắp
Về Thảo và tiếng cười khục khục trong cổ
Về Nhơn và người tình bong bóng
Về Lục và sự bí ẩn của chỗ ở
Về một đứa không còn và niềm tin bỏ lại trên cát…
Về những mai hội thảo
Về những chiều bàn luận
Về trên Thiên Thai về dưới Cửa Thuận
Về trong phòng họp về ngoài nhà thuê
Về những đêm vào tù
Về những ngày ra khám
Về huy hoàng và tủi nhục
Về kiêu hãnh và mọn hèn
Về mặt trời và đom đóm
Về mặt trăng và dế mèn…
[…]
Tuổi thơ ta hề gói tròn trong áo mẹ
Nắng mới lên hồng nội ngoại hai phương
Những thôn xóm quê chim gù rất khẽ
Hoa chìu thơm nở rợp những con đường
Lũy tre xanh hề như bàn tay ôm
Đặt thân tình ta giữa rốn làng
Ngô khoai hề hiền như cơm
Sỏi đá hề quý như vàng
Tuổi trẻ ta ôi vô cùng ngây thơ
Như dòng sông rất đỗi hiền từ
Thênh thang giữa hai bờ cát trắng
Theo khói cơm chiều, ta gây mơ
[…]
Bạn bè ta những thằng nuôi chí lớn
Luyện văn chương thành một lưỡi gươm thần
Đứng với ngu phu làm người hảo hớn
Sống giữa đời hèn mà rất triết nhân
Ôi những bạn bè mà ta rất yêu
Sáng có mặt nhau, chiều hẹn chiều
Có quán nào ấm hơn quán trọ
Mái lá mưa về lay gió xiêu
Đời rộng thu vừa chiếu tình thân
Lịch sử xa mà tưởng rất gần
Kinh Kha không là người vắng mặt
Vì quanh ta sống lại những vua Tần
[…]
Tuổi thanh xuân ta hề chất ngất cao vọng
Thở dài hơi trong một quả tim hồng
Tuổi thanh xuân ta hề căng như mặt trống
Như mũi tên chờ trên cánh cung
[…]
Tôi trở về nâng niu từng kỷ niệm
Xác lá nội thành ngủ dưới bước chân
Đầu cây bạc hà chiều lưng ánh nến
Tay ai qua cầu mép áo phân vân
Ngôi nhà đó nằm nghiêng ôm vết đạn
Rặng soan tây mềm lá gió ngu ngơ
Nét chữ phân ưu ngả màu tái xám
Bài vị rưng rưng bụi khói hương mờ
Trên lối ấy tình khuya thơm dấu cỏ
Tóc ai bay sầu lụa mát trăng đêm
Chỗ hẹn ngày xưa xanh từng nấm mộ
Mắt nhỏ chân cầu lệ đốm lung linh
[…]