Thica.net

Mạng thi ca Việt Nam

Trang thơ Hải Kỳ

Hai Ky

Nhà thơ Hải Kỳ tên thật là Trần Văn Hải, sinh năm 1949 tại Xóm Cầu, Đồng Hới, nguyên quán ở Lệ Thủy, Quảng Bình.

Cha Hải Kỳ di cư vào Nam từ năm 1954, thuở nhỏ ông sống cùng mẹ và em trai. Hải Kỳ học phổ thông ở trường cấp ba Lệ Thủy, Quảng Bình cùng các nhà thơ Ngô Minh, Lâm Thị Mỹ Dạ

Khi nhà thơ đang học lớp 10 ở nơi sơ tán tại Ngư Hóa, mẹ ông qua đời vì bị trúng đạn từ máy bay Mỹ. Vì lý lịch có bố đi Nam, Hải Kỳ khi ấy không được học đại học mà chỉ học hết lớp 10 sau đó học thêm hai tháng chuyên môn sư phạm rồi ra dạy học ở trường cấp hai Đức Ninh từ năm 1969.

Hải Kỳ lập gia đình năm 1973, sinh được hai con trai.

Từ năm 1980 đến năm 1984 ông học Đại học Sư phạm Huế rồi về dạy trường cấp hai Lý Ninh. Là giáo viên dạy văn rất giỏi, Hải Kỳ nhiều lần được Sở Giáo Dục – Đào tạo Bình Trị Thiên (cũ) điều động từ Đồng Hới vào dạy bồi dưỡng học sinh giỏi văn của tỉnh để đi thi học sinh giỏi toàn quốc. Tuy nhiên, vì bức xúc với chuyện học thêm, dạy thêm, bệnh thành tích nặng nề trong giáo dục, Hải Kỳ đã xin về hưu trước tuổi đến 5 năm… Đáng lẽ đến năm 2009 mới đủ tuổi hưu, Hải Kỳ đã về hưu từ năm 2004.

Hải Kỳ làm thơ từ thời học sinh phổ thông. Năm 1970, Ty Thông tin Văn hóa và Hội Sáng tác Văn nghệ Quảng Bình tổ chức cuộc thi thơ đầu tiên, bài thơ Tiếng bom của Hải Kỳ đạt giải Nhì (không có giải Nhất). Hải Kỳ vừa dạy học vừa làm thơ. Các bạn trẻ sinh viên, người yêu thơ thường chép vào sổ tay và học thuộc lòng các bài thơ của Hải Kỳ. Thơ ông cũng đăng nhiều trên các báo và tạp chí.

Tập thơ đầu tay Ngọn gió đi tìm, xuất bản năm 1987, đã xác định chỗ đứng của Hải Kỳ trên thi đàn. Trong 33 bài của tập thơ này, có những bài tiêu biểu, cùng với thời gian, đóng đinh trong lòng bạn đọc khi nhắc đến Hải Kỳ, như: Hạt cát, Chuyện tình, Hai giây, Mẹ tôi

Năm 1989, Hải Kỳ cho xuất bản tập thơ thứ 2, mang tên Đồng vọng. Đến năm 1997, tập thơ thứ ba của Hải Kỳ xuất hiện, mang tên Nằm đếm trời sao. Năm 1999, tập thơ Đối thoại lục bát của Hải Kỳ ra mắt bạn đọc, với 30 bài thơ lục bát.

Hải Kỳ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1994.

Sau một thời gian lâm bệnh nặng, nhà thơ Hải Kỳ qua đời vào lúc 18 giờ 30 ngày 23 tháng 7 năm 2011 tại nhà riêng ở phường Bắc Lý, thị xã Đồng Hới, hưởng thọ 63 tuổi.

Tác phẩm đã xuất bản:

  • Ngọn gió đi tìm (1987)
  • Tình bạn tình yêu (1987)
  • Đồng vọng (1989)
  • Một lứa bên trời (1992)
  • Lục bát Việt Nam (1994)
  • Thơ chọn (1994)
  • Thơ tình bốn phương (1995)
  • Thơ miền Trung thế kỷ XX (1995)
  • Hai thập kỷ thơ Huế (1995)
  • Thơ tình yêu (1995)
  • Thơ tặng mẹ (1995)
  • Giấc mơ (2009)

    • Người phu mộ


      […]

      Người phu mộ già nua hiện thân trường cửu
      Tóc bạc phơ đổ bóng huyệt ban chiều
      Tay run rẩy đào sâu ruột đất
      Chôn lặng thầm bất hạnh tình yêu

      Như ánh sáng chôn vào bóng tối
      Những vì sao vỡ chết tự trời cao
      Trái tim giấu những điều không thể nói
      Vào đất đen người phu mộ mới đào

      […]

    • Đi trên nền phố cũ


      […]

      Những hòn bi mài vẹt lề đường
      Buổi chợ đông mẹ về nẻo ấy
      Ùa ra những tiếng cười trong veo
      Vệt lề đường sót lại dẫn ta theo
      Nhận ra nền nhà quen thuộc
      Mảnh sân với khoảng trời lô nhô mái ngói
      Nhận ra không gian xô bồ hình khối
      Nhận ra trên chất chồng hố bom
      Con đường ta đi qua tháng năm chật lèn tiếng nổ
      Góc tường vỡ tung
      Phố đổ
      Vẫn còn nguyên hồi ức không quên
      Vẫn còn nguyên
      Trời rất xanh và đất rất thiêng
      Và con người
      Còn nguyên
      Hai bàn tay bụi khói

      […]

    • Mẹ tôi


      […]

      Cuộc đời trăm mối tơ vây
      Tuổi xuân mẹ đã lấp đầy mùa đông
      Nhiều khi tôi thấy rỗng không
      Cầm tay với những mơ mòng vẩn vơ
      Có em viết tặng bài thơ
      Lại như thấy mẹ đứng chờ xa xôi…
      Bây giờ tôi đã là tôi
      Mẹ thành nấm đất cuối đồi sim mua.

    • Bài thơ cỏ biếc


      […]

      Cỏ như chiếc áo bền dai
      Phủ lên xanh rộng, xanh dài, xanh êm
      Mỏng manh những lá cỏ mềm
      Xuyên thời gian sợi cỏ bền thiết tha
      Tháng năm cỏ ấy không nhòa
      Cỏ xanh như cỏ chẳng pha sắc màu

      […]

    • Tương phản


      Trắng và Đen, đừng xếp lẫn vào nhau
      Đặt cạnh nhau chúng dễ dàng nổi bật
      Sáng và Tối sẽ nhập nhằng phân biệt
      Lúc hoàng hôn sắp lặn ánh trời.

      Chẳng dễ ai quên được mặt người
      Giữa ranh giới vô hình Sống – Chết
      Can đảm và Nhát hèn phút cuối cùng rõ hết
      Khi bàn chân chạm đất chiến trường.

      […]