Thica.net

Mạng thi ca Việt Nam

Trang thơ Hàn Mặc Tử

Hàn Mặc Tử

Hàn Mặc Tử sinh ngày 22 tháng 9 năm 1912, được xem là người khởi đầu dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam, là người khởi xướng ra trường thơ loạn, trường thơ điên. Ông tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ở làng Lệ Mỹ, Đồng Hới, Quảng Bình. Hàn Mạc Tử, Lệ Thanh, Phong Trần là các bút danh khác của ông. Ông có tài năng làm thơ từ rất sớm. Ông cũng đã từng gặp gỡ Phan Bội Châu và chịu ảnh hưởng khá lớn của chí sĩ này. Ông được Phan Bội Châu giới thiệu bài thơ Thức khuya của mình lên một tờ báo. Sau này, ông được một suất học bổng đi Pháp nhưng vì quá thân với Phan Bội Châu nên đành đình lại, rồi quyết định lên Sài Gòn lập nghiệp. Năm đó ông 21 tuổi.

Lên Sài Gòn, ông làm phóng viên phụ trách trang thơ cho tờ báo Công luận. Khi ấy, Mộng Cầm ở Phan Thiết cũng làm thơ và hay gửi lên báo. Hai người bắt đầu trao đổi thư từ với nhau, và ông quyết định ra Phan Thiết gặp Mộng Cầm. Một tình yêu lãng mạn, nên thơ nảy nở giữa hai người.

Ít lâu sau, ông mắc bệnh phong – một căn bệnh nan y thời đó. Ông bỏ tất cả quay về Quy Nhơn và mất ngày 11 tháng 11 năm 1940 khi mới 28 tuổi.

Cuộc đời của ông được biết đến với nhiều mối tình, với nhiều người phụ nữ khác nhau, đã để lại nhiều dấu ấn trong văn thơ của ông – có những người ông đã gặp, có những người ông chỉ giao tiếp qua thư từ, và có người ông chỉ biết tên như Hoàng Cúc, Mai Đình, Mộng Cầm, Thương Thương, Ngọc Sương, Thanh Huy, Mỹ Thiện.

Tên của ông được đặt cho đường phố ở Huế và Phan Thiết. Có ít nhất hai bài hát được sáng tác để nói về cuộc đời ông: Hàn Mặc Tử của Trần Thiện Thanh và Trường ca Hàn Mặc Tử của Phạm Duy.

Các sáng tác của Hàn Mặc Tử:

  • Lệ Thanh thi tập (gồm toàn bộ các bài thơ Đường luật)
  • Gái quê (1936, tập thơ duy nhất được xuất bản lúc tác giả chưa qua đời)
  • Thơ điên (hay Đau thương, thơ gồm ba tập: Hương thơm, Mật đắng, Máu cuồng và hồn điên, 1938)
  • Xuân như ý
  • Thượng thanh khí
  • Cẩm châu duyên
  • Duyên kỳ ngộ (kịch thơ, 1939)
  • Quần tiên hội (kịch thơ, viết dở dang, 1940)
  • Chơi giữa mùa trăng (tập thơ-văn xuôi)
  • Ngoài ra còn có một số bài phóng sự, tạp văn, văn tế.


    • Tình thu


      […]

      Đêm nay ta lại phát điên cuồng
      Quên cả hổ ngươi cả thẹn thuồng
      Đứng rũ trước thềm nghe ngóng mãi
      Tiếng đàn the thé ở bên song…

      Và được tin ai sắp bỏ đi
      Chẳng thèm trở lại với Tình Si
      Ta lau nước mắt, mắt không ráo
      Ta lẫy tình nương, rủa biệt ly!

    • Cô liêu


      Gió lùa ánh sáng vô trong bãi
      Trăng ngập đầy sông, chảy láng lai
      Buồm trắng phất phơ như cuống lá
      Lòng tôi bát ngát rộng bằng hai

      Tôi ngồi dưới bến đợi nường Mơ
      Tiếng rú ban đêm rạn bóng mờ
      Tiếng rú hồn tôi xô vỡ sóng
      Rung tầng không khí, bạt vi lô

      […]

    • Thắm thiết


      […]

      Tình rất nặng và nghĩa đầy lượng bể,
      Tôi ôm nàng, muốn cắn chết nàng đi!
      Bao não nùng sầu hận trong mê ly
      Anh thấy rõ rằng anh đang trơ trọi.
      Em xa quá, biết làm sao nhắn với?
      Anh đưa lòng cho tới huyệt lòng em!
      Mai! Ôi Mai, là em vẫn còn nguyên,
      Hay đã chết như tình anh đã chết?

    • Hồn lìa khỏi xác


      Há miệng cho hồn văng lên muôn trượng,
      Chơi vơi trong khi hậu từng mây
      Ánh sáng lại sẽ tan vào hư lãng,
      Trời linh thiêng, cao cả gợi nồng say…

      Vì không giới, nơi trầm hương vắng lặng,
      Nên hồn bay vùn vụt tới trăng sao,
      Sóng gió nổi rùng rùng như địa chấn,
      Và muôn vàn thần phách ngả lao đao.

      […]

    • Ave Maria


      Như song Lộc triều nguyên ơn phước cả
      Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng
      Thơm tho bay cho đến cõi Thiên Đàng
      Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể
      Và Tổng lãnh Thiên thần quỳ lạy Mẹ
      Tung hô câu đường hạ ngớp châu sa
      Hương xông lên lời ca ngợi sum hoà
      Trí miêu duệ của muôn vì rất thánh.

      […]