Thica.net

Mạng thi ca Việt Nam

Trang thơ Huy Cận

Huy Cận

Huy Cận (tên khai sinh là Cù Huy Cận; 31 tháng 5 năm 1919 – 19 tháng 2 năm 2005), là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của phong trào Thơ Mới. Ông là bạn tâm giao của Xuân Diệu, một nhà thơ nổi tiếng khác của Việt Nam.

Ông sinh ngày 31 tháng 5 năm 1919 tại làng Ân Phú, huyện Hương Sơn (nay là xã Ân Phú, huyện Vũ Quang), tỉnh Hà Tĩnh. Huy Cận lúc nhỏ học ở quê, sau vào Huế học trung học, rồi ra Hà Nội học trường Cao đẳng Canh nông. Trong thời gian học Cao đẳng, ông ở phố Hàng Than cùng với Xuân Diệu. Từ năm 1942, ông tham gia phong trào sinh viên yêu nước và Mặt trận Việt Minh, Huy Cận đã tham dự Quốc dân đại hội ở Tân Trào (tháng 8 năm 1945) và được bầu vào Ủy ban giải phóng (tức Chính phủ Cách mạng lâm thời sau đó). Huy Cận cũng từng cộng tác với nhóm Tự Lực Văn Đoàn.

Sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám, ông là Bộ trưởng Bộ Canh nông trong Chính phủ liên hiệp lâm thời.

Sau này ông làm thứ trưởng Bộ Văn hóa, rồi Bộ trưởng đặc trách Văn hóa Thông tin trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng trong chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phụ trách các công tác văn hóa và văn nghệ. Từ 1984, ông là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam.

Huy Cận đã được Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I – năm 1996).

Tháng 6 năm 2001, Huy Cận được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Thơ Thế giới.

Huy Cận mất ngày 19 tháng 2 năm 2005 tại Hà Nội.

Các tác phẩm thơ:

  • Lửa Thiêng (1940)
  • Vũ trụ ca (1940-1942)
  • Trời mỗi ngày lại sáng (1958)
  • Đất nở hoa (1960)
  • Bài thơ cuộc đời (1963)
  • Hai bàn tay em (thơ thiếu nhi, 1967)
  • Những năm sáu mươi (1968)
  • Chiến trường gần đến chiến trường xa (1973)
  • Họp mặt thiếu niên anh hùng (1973)
  • Những người mẹ, những người vợ (1974)
  • Ngày hằng sống ngày hằng thơ (1975)
  • Ngôi nhà giữa nắng (1978)
  • Hạt lại gieo (1984)

    • Giấc ngủ chiều


      […]

      Than ôi, trời đẹp nhưng trời buồn,
      Như cảnh tươi màu rạp cải lương
      Tôi đội tang đen cùng mũ trắng,
      Ra đi không hẹn ở trên đường.

      Rưng rưng hoa phượng màu thương nhớ,
      Son đậm bên thành một sắc xưa
      Cánh rực đòi cơn rơi lối đỏ,
      Bên chân ghi đọng dấu bao giờ.

      […]

    • Áo trắng


      Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong,
      Hôm xưa em đến, mắt như lòng.
      Nở bừng ánh sáng. Em đi đến,
      Gót ngọc dồn hương, bước tỏa hồng.

      Em đẹp bàn tay ngón ngón thon,
      Em duyên đôi má nắng hoe tròn.
      Em lùa gió biếc vào trong tóc
      Thổi lại phòng anh cả núi non.

      […]

    • Đoàn thuyền đánh cá


      […]

      Cá nhụ cá chim cùng cá đé,
      Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,
      Cái đuôi em quẫy trǎng vàng choé,
      Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.

      Ta hát bài ca gọi cá vào,
      Gõ thuyền đã có nhịp trǎng cao,
      Biển cho ta cá như lòng mẹ,
      Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.

      […]

    • Nhạc sầu


      […]

      Ai chết đó! Nhạc buồn chi lắm thế
      Chiều mồ côi đời rét mướt ngoài đường
      Phố đìu hiu màu đá cũ lên sương
      Sương hay chính bụi phai tàn lả tả?

      Từng tiếng lệ ấy mộng sầu úa lá
      Chim vui đâu? Cây đã gãy vài cành
      Ôi chiều buồn! Sao nắng quá mong manh
      Môi tái nhạt nào cười mà héo vậy?

      […]

    • Đi giữa đường thơm


      […]

      Một buổi trưa không biết ở thời nào
      Như buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao
      Có cu gáy, có bướm vàng nữa chứ
      Mà đôi lứa đứng bên vườn tình tự
      Buổi trưa này xưa kia ta đã đi
      Phải cùng chăng? Lòng nhớ rõ làm chi!
      Chân bên chân, hồn bên hồn, yên lặng.
      Người cùng tôi đi giữa đường rải nắng
      Trí vô tư cho da thở hương tình.
      Người khẽ nắm tay, tôi khẽ nghiêng mình

      […]