Thica.net

Mạng thi ca Việt Nam

Trang thơ Lê Bá Dương

Le Ba Duong

Nhà thơ, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bá Dương sinh ngày 10 tháng 4 năm 1953 tại Nghệ An.

Tháng 4 năm 1968, khi mới 15 tuổi ông khai tăng tuổi để được nhập ngũ. Sau 2 tuần huấn luyện và 1 tháng hành quân, Lê Bá Dương vào chiến đấu ở Quảng Trị. Trong trận chiến đầu tiên tại thôn Đông Trì thuộc mặt trận Đông Hà, mới 15 tuổi 49 ngày Lê Bá Dương đã trở thành dũng sĩ cấp II nhờ diệt hơn chục lính Mỹ.

Từ 1968 đến 1973, qua nhiều trận đánh vào sinh ra tử trên khắp chiến trường Quảng Trị, Lê Bá Dương đã được phong tặng danh hiệu “dũng sĩ diệt cơ giới”, “dũng sĩ diệt máy bay”. Trên mặt trận B5 (đường 9, Quảng Trị) đương thời từng dấy lên phong trào “Xung kích như Lê Bá Dương, chốt chặt như Lê Bá Dương”. Các tờ báo Nhân dân, báo Quân đội Nhân dân, báo Tiền phong đã có nhiều bài viết và in ảnh Lê Bá Dương.

Là tác giả bài thơ bốn câu nổi tiếng mang tên Lời gọi bên sông (còn được biết đến với tên gọi Đò xuôi Thạch Hãn), Lê Bá Dương cũng là người đã khởi xướng nên phong trào kết bè thả hoa thường niên trên dòng sông Thạch Hãn vào ngày 27 tháng 7 để tưởng niệm vong linh đồng đội, những người đã ngã xuống mảnh đất Quảng Trị trong cuộc chiến khốc liệt của mùa hè đỏ lửa.

Năm 2005, sau chuyến đi Trường Sa ròng rã một tháng trời, Lê Bá Dương đã tổ chức thành công cuộc triển lãm ảnh mang tên Khoảnh khắc Trường Sa trưng bày 40 trong tổng số gần 500 bức ảnh chụp về Trường Sa của ông.

Tháng 8 năm 2009 nhân kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Đặc khu Vĩnh Linh (25 tháng 8 năm 1954 – 25 tháng 8 năm 2009), Lê Bá Dương cho ra mắt cuốn sách Thép từ ngàn độ lửa, tập hợp những bài viết theo lối thuật chuyện của nhiều tác giả không chuyên với tư cách là những người trong cuộc về cuộc “vạn lý trường chinh” của người dân giới tuyến Vĩnh Linh 40 năm về trước.

Hiện nay, mang trên mình 14 vết thương và một ngón tay để lại chiến trường, Lê Bá Dương vẫn tiếp tục chụp ảnh và cầm bút với tư cách phóng viên thường trú báo Văn Hóa tại chi nhánh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (Nha Trang), hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và hội viên Liên đoàn Nhiếp ảnh quốc tế (FIAP). Ngoài tên thật Lê Bá Dương ông còn dùng các bút danh Tư Lê, Lý Quảng Trịnh, Triệu Gio Cam.