Lê Giang tên thật Trần Thị Kim, còn có bút danh khác là Vũ Kim Sa. Bà sinh ngày 08-2-1930 tại Cà Mau, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn TPHCM và Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Chồng bà là nhạc sĩ Lư Nhất Vũ.
Bà lớn lên trong ngành y tế Cách mạng (1945-1968), là học trò của các bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, Nguyễn Văn Thủ, Hồ Công Nghĩa. Từ năm 1968 Lê Giang chuyển từ ngành y sang văn học nghệ thuật vì “cảm thấy cuộc đời mà tôi đang sống luôn luôn thôi thúc tôi phải tập viết, tập ghi chép như mỗi ngày phải ăn cơm, phải uống nước”.
Lê Giang tự thuật: “Ði với văn chương, thật là một cuộc phiêu lưu đầy thử thách, cay đắng bội phần. Nhiều lúc tiến thoái lưỡng nan, muốn trở lại ngành y, nhưng tôi luôn nghĩ trường đời cho tôi bước vào văn học là thiên nhiên và con người trong chiến tranh và tôi tiếp xúc hằng ngày: ngành y tế cũng là lục phủ ngũ tạng của văn chương. Vì vậy, chẳng có ai bàn ra tán vào làm tôi xiêu lòng, vì ở ngành nào thì ý nguyện của tôi là viết ra những suy nghĩ, những tình cảm luôn rạt rào từ yêu thương, ghét giận.
Tôi đã sống với những người anh em, sống trong không khí văn học nghệ thuật đã 31 năm. Trong đó, hết bảy năm đánh Mỹ và 24 năm xây dựng hòa bình. Nếu có phải tiếc thì tôi chỉ tiếc những ý định thật bức xúc hơn bao giờ hết phải dành phần thắng từng ngày từng giờ với tuổi tác ngày càng cao, mặc dù chẳng mấy khi tôi ốm đau, nhưng sự sống đều có quy luật của nó, không thể cưỡng lại được.
Tôi được sinh ra trên mảnh đất tận cùng vào năm 1930. Cái năm bắt đầu đất nước ta như một đứa bé đã qua thời kỳ lật, trườn, bò mà đang tập đi với sự hoan hô khích lệ của ông bà, cha mẹ, anh em. Tôi đã chứng kiến cuộc xử tử những người chiến sĩ cộng sản tại quê tôi, chứng kiến xe hơi của kẻ thù kéo lê những người vùng lên đấu tranh trên lộ đá, máu thẫm ướt mặt đường…
Ði với văn chương, tôi mang theo hình ảnh của làng quê nơi chôn nhau cắt rún càng ngày càng là một bức tranh được tô thắm tình yêu thương nồng nàn.
Không ai dạy làm thơ, tôi cũng tự tập xuống dòng, không ai dạy viết văn thì tôi tập ghi nhật ký. Cái chính là những gì xảy ra sau trận B52, những tiếng chim hót, những mầm xanh nhú lên sau cơn hủy diệt… Tôi không tự ti, không sợ ai chê thơ văn tôi dở. Tôi đọc nhiều nhưng cố gắng không thuộc lòng, vì sợ bị ảnh hưởng giọng của người khác. Tôi học cách nói, học chữ nghĩa của những người lao động ở miền quê tôi, vì tôi cho đó là gốc gác, sát sự thật, vô cùng phong phú và qua ngôn ngữ đó, có thể hiểu được bản chất và cá tính của con người ở các vùng đất.”
Tác phẩm chính:
Phím đàn xanh; Bông vạn thọ (Văn nghệ Giải phóng, 1973); Sắc trắng (Văn học Giải phóng, 1977); Ơi, anh chàng hát rong (Tác phẩm mới – Hội Nhà văn Việt Nam, 1985); Tìm ngọc ở quê mình (tạp văn, Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 1987).
Các tập Dân ca (chung với nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, Nguyễn Văn Hoa, Lê Anh Trung).
Dân ca Bến Tre (Ty Văn hóa – Thông tin Bến Tre xuất bản, 1981); Tìm hiểu Dân ca Nam Bộ (Chuyên khảo, NXB. Thành phố Hồ Chí Minh, 1983); Dân ca Kiên Giang (Sở Văn hóa thông tin tỉnh Kiên Giang xuất bản, 1985).
Và một số tập sưu tập dân ca khác.
Giải thưởng:
Giải thưởng Văn học – nghệ thuật của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh – 2003 cho tập sưu khảo, nghiên cứu điền dã Lang thang gió cát.