Thica.net

Mạng thi ca Việt Nam

Trang thơ Ngân Giang

Ngan Giang

Nhà thơ Ngân Giang tên thật là Đỗ Thị Quế, còn có các bút danh khác là Hạnh Liên, Đỗ Quế Anh, Nguyệt Quyên. Bà sinh ngày 20 tháng 3 năm 1916 tại phố Hàng Trống, Hà Nội. Quê gốc của bà ở thôn Hướng Dương, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Thủ đô Hà Nội).

Ngân Giang sinh ra trong dòng họ chuyên nghề thêu ren và bốc thuốc bắc, nhưng có truyền thống văn học. Ông ngoại của bà là hậu duệ của chúa Trịnh Sâm, ông nội là một nho sĩ nổi tiếng ở đất Bắc Hà, bạn thân của thi hào Nguyễn Du, còn cha bà, nhờ được ông nội dạy cho chữ Hán, đàn nguyệt nên cũng nổi danh không kém.

Lên 6 tuổi, Ngân Giang đã được cha dạy cho chữ Hán, học chữ quốc ngữ của một người thầy hàng xóm và được người bác gái làm nghề thuốc yêu thích thơ Đường dạy cho cách làm thơ phú. Lên 8 tuổi, bà đã có bài thơ đầu tiên tên Vịnh Kiều đăng trên báo Đông Pháp, với bút danh Nguyệt Quyên.

Năm 9 tuổi, đọc kinh Phật, tự cảm thấy mình mắc nhiều tội lỗi quá, nên bà định quyên sinh. Rất may, người nhà đã kịp thời phát hiện và cứu chữa.

Năm 1932 khi mới 16 tuổi, bà in tập thơ đầu tiên Giọt lệ xuân, ký bút danh Hạnh Liên, do nhà xuất bản Tân Dân ấn hành.

Gia đình sắp xếp cho Ngân Giang kết hôn sớm. Đến năm 1935, bà tham gia cách mạng, làm giao liên cho Đoàn Thanh niên Cộng sản. Vì viết thơ kêu gọi thanh niên cứu nước dán ở đền Ngọc Sơn, gia đình Ngân Giang bị mật thám Pháp tới nhà khám xét. Bị mẹ chồng chì chiết vì lo cho sự an toàn của gia đình, bà gieo mình xuống hồ Tây tự tử trong lúc bụng còn đang mang thai, nhưng được cứu sống.

Năm 1936, bà viết cho tờ Ngọ báo, Bắc Hà và học đàn tại Hàn lâm âm nhạc do Hội Khai Trí Tiến Đức chủ trì.

Năm 1937, bà có thơ in chung trong cuốn Duyên văn.

Năm 1938, bà rời Hà Nội vào Sài Gòn, viết cho Điện Tín nhật báo, báo Mai. Sau đó, bà trở ra Hà Nội viết cho Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san, Đàn bà…

Năm 1939, thi phẩm Trưng nữ vương ra mắt, gây tiếng vang trên thi đàn. Đầu năm 1944, bà tham gia mặt trận Việt Minh. Và cũng trong năm này, bà cho in tập thơ Tiếng vọng sông Ngân.

Năm 1945, bà bị hiến binh Nhật bắt ở nhà Dầu (Khâm Thiên), bị giam cầm khoảng một tháng. Khi được tha, bà tham gia cướp chính quyền rồi được cử làm Trưởng đoàn phụ nữ Cứu quốc Thành phố Hà Nội, sau phụ trách Phòng Tuyên truyền đường lối chính sách của Mặt trận Việt Minh.

Năm 1946, Ngân Giang phụ trách Ban Lễ tân Bộ Nội vụ, cho in cuốn Những ngày trong hiến binh Nhật, nhưng sách vừa in xong chưa kịp phát hành thì toàn quốc kháng chiến bùng nổ. Ngay sau đó, bà ra chiến khu công tác tại Sở tuyên truyền liên khu I.

Năm 1949, do hoàn cảnh gia đình, bà quay về Hà Nội, vẫn làm thơ đăng trên các báo Hồ Gươm, Quê hương, Tia sáng, Giang sơn, ký bút danh Nàng Không Tên.

Năm 1954 hòa bình lập lại, Ngân Giang làm việc ở Sở Văn hóa Hà Nội.

Năm 1957, bà được kết nạp chính thức vào Hội Nhà Văn Việt Nam khi Hội mới thành lập. Thời gian từ 1958 đến 1961 bà làm việc tại Hội Nhà Văn Việt Nam.

Từ năm 1961, được sự đồng ý của Hội Nhà Văn, bà về quê sinh sống và hoạt động văn nghệ quần chúng. Tại đây bà khước từ quan hệ với một người đàn ông nên bị ông ta thù ghét, thường xuyên viết thư nặc danh vu cáo. Bị bức bách về tinh thần, buồn chán, Ngân Giang quay trở lại Hà Nội.

Về Hà Nội bà kiếm sống và nuôi các con bằng cách ra bãi sông Hồng quét lá khô để bán, tối về rửa bát thuê. Sau đó bà được nhận vào Hợp tác xã thêu ren, chẳng được bao lâu thì bị đuổi việc do đấu tranh chống tiêu cực. Khi không còn đủ sức để ra bờ sông quét lá nữa, bà ra đầu đường mở quán bán hàng nước.

Ngân Giang mất ngày 17 tháng 8 năm 2002 và được an táng tại quê quán gốc của bà là làng Hướng Dương, huyện Thường Tín.

Tác phẩm chính:

  • Giọt lệ xuân (nhật ký và thơ dưới bút danh Hạnh Liên, Nhà xuất bản Tân Dân, 1932)
  • Tiếng vọng sông Ngân (Nhà xuất bản Lê Cường, 1944)
  • Những ngày trong hiến binh Nhật (Nhà xuất bản Đức Trí, 1946)
  • Những người sống mãi (Nhà xuất bản Sự Thật, 1973)
  • Ba tập Thơ Ngân Giang (Nhà xuất bản Phụ Nữ, 1989 – Nhà xuất bản Trẻ 1991 – Nhà xuất bản Phụ Nữ 1994)

    • Thôn lạ đêm trăng


      […]

      Bến vắng trông vời thêm nỗi vắng
      Thuyền ai vội vội trở về đâu?
      Sông xa bọt nước bao nên nổi
      Tàu ngược còi đêm, rợn nhịp cầu.

      Tôi biết giờ này muôn tiếng khóc
      Trong muôn lặng lẽ của người đi,
      Trong muôn thao thức, muôn tan hợp
      Giữa bốn phương mờ bóng lọan ly.

      […]

    • Chiều thu


      Cây bàng đã rụng lá bàng,
      Cổng nhà ai đấy có nàng nhìn xa…
      Giàn hồng gió tạt là là
      Tóc nàng vướng mấy cánh hoa sang mùa
      Bên trời bầy én lưa thưa
      Mây chiều bát ngát… mơ hồ xa xôi…
      Tiều phu gánh củi lên đồi
      Chuông chùa gần đấy gióng hồi thu không
      Quán đường heo hút lạnh lùng
      Có người khép cửa thư phòng ngâm thơ.

    • Xuân tưởng


      […]

      Cỏ biếc sông Yên sóng mấy bờ
      Dâu Tần mơn mởn dệt xanh tơ
      Tuyết sương tỏa lạnh trời quan tái
      Ai trách xuân phong quá ỡm ờ?

      Ngựa hý quân reo giữa lạnh lùng
      Trên yên thảo hịch cuối ngày đông
      Hương xuân đâu ngợp mùi đao kiếm
      Sắc pháo bay trong sắc máu hồng?

      […]

    • Trưng Nữ Vương


      […]

      Lạc tướng quên đâu lời huyết hận
      Non Hồng quét sạch bụi trần ai.
      Cờ tang điểm tướng nghiêm hàng trận,
      Gót ngọc gieo hoa ngát mấy trời…

      Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa
      Giáp vàng, khăn trở lạnh đầu voi,
      Chàng ơi! Điện ngọc bơ vơ quá!
      Trăng chếch. Ngôi trời bóng lẻ soi.