Thica.net

Mạng thi ca Việt Nam

Trang thơ Nguyễn Bắc Sơn

Nguyễn Bắc Sơn

Nguyễn Bắc Sơn tên khai sinh là Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1944 tại Phan Thiết, Bình Thuận.

Năm 15 tuổi, ông đã lên nghĩa địa, cắt cổ tay, nằm chờ chết. Không may cho ông là có người vào thăm nghĩa địa, tìm thấy và cứu ông thoát chết. Sau này ít nhất ông còn có ba lần nhảy lầu tự tử nhưng không chết.

Cha Nguyễn Bắc Sơn là cán bộ miền Nam ra Bắc tập kết năm 1954, mãi đến ngày 30/4/1975 mới trở về đoàn tụ gia đình, mang cấp bậc Đại tá Quân đội nhân dân, Phó Chủ nhiệm Cục Chính trị Quân khu 6, sau một thời gian ngắn đã qua đời vì một tai nạn xe hơi. Năm 1962, Nguyễn Bắc Sơn khi ấy 19 tuổi được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa điều động đi lính, theo một sĩ quan Mỹ làm phiên dịch tại mặt trận Sông Mao ở Bình Thuận.

Trước năm 1975 Nguyễn Bắc Sơn là binh nhì, lính địa phương quân của chính quyền Sài Gòn, thời gian này ông có tập thơ phản chiến in ở Sài Gòn, năm 1972 là Chiến tranh Việt Nam và tôi, gây được tiếng vang trong giới văn nghệ miền Nam. Thơ Nguyễn Bắc Sơn từng được nhiều bạn đọc ưa thích, ngâm nga trong các quán văn nghệ ở Đà Lạt, Vũng Tàu, Sài Gòn, Cần Thơ…

Nguyễn Bắc Sơn là con người đa tài: rất giỏi tiếng Anh, nghiên cứu sâu triết học Đông – Tây, đặc biệt là Kinh dịch và triết học Phật giáo, lại có bàn tay châm cứu tuyệt vời cộng với tấm lòng nhân ái của một lương y thực thụ. Thời điểm cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước, khi đất nước còn bộn bề khó khăn, thiếu thốn, ông đã từng tham gia chẩn trị và hướng dẫn châm cứu cho lớp đàn em ở các cơ sở Đông y Phan Thiết và Hàm Thuận Bắc.

Nguyễn Bắc Sơn cư ngụ tại thành phố Phan Thiết. Bà Xuân Hồng, vợ nhà thơ, từng là một giọng ca hay, thường được phát trên sóng đài phát thanh ở Phan Thiết và Sài Gòn cùng thời với ca sĩ Thanh Thúy lừng danh vào thập niên 60.

Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn qua đời do bệnh tim vào lúc 8h50 sáng ngày 4 tháng 8 năm 2015 tại nhà riêng ở Phan Thiết.

Tác phẩm đã xuất bản:

  • Chiến tranh Việt Nam và tôi (1972)
  • Ở đời như một nhà thơ Đông phương (NXB Trẻ, 1995) – tập thơ do nhà văn Đoàn Thạch Biền và thân hữu góp sức xuất bản.
  • Biển của một thời, tuyển tập thơ nhiều tác giả (1999)

    • Bài ca khổ nhục


      […]

      Ngày trước mày hiền như đất cục
      Giờ mở miệng ra là chửi tục
      Hà hà ra thế con nhà binh
      Ngôn ngữ thơm tho như mùi cứt
      Ngày trước mày định đi tu tiên
      Giờ lính tu bi-đông ừng ực
      Người đời dễ đâu theo ý mình
      Như hạt bụi nhằm con gió trốc
      Bạn mày nằm nhà thất nghiệp dài
      Mẹ già không tính tiền cơm thuốc
      Ngày xưa văn nghệ ta mê làm
      Cách mệnh còn hăng say vượt bực
      Giờ tối nằm mơ chỉ thấy tiền
      Nhân nghĩa gì gì quên tuốt luốt

      […]

    • Viết cho các con tôi


      […]

      Ba không cực lòng khi bị đời khinh rẻ
      Con đường ba đi đã chọn từ lâu
      Nhưng khi nhìn những đám hoa râm trên đầu tóc nội
      Ba đã khóc thầm khi nghĩ đến mai sau

      Rồi mai mốt khi các con đã lớn
      Hãy tìm trong trang nhục sử Việt Nam
      Ðể thấu hiểu vì sao ba khổ cực
      Vì sao nên đất nước lầm than

    • Chuyện hai bố con tôi


      […]

      Bố tôi ước mơ làm cho loài người sung sướng
      Và thế là ông từ tuổi thanh xuân
      Cùng bạn bè đi làm cách mạng
      Ông làm cách mạng chừng nào
      Thì loài người càng thêm sặc máu
      Tôi ước mơ cõi đời tốt đẹp
      Và thế là tôi làm thơ ca tụng loài người
      Tôi càng ca tụng chừng nào
      Thì loài người càng xấu xa chừng nấy

      […]

    • Chúng ta không phải sinh ra để sống như thế này


      […]

      Người hàng xóm ta
      Ðang cởi trần chửi thề khí hậu
      Ðến giờ đi làm
      Hắn trở thành người cảnh sát nghiêm trang
      Sau khi đội mũ và thay đồng phục
      Ðến giờ đi làm
      Bạn ta những thằng đang cởi trần kêu khổ
      Trong những căn nhà hộp
      Bỗng nhiên
      Trở thành quan tòa
      Ðứa trở thành thầy giáo
      Ðứa tài xế
      Ðứa nhà văn
      Ðứa quan ba
      Ðứa khùng khùng
      Thật là quái gở
      Nhưng thật ra chúng ta là ai?

      […]

    • Đàn bà


      Đàn bà dễ sợ quá ta
      Nó kềm nó kẹp đời ta quá chừng
      Nó càng kẹp ta càng mừng
      Chỉ e nó kẹp nửa chừng… nó thả ra