Nguyễn Đình Chiểu (còn gọi là Đồ Chiểu, tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai) là nhà thơ lớn nhất của miền Nam Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ 19.
Ông sinh ngày 13 tháng 5 năm Nhâm Ngọ, tức ngày 1 tháng 7 năm 1822, tại quê mẹ là làng Tân Thới, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (thuộc phường Cầu Kho, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay).
Ông xuất thân trong gia đình nhà nho. Cha ông là Nguyễn Đình Huy, người xã Bồ Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Mẹ ông là bà Trương Thị Thiệt, người làng Tân Thới, tỉnh Gia Định. Thuở nhỏ, Nguyễn Đình Chiểu được mẹ nuôi dạy. Năm lên 6, 7 tuổi, ông theo học với một ông thầy đồ ở làng.
Năm Quý Mão 1843, ông đỗ Tú tài ở trường thi Gia Định lúc 21 tuổi. Khi ấy, có một nhà họ Võ hứa gả con gái cho ông.
Năm 1847, ông ra Huế học để chờ khoa thi năm Kỷ Dậu 1849. Lần này, ông cùng đi với em trai là Nguyễn Đình Tựu. Đến ngày rằm tháng 11 năm Mậu Thân, tức ngày 10 tháng 12 năm 1848, mẹ Nguyễn Đình Chiểu mất ở Gia Định. Được tin, ông bỏ thi, dẫn em theo đường bộ trở về Nam chịu tang mẹ.
Trên đường trở về, vì quá thương khóc mẹ, vì vất vả và thời tiết thất thường, nên đến Quảng Nam thì Nguyễn Đình Chiểu bị ốm nặng và bị mù hai mắt. Trong thời gian nghỉ chữa bệnh ở nhà một thầy thuốc vốn dòng dõi Ngự y, tuy bệnh không hết, nhưng ông cũng đã học được nghề thuốc. Lâm cảnh đui mù, hôn thê bội ước, cửa nhà sa sút… Nguyễn Đình Chiểu đóng cửa chịu tang mẹ cho đến năm 1851, thì mở trường dạy học và làm thuốc ở Bình Vi, Gia Định. Truyện thơ Lục Vân Tiên của ông được cho là sáng tác vào thời gian này.
Năm 1854, Nguyễn Đình Chiểu cưới bà Lê Thị Điền người làng Thanh Ba, huyện Cần Giuộc, Gia Định (nay thuộc tỉnh Long An) làm vợ. Bà Điền là em gái thứ năm của Lê Tăng Quýnh, học trò ông, vì cảm phục và mến thương thầy, đã xin gia đình tác hợp. Ông bà có tất cả sáu người con, trong đó có Sương Nguyệt Anh (con gái thứ năm) và Nguyễn Đình Chiêm (con trai thứ sáu) về sau đều trở thành những tên tuổi trong giới văn chương.
Khi thành Gia Định thất thủ trước quân Pháp vào ngày 17 tháng 2 năm 1859, Nguyễn Đình Chiểu đưa gia đình về sống ở quê vợ Thanh Ba, Cần Giuộc. Đau đớn trước thảm cảnh mà quân Pháp đã gây nên cho đồng bào và thất vọng về sự hèn yếu, bất lực của triều đình, ông làm bài thơ Chạy giặc.
Sau khi sự kiện nghĩa quân nông dân tấn công đồn Pháp ở Cần Giuộc xảy ra vào đêm rằm tháng 11 năm Tân Dậu tức 16 tháng 12 năm 1861, Nguyễn Đình Chiểu làm bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc để đọc tại buổi truy điệu mười lăm nghĩa sĩ hi sinh trong trận đánh này.
Năm 1862 triều đình kí Hòa ước Nhâm Tuất, ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ mất về tay Pháp, Nguyễn Đình Chiểu cùng gia đình rời Thanh Ba về Ba Tri, Bến Tre. Tại đây ông tiếp tục dạy học, làm thuốc và đem ngòi bút yêu nước của mình ra phục vụ cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào Nam Kỳ trong suốt hơn 20 năm.
Năm 1863, em trai út ông là Nguyễn Đình Huân theo Đốc binh Là chống Pháp, hy sinh ở Cần Giuộc.
Tháng 8 năm 1864, thủ lĩnh cuộc kháng chiến chống Pháp ở Gò Công là Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định bị thương rồi tuẫn tiết ở Ao Dinh, Nguyễn Đình Chiểu đã làm bài văn tế và mười hai bài thơ liên hoàn để điếu ông.
Ngày 4 tháng 8 năm 1867, Kinh lược sứ Phan Thanh Giản tuẫn tiết vì không giữ được thành Vĩnh Long, Nguyễn Đình Chiểu cũng làm hai bài thơ điếu ông.
Năm 1868, thủ lĩnh kháng Pháp ở Ba Tri là Phan Tòng (còn có tên là Phan Ngọc Tòng) hy sinh, ông làm 10 bài thơ điếu.
Năm 1877, Nguyễn Đình Chiểu dời đến ở làng An Bình Đông (sau đổi là An Đức) cách chợ Ba Tri khoảng hai cây số.
Năm 1883, Tỉnh trưởng Bến Tre là Michel Ponchon đã đến nhà để yêu cầu ông nhuận chính quyển thơ Lục Vân Tiên, đồng thời ngỏ ý trao trả lại ruộng vườn của ông mà họ đã chiếm đoạt. Ông khảng khái nói: “Đất vua không ai trả thì đất riêng của tôi có sá gì”, rồi khước từ mọi hứa hẹn giúp đỡ của chính quyền thực dân. Lại hỏi ý muốn riêng của ông, ông đáp “muốn tế vong hồn nghĩa sĩ Lục tỉnh”, và được viên Tỉnh trưởng chấp thuận. Sau đó, ông tổ chức lễ tế tại chợ Ba Tri, và đọc bài Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh.
Năm 1886, bà Lê Thị Điền mất lúc 51 tuổi. Buồn rầu vì vợ mất, vì cảnh nước mất nhà tan và bệnh tật ngày càng trầm trọng, hai năm sau, ngày 24 tháng 5 năm Mậu Tý tức ngày 3 tháng 7 năm 1888, Nguyễn Đình Chiểu cũng qua đời tại Ba Tri, thọ 66 tuổi. Ngày đưa tiễn nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu về cõi vĩnh hằng, cánh đồng An Đức rợp trắng khăn tang của những người mến mộ ông. Nhà thơ được an táng cạnh mộ vợ, nay thuộc ấp 3, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Tác phẩm chính:
Lục Vân Tiên (truyện thơ Nôm, bắt đầu soạn khoảng 1851), gồm 2082 câu thơ lục bát. Đây là tác phẩm đã làm nên tên tuổi Nguyễn Đình Chiểu, và là một tác phẩm lớn của văn học Việt Nam, được nhân dân, đặc biệt là nhân dân Nam Bộ yêu chuộng.
Dương Từ – Hà Mậu (truyện thơ Nôm, bắt đầu soạn khoảng 1854)
Ngư Tiều vấn đáp nho y diễn ca tức Ngư tiều y thuật vấn đáp (sách thơ dạy nghề làm thuốc, 1867?)
Chạy giặc (1859)
Từ biệt cố nhân (1859)
Tế Cần Giuộc sĩ dân trận vong văn tức Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (1861)
Mười hai bài thơ và bài văn tế Tướng quân Trương Định (1864)
Thơ điếu Đông các Đại học sĩ Phan Thanh Giản (2 bài, 1867)
Mười bài thơ điếu Ba Tri Đốc binh Phan Tòng (1868)
Lục tỉnh sĩ dân trận vong văn tức Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh
Hịch kêu gọi nghĩa binh đánh Tây
Thảo thử hịch tức Hịch đánh chuột
Ngóng gió đông
Thà đui