Thica.net

Mạng thi ca Việt Nam

Trang thơ Nguyễn Tất Nhiên

Nguyễn Tất Nhiên

Nguyễn Tất Nhiên sinh ngày 30 tháng 5 năm 1952 tại xã Bình Trước, quận Đức Tu, tỉnh Biên Hòa và mất ngày 3 tháng 8 năm 1992 tại California.

Ông học trường trung học Ngô Quyền từ năm 1963 cho tới năm 1970. Lúc mới vừa lên trung học đệ nhất cấp, Nguyễn Tất Nhiên đã làm thơ. Theo lời những người bạn cùng trường lúc đó, thơ của Nguyễn Tất Nhiên đã rất hay từ nhỏ. Lúc đó Nguyễn Tất Nhiên thành lập thi văn đoàn với bạn học là Đinh Thiên Phương, tên thật là Đinh Thiên Thọ. Cả hai thi sĩ học trò này cùng chung nhau xuất bản tập thơ Nàng thơ trong mắt năm 1966, khi đó Nguyễn Tất Nhiên được 14 tuổi. Trong tập thơ này Nguyễn Tất Nhiên lấy bút hiệu là Hoài Thi Yên Thi.

Thời gian này, Nguyễn Tất Nhiên đã gặp một cô gái người miền Bắc tên là Duyên và có với cô này một tình cảm nhẹ nhàng nhưng không thành công vì hoàn cảnh gia đình và cả tính nghệ sĩ của Tất Nhiên. Dù vậy, cô gái tên Duyên này cũng đã là cảm hứng cho Tất Nhiên sáng tác khá nhiều bài thơ Khúc tình buồn, hay các bài Cô Bắc Kỳ nho nhỏ, Linh mục, Em hiền như ma sơ.

Tâm hồn nghệ sĩ của Nguyễn Tất Nhiên đã bộc lộ từ lúc ông còn rất trẻ. Đầu óc của ông được miêu tả lúc nào cũng như mơ mộng suy nghĩ đâu đâu, không tập trung ngay cả khi đang học. Bạn bè thời gian này gọi đùa ông là Hải Ngáo hay Hải Khùng.

Sự nghiệp của Nguyễn Tất Nhiên thời gian đầu không mấy thành công: thơ ông in ronéo tặng không cho các nữ sinh đều bị quăng vào thùng rác. Những tập thơ gửi bán trong các tiệm sách đầu chợ Biên Hòa để đến giấy đổi màu vàng vẫn không bán được. Cho đến khi thơ ông được một số thầy giáo gửi đăng báo Sáng tạo của Mai Thảo, rồi Phạm Duy, Nguyễn Đức Quang thấy đó mà phổ nhạc thì mới bắt đầu nổi tiếng.

Vào khoảng năm 1972 hoặc 1973, Nguyễn Tất Nhiên nhận được giấy gọi nhập ngũ vào trường Võ khoa Thủ Đức. Tuy nhiên mới vào Trung Tâm 3 Quang Trung, ông đã được cho thôi về vì lý do tâm thần bất ổn. Sau năm 1975, Nguyễn Tất Nhiên sống ở trong nước cho tới 1981. Trong thời gian này ông học đàn và sáng tác ca khúc với nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa trong bốn nămn. Năm 1980, ông sang định cư tại Pháp, rồi cuối cùng sang Mỹ sống ở Quận Cam. Năm 1987, ông gia nhập Hội nhà văn Việt Nam lưu vong.

Sau ông lấy vợ có tên là Minh Thủy, có 2 đứa con trai. Đây là người sau khi ông mất đã tranh chấp với gia đình ông bản quyền tập thơ Minh khúc.

Ngày 3 tháng 8 năm 1992, người ta thấy ông nằm chết trong một xe hơi cũ, đậu dưới bóng cây trong sân chùa tại California.

Thơ của Nguyễn Tất Nhiên nổi tiếng với những tác phẩm viết về cảm tình tuổi trẻ, bằng cách đào sâu vào cảm xúc, tư tưởng của con người. Ngoài sáng tác thơ, ông còn viết một số bài nhạc, nổi tiếng trong số đó là bài Chiều trên đường Hồng Thập Tự và lời ca cho bài Trúc đào (nhạc của Anh Bằng).

Tác phẩm đã in:

  • Nàng thơ trong mắt (thơ, Biên Hòa, 1966, cùng với Đinh Thiên Phương)
  • Dấu mưa qua đất (thơ, Biên Hòa, 1968, cùng với bút đoàn Tiếng Tâm Tình)
  • Thiên Tai (Thơ, 1970)
  • Thơ Nguyễn Tất Nhiên (thơ góp nhặt từ 1969-1980, nhà xuất bản Nam Á – Paris in lần đầu tiên năm 1980)
  • Những năm tình lận đận (tập nhạc 1977-1984, nhà xuất bản Tiếng Hoài Nam, Hoa Kỳ 1984)
  • Chuông mơ (Thơ từ năm 1972-1987, nhà xuất bản Văn Nghệ – California, 1987)
  • Tâm Dung (thơ, Người Việt 1989)
  • Tính tình con gái 3 miền (Thơ)

    • Tình một hai năm


      […]

      4.
      Tình sớm rụi bởi rơm tình sớm cháy
      Tôi làm sao can đảm ngắm tro tàn?
      Nên cuộc đời, cứ thế, run run
      (Gió thì lạnh – tay chẳng màng đánh lửa!)

      5.
      Tôi vẫn đợi, đợi người thêm chút nữa
      Tự an ủi mình khi cắn nỗi sầu đau
      Tình một hai năm… chưa bạc mái đầu
      Chưa tuyệt vọng (bởi vì chưa hy vọng)

      […]

    • Vài đoạn viết ở Đinh Tiên Hoàng


      […]

      em còn nhỏ, làm sao mà biết được
      áo cơm hành bủn rủn thiên tài
      học thói người xưa ta cạo đầu bán tóc
      chưa đủ tặng em nửa chiếc áo dài!

      em còn nhỏ, làm sao mà biết được
      ta với đời, thực sự, chẳng nương nhau
      ta với đời, tất nhiên, thua cuộc
      vì áo cơm là những ngọn lao!

      […]

    • Mẹ áo dài


      […]

      mẹ áo dài từ Bắc vô Nam
      con khôn lớn theo khúc ngâm Chinh Phụ
      theo Bình Định roi quyền bình bắc sử
      cho thơ vua Lê đẹp miếu vợ chàng Trương…

      mẹ áo dài từ Bắc vô Nam
      khi lông ngỗng nghĩa tình đường Trọng Thủy
      lúc tiết liệt Bùi thị Xuân ngựa xé
      cho tháp Chàm còn óng ả lệ Huyền Trân…

      […]

    • Còn ai


      […]

      Sài gòn bây giờ còn ai đan thanh
      môi thơm cam pha nước mía Bến Thành
      còn ai tao nhân cà phê Pagode
      còn ai hôn ai cho dịu nắng không gian?

      Sài gòn bây giờ còn ai chân vui
      còn ai Văn Khoa yêu nhạc Phạm Duy
      còn ai Trưng Vương yêu thơ Tuổi Ngọc
      còn ai hôn ai cho tình đừng phai?

      Sài gòn bây giờ còn ai mơ tương lai
      còn ai trung tâm văn hóa phương tây
      còn ai tinh sương thiền đường Vạn Hạnh
      còn ai hôn ai cho từ bi muôn loài?

      […]

    • Thiên thu


      Sao thiên thu không là xa nhau?
      Nên mưa xưa còn giăng ngang hồn sầu
      Tôi đứng như cây cột đèn gẫy gập
      Và một con đường cúp điện rất lâu

      Sao thiên thu không là chôn sâu?
      Nên nắng xưa còn hanh mái tóc nhàu
      Tôi đứng như xe tang ngừng ngập
      Và một họ hàng khăn trắng buồn đau

      Sao thiên thu không là đường chim?
      Nên mây năm xưa còn trên tay phiền
      Tôi đứng như tường vôi luống tuổi
      Và những tàng xanh chùm gởi quê hèn!

      […]

    • Minh khúc 9


      […]

      nợ đời, trả chút văn chương
      nợ tình, ừ, trả con đường em đi…

      sông không trách nước không về
      qua sao trách bậu lỗi nghì trúc mai
      chỉ xin sợi vắn sợi dài
      tóc mai nhắn gió thương hoài ngàn năm…

      […]