Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh sinh năm 1934 tại Hà Tĩnh, còn có bút danh khác là Vũ Ngàn Chi. Ông vào bộ đội năm 1947.
Ông từng làm diễn viên sân khấu, hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, sinh họat tại Ðoàn kịch nói Quân đội. Ông tham gia diễn kịch, làm phim, viết báo nhưng việc chính là làm thơ. Bài thơ đầu tiên in năm 1955. Từ đó đến nay đã in mười hai tập thơ và hai tập bút ký.
Từ năm 1971 ông công tác tại Tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Quân đội đến khi nghỉ hưu vào năm 1999 với quân hàm đại tá.
Phạm Ngọc Cảnh qua đời vào lúc 8 giờ sáng ngày 21 tháng 10 năm 2014 tại nhà riêng ở khu tập thể Nhà máy gỗ diêm Cầu Đuống cũ, Gia Lâm, Hà Nội.
Tác phẩm chính:
Thơ:
Ðêm Quảng Trị (bút danh Vũ Ngàn Chi) – 1971
Ngọn lửa dòng sông – 1976
Xamakhi – 1981
Lối vào phía Bắc – 1982
Trăng sau rằm – 1985
Ðất hai vùng – 1986
Miền hương lặng – 1993
Thơ – 1995
Nhặt lá – 1996
Bến tìm sông – 1998
Khúc rong chơi – 2000
Bút kí:
Góc núi xôn xao – 1999
Bài hát về cây ngải cứu – 2000.
Tự bạch:
Từ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, nếu tôi nghe theo lời nhạc sĩ Phạm Duy, có lẽ tôi trở thành người hoạt động ở ngành nhạc. Nhưng tôi ham thích sân khấu. Tôi theo anh Bửu Tiến. Tôi phải vượt qua nhiều khó khăn để đứng được trên sàn diễn hai mươi lăm năm. Diễn viên kịch là một nghề cao quý. Có thể gắn bó trọn đời người. Nhưng phía sau các vai diễn là lớp son phấn tạo sự hóa thân kỳ diệu… tôi vẫn là tôi. Vẫn muốn có tiếng nói riêng của mình. Một thứ tiếng nói có thể đối thoại tiếp với một người. Không cần hai cánh màn khép mở. Không cần cái khung kịch bản văn học, kịch bản đạo diễn. Không đợi lên đèn. Những bài thơ đầu tiên ra đời khi tôi đã là diễn viên thực thụ. Và thế là tôi phạm nhiều khuyết điểm trong những quy chế nghiêm ngặt của sân khấu. Tôi phân thân. Chỉ chực thoát ra như con chim bị nhốt chặt trong lồng. Chính những bài thơ thời chống Mỹ tôi viết để tự cứu mình.
Rồi bầu trời thơ ca mênh mông, cánh rừng thơ ca thăm thẳm, cuộc tìm kiếm thơ ca đầy quyến rũ và không bị trói buộc ấy là của tôi. Một hành trình không có ga dừng, không có trạm nghỉ. Khi có dấu hiệu mệt mỏi, tôi thường ngoái lại gọi tên một người lính, một người tình. Hai người này chứ không phải ai khác đã cổ vũ tôi nâng sức tôi bay tiếp. Tôi đoán chắc rằng bài thơ sau cùng của cuộc hành trình đam mê và trắc ẩn cũng chỉ vì một trong hai người đó mà thôi.
6-1996