Nhà thơ, nhà báo Phạm Văn Hạnh sinh năm 1911 tại Hà Nội. Quê gốc của ông ở tỉnh Bắc Ninh, cha làm viên chức ngành thuế.
Thuở nhỏ, Phạm Văn Hạnh học ở Cần Thơ, Chợ Lớn. Lớn lên ông ra Hà Nội học trung học, rồi cộng tác với các báo Ngày Nay, Tinh Hoa, Thanh Nghị…
Trước năm 1945, Phạm Văn Hạnh sống và hoạt động văn nghệ ở Hà Nội. Vào năm 1939, ông cùng với các văn nghệ sĩ cùng chí hướng sáng tạo, gồm các nhà văn, nhà thơ Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Lương Ngọc, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung và nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát thành lập nhóm Xuân Thu nhã tập. Đến tháng 6 năm 1942, nhóm xuất bản một tập sách có cùng tên là Xuân Thu nhã tập (do Xuân Thu thư lâu xuất bản), gồm một số bài thơ, văn xuôi triết lý và tuyên ngôn nghệ thuật. Phạm Văn Hạnh đã xuất bản Giọt sương hoa – một tập tản văn, phiếm du xen thơ, bày tỏ quan niệm về nghệ thuật, thơ ca, cuộc sống và chân mệnh thi sĩ. Đây được là công trình bảo chứng cho quan điểm nghệ thuật của nhóm Xuân Thu nhã tập.
Sau năm 1945, Phạm Văn Hạnh trở vào Nam viết văn với bút danh Thê Húc, thường cộng tác với báo Chân trời mới. Ông là thành viên của nhóm lý luận và phê bình văn học hiện thực Mác-xít ở Sài Gòn gồm các cây bút có tiếng: Tam Ích, Thiên Giang, Thiếu Sơn… Nhóm ấy đã tích cực hoạt động văn nghệ, xã hội tại Sài Gòn trong những năm 1946 – 1954.
Từ năm 1955 trở về sau, Phạm Văn Hạnh viết rất ít, chỉ thỉnh thoảng mới có bài trên tạp chí Bách khoa. Sau năm 1975, ông theo vợ con đi định cư ở quê vợ Ấn Độ.
Tác phẩm đã xuất bản:
Giọt sương hoa (1942)
Dân chủ và dân chủ (1948)
Văn chương và xã hội (1948)
Tia nắng (1950)
Bài hát Tì Bà (1952)
Bảng toát yếu về bước đường tiến hóa của văn học Việt Nam (1953)