Thica.net

Mạng thi ca Việt Nam

Trang thơ Phùng Quán

Hình Phùng Quán

Phùng Quán sinh tháng 1 năm 1932, tại quê xã Thuỷ Dương, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Năm 1945, ông tham gia Vệ quốc quân, là chiến sĩ trinh sát Trung đoàn 101 (tiền thân là Trung đoàn Trần Cao Vân). Sau đó ông tham gia Thiếu sinh quân Liên khu IV, đoàn Văn công Liên khu IV. Đầu năm 1954, ông làm việc tại Cơ quan sinh hoạt Văn nghệ quân đội thuộc Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt nam (tiền thân của tạp chí Văn nghệ quân đội).

Tác phẩm đầu tay Vượt Côn Đảo của ông được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1955. Không lâu sau đó, Phùng Quán tham gia phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm. Khi phong trào này chấm dứt dưới tác động của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Phùng Quán bị kỷ luật, mất đi tư cách hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và phải đi lao động cải tạo ở nhiều nơi. Từ đó đến khi được nhìn nhận lại vào thời kỳ Đổi mới, Phùng Quán hầu như không có một tác phẩm nào được xuất bản, ông phải tìm cách xuất bản một số tác phẩm của mình dưới bút danh khác.

Năm 1988, cuốn tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán được xuất bản và nhận Giải thưởng Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam hai năm sau đó. Ngoài văn xuôi, Phùng Quán còn sáng tác thơ và có nhiều bài thơ nổi tiếng như: Lời mẹ dặn, Hôn, Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe

Ông mất ngày 22 tháng 1 năm 1995 tại Hà nội.

Năm 2007, ông được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, do Chủ tịch nước ký quyết định tặng riêng.

Tác phẩm

  • Vượt Côn Đảo (tiểu thuyết, 1955) – Giải thưởng Nhà nước 2007
  • Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo (thơ, 1955) – Giải thưởng Nhà nước 2007
  • Tuổi thơ dữ dội (tiểu thuyết, 1988) – Giải thưởng Nhà nước 2007
  • Trăng hoàng cung (tiểu thuyết thơ, 1993)
  • Thơ Phùng Quán (thơ, 1995)
  • Ba phút sự thật (ký, 2006)

    • Trường ca cây cà


      […]

      Cà Nghệ
      thịt giòn
      ruột đặc
      Người Nghệ
      tiện tằn , chân chất
      Muối một vại cà
      Ăn một năm
      Sử kháng chiến ngàn trang
      Người Nghệ ưa vắn tắt:
      – Đánh Pháp hết chín vại cà
      Đánh Mỹ hơn hai chục vại
      bù đi bù lại
      Đánh bại hai đế quốc to
      hết ba chục vại cà

      Tổ quốc ta đủ cà, đủ muối
      Đủ đất nung cả ngàn chiếc vại!

    • Tạ


      […]

      Sau cuộc trường chinh ba mươi năm
      Quỳ rạp trán xuống đất làng
      Con tạ…
      Con tạ đất làng quê
      Thấm đẫm máu bao anh hùng đã khuất
      Không ngọn cỏ nào không long lanh nước mắt
      Không lá cây nào không mặn chát gian lao!

      […]

    • Trăng Hoàng Cung


      […]

      Ôi, có lẽ nào
      Tất cả những gì đêm nay là có thật?…
      Em với mái tóc đen dày che nửa mặt
      Hồ sen như gấm trải quanh Hoàng Cung
      Điện Thái Hoà
      Cung Trường Sanh
      Tàng Thư Lâu… Hiển Lâm Các
      Sân Đại Triều mênh mông trăng…

      Ôi, có lẽ nào
      Tất cả những gì đêm nay là có thật?…

      Không…
      Tôi không tin…
      Tất cả là do trăng bày đặt
      Trăng thương tôi
      Một đời lao lực
      Một đời cay cực
      Một đời thơ…

      […]

    • Trái bí xanh


      […]

      Tôi đã trải qua
      Nỗi kinh hoàng của người tù vượt ngục
      Khi bẻ cong chấn song sắt nhà tù
      Mà tôi phải cưa kiên nhẫn suốt một mùa Thu
      Lao vào bóng đêm ngàn cân treo sợi tóc
      Nhưng nỗi kinh hoàng này đã thấm tháp vào đâu
      Với nỗi lo trái bí xanh bầm dập
      Trên con đường từ nhà tôi đến nhà em!…

      – Đến nơi rồi!
      Trái bí vẫn lành nguyên!
      Tôi thầm reo như người tù vượt biển
      Khi năm đầu ngón chân bỗng chạm đất liền!

      […]

    • Đợi đò


      Sông Hương ơi
      Gió thổi chi nhiều rứa?
      Sóng vỗ làm chi rối ruột cả hai bờ
      Tôi ngồi… đá mọc thành thơ
      Ngóng về cửa Thuận… tôi chờ đò lên…

      Một đò lên…
      Hai đò lên…
      Ba đò lên…
      Mà tôi chẳng thấy bóng em trong đò…

      […]

    • Trái thơ


      […]

      Từ khi tôi biết em
      Trái-thơ chín nhiều đến nỗi
      Mỗi đêm tôi thức giấc nhiều lần
      Đêm quên ngủ
      Ngày quên ăn
      Rượu như lửa tôi uống tràn thay nước
      Chắc chỉ một ngày thôi
      Tôi sẽ ngã gục
      Dưới chân em
      Chết kiệt sức vì thơ!…

      […]

    • Cảm tạ


      […]

      Thơ tôi biết xin ai?
      Ai cho?
      Thơ với tôi là nước trên sa mạc
      Đã từ nhiều năm nay
      Tôi sống mà như chết
      Cơn khát thơ thiêu đốt trái tim tôi
      Tôi đã đi rao cùng thiên hạ:
      – Ai-đổi-thơ-lấy-máu!
      Không ai đổi
      Vì máu tôi không cùng nhóm máu họ
      Và thơ họ không cùng nhóm thơ tôi

      […]

    • Tôi khóc…


      […]

      Ôi, còn có nỗi thống khổ nào hơn
      Tình cờ tôi chợt hiểu
      Một tháng có nhiều đêm trăng
      Và thời buổi ngày nay
      Vào Hoàng Cung là chuyện quá dễ dàng
      Cả con bò con heo cũng đi trên Trung lộ…
      Những gì em nói với tôi hôm đó
      Em đã nói với nhiều người…
      Ôi, những câu thơ này nó vượt quá sức tôi
      Tôi không thể cất lên được thành lời
      Nếu miệng môi tôi không đầy cát

      Nhưng tôi vẫn không vào nhà em
      Tôi quay về
      Tôi khóc

      […]

    • Tình tuyệt vọng


      […]

      Quá đau khổ
      Tôi hóa thành lì lợm
      Tôi xin em bớt giận…
      Nếu không được ngồi
      Thì tôi xin đứng
      Cùng với cây chổi em dựng ở xó nhà
      Nếu không được thở…
      Tôi sẽ nín thở!
      Như cái ngày còn đi chăn trâu cắt cỏ
      Tôi suýt chết dưới đáy giếng làng
      Vì mải lặn mò con cá bống thần cô Tấm bỏ quên…

      Em giận dữ la lên:
      – Đứng trong xó nhà cũng không được đứng!
      … Thì tôi xin ra đứng trước hiên…
      – Đứng trước hiên cũng không được đứng!
      … Thì tôi xin ra đứng ngoài ngõ…
      – Đứng ngoài ngõ cũng không được đứng!
      … Thì tôi xin ra đứng đầu đường
      Tôi nhìn vào khung cửa nhà em
      Môi rát bỏng những lời yêu thương…
      – Đứng đầu đường cũng không được đứng!
      Lời yêu thương cũng không được nói!
      … Thì tôi xin chết…
      Nhưng tôi không nói lời vĩnh biệt
      Vì tôi tin tôi sẽ hồi sinh…

      […]