Thica.net

Mạng thi ca Việt Nam

Trang thơ Quách Thoại

Quách Thoại

Nhà thơ Quách Thoại tên thật là Đoàn Thoại, sinh năm 1930 tại Huế (có tài liệu ghi năm 1929). Ông là em ruột nhà văn Lý Hoàng Phong (Đoàn Tường).

Quách Thoại từ nhỏ đã đọc thơ và say mê Tagore. Năm 1948, khi 18 tuổi, ông vào Sài Gòn cộng tác với các báo Đoàn Kết, Làm Dân. Trong hai năm 1949 – 1950, làm Tổng thư ký tuần báo Nguồn sống. Năm 1955, ông viết cho các báo Việt chính, Người Việt, Sáng tạo, Thế kỉ hai mươi. Thơ của ông thường đăng rải rác trên các báo xuất bản ở Sài Gòn. Quách Thoại mang một tâm hồn thơ mộng, tính tình phóng khoáng, sống mãnh liệt. Ông nghiện thuốc phiện rồi bị bệnh lao, phải vào nhà thương Hồng Bàng, không người chăm sóc. Thời gian nằm viện, quá khao khát cuộc đời, không thể nằm chờ chết một chỗ, ông thường trốn bệnh xá ra ngoài lang thang đây đó. Ngày 7 tháng 11 năm 1957, ông mất trong hoàn cảnh cô đơn, đến phút chót vẫn “kêu gào muốn sống” (lời Lý Hoàng Phong).

Quách Thoại là một nhà thơ u uẩn và nhiều đam mê. Ông đam mê tình ái, thi ca, tình bạn và lý tưởng. Trong thời của mình, Quách Thoại đã lên án chiến tranh, bạo lực, đồng thời chào mừng tự do và đòi hỏi dân chủ. Thơ Quách Thoại còn mang hình ảnh của những buổi chiều Việt Nam thê lương, đầy sắc máu và khổ đau. Nhà thơ Viên Linh đã viết về Quách Thoại như sau: “Quách Thoại là người thơ trẻ duy nhất của thời thế lúc đó xứng đáng là thi sĩ của thời đại… Đời sau đọc thơ Quách Thoại sẽ hiểu được thời đại anh như thế nào, về nhiều mặt quan trọng. Và thơ anh lại là thơ rất nghệ thuật, rất sáng tạo, rất có tâm hồn.” Nhà thơ Trần Tuấn Kiệt thì nhận xét: “Quách Thoại là một nhà thơ tân tiến muốn làm mới thi ngữ, với một bản chất thơ lạ thường. Người đó có một đời sống nhiều say đắm, và bi thảm đến cùng cực, tâm hồn thơ mộng và cũng không kém ý chí phấn đấu gian khổ, tất cả tạo thành một bản sắc riêng. Thơ ông có một số bài thật hay, biểu tượng sâu xa.”

Quách Thoại sở trường trong loại thơ nói, thơ tự do, và có những bài nổi tiếng như: Sáng tạo, Như Băng trường tình, Trăng thiếu phụ. Thi phẩm đầu tiên của ông mang tên Giữa lòng cuộc đời, được xuất bản vào tháng 6 năm 1963, gần 6 năm sau khi ông qua đời. Ngoài ra, ông còn hai tập thơ chưa xuất bản: Những bài thơ tình đầu tiênCờ dân chủ.


  • Những buổi chiều Việt Nam


    Tôi đã đi trên những buổi chiều
    Những buổi chiều của quá khứ
    Rất cô liêu
    Và mưa gió rất nhiều
    Trên những buổi chiều Việt Nam
    Rất thân yêu
    Của ngày nay
    Tôi cũng đang đi đây
    Ôi con đường dài xơ xác
    Lá vàng heo may
    Bóng dáng xanh xao
    Những em bé ăn mày
    Những người anh
    Máu chảy cả đôi tay
    Chiều chiến tranh
    Những mẹ già run sợ
    Vì tiếng súng cối xay
    Đêm sắp tới rồi
    Người ta đang giết nhau quá mê say

    […]

  • Sau khi cháy nhà


    […]

    Thác nắng mùa xuân vẫn chảy
    Những bông hoa lung lay
    Triều đại vừa qua đổ gãy
    Vũ trụ chỉ có nghĩa ngày nay
    Có kể gì tôi ăn mày
    Có kể gì anh bệnh hoạn
    Những người chết đi là chết đi
    Em tôi mới thành hoa hậu
    Giữa đô thành Paris

    […]

  • Nước


    Người ta gọi tôi là địa chủ
    Đây là một lũ người tự xưng là cùng đinh
    Đem bắt trói tôi vào một cột đình
    Đã hai ngày qua tôi vẫn làm thinh
    Nhưng đến trưa nay tôi bỗng hoảng kinh
    Số là tôi khát nước lắm rồi
    Ôi chao tôi ao ước tôi ao ước
    Và không thể cầm lòng tự cao
    Tôi kêu hãy cho tôi nước nước nước
    Tôi bỗng nghe một tiếng trả lời: được
    Rồi một kẻ đi đến rất chậm bước
    Lúc đứng gần sau lưng tôi nó nói thỏ thẻ
    Hãy hả họng cho tao đổ tội nghiệp đồ chết khát
    Tôi cảm động nhắm mắt run run hả họng khô rát
    Nó hắt ngay vào một nắm cát

  • Như Băng trường tình


    […]

    Như Băng em xin ngó nẻo thiên đàng
    Để nguy hiểm ta sống đời địa ngục
    Ta chỉ sợ rồi đây nơi nhà phúc
    Máu tai ương sẽ vấy tấm thân em
    Lưỡi dao người sẽ sẻ gót chân sen
    Em sẽ chết dập bàn tay ngà ngọc
    Rồi ta khóc đến tan tành trí óc

    […]

    Như Băng Như Băng một chiều hoi hóp lửa
    Là một chiều tận thế của tương lai
    Biết chăng thôi đã chết cả hình hài
    Thôi chết cả linh hồn đời nhân loại
    Bao xây dựng đi về trong hủy hoại
    Bao văn minh hạnh phúc vẫn không thành
    Bao đền đài cũng vẫn chỉ hư danh
    Bao khoa học không giữ người giá trị
    Bao cao thượng chỉ thành ra vị kỉ
    Bao lợi quyền mà hóa vẫn tay không
    Kìa điêu linh thì cứ đấy em trông
    Xe hiện tại dẫn ngày mai xuống hố

    […]

  • Ta sẽ đến


    […]

    Cho ta nhìn những nụ cười mới xanh tơ
    Cho ta thương vũ trụ ta tôn thờ
    Ta sẽ đến hai chân quỳ nâng đỡ
    Mẹ đời ơi hồn xác đã bơ phờ
    Ta sẽ đến dâng trọn mình tôi tớ
    Đẩy xe đời qua hết nẻo hoang sơ
    Ta xót xa nhìn thế kỉ mong chờ
    Đợi nhân loại trong mùa xuân sắp nở.

  • Mai


    […]

    Ôi bình minh rạng ngời cao cả
    Nắng thiêng liêng rạo rực giữa ngàn hoa
    Niềm vui chi kì lạ
    Sương sớm mai non
    Gió hiền ngon ngọt
    Cỏ xanh tươi trên khắp nẻo đường mòn
    Chim rừng khẽ hót
    Khắp trên ngõ đồi
    Những em bé con
    Mầm thế hệ
    Ôi chao tinh khôi vô kể
    Hỡi già nua dòng lệ
    Lộc đương lên
    Vũ trụ trẻ môi son
    Triều tiến hóa
    Hi vọng mãi mãi còn
    Ai buồn chi thảm họa
    Mùa xuân đang nở đóa
    Thiên nhiên cười gió lạ nhịp trăng sao

    […]

  • Sáng tạo


    […]

    Mặt trời mọc!
    Mặt trời mọc!
    Rưng rưng mùa hoa gạo
    Lỡ một mai tôi chết trần truồng không cơm áo
    Thì hồn tôi xin phảng phất chốn trăng sao
    Ðể nhìn các anh như vừa gặp buổi hôm nào
    Và trong câu chuyện tôi sẽ cười nhắc bảo:
    Còn sáng tạo ta hãy còn sáng tạo.