Thica.net

Mạng thi ca Việt Nam

Trang thơ Rabindranath Tagore

Tagore

Rabindranath Tagore, hay Rabindranath Thakur, sinh ngày 6 tháng 5 năm 1861 tại Kolkata, Tây Bengal, Ấn Độ trong một gia đình trí thức truyền thống, được nuôi dạy trong một môi trường văn hóa rất ưu việt. Cha ông là Debendranath Tagore, một nhà triết học và hoạt động xã hội nổi tiếng. Nơi gia đình ông sinh sống ở Calcutta, trung tâm giới trí thức của Ấn Độ thời đó, có rất nhiều nhà văn, học giả, kịch tác gia… thường xuyên lui tới để đàm đạo, tổ chức hòa nhạc, diễn kịch… Tagore được gia đình định hướng trở thành luật sư, nhưng bản thân ông quan tâm nhiều nhất đến thơ ca, tiểu thuyết và kịch.

Năm 14 tuổi Tagore được đăng bài thơ đầu tiên Tặng hội đền tín đồ Ấn Độ giáo. Thơ chiếm ưu thế trong sự nghiệp của Tagore với hơn 1000 bài (50 tập thơ). Ông cũng để lại 12 bộ tiểu thuyết, luận văn, hàng trăm truyện ngắn, kí, 42 vở kịch và hơn 2000 tranh vẽ. Văn xuôi của Tagore đề cập đến các vấn đề xã hội, chính trị, giáo dục và nhãn quan của ông về tình huynh đệ phổ quát của con người. Thi ca của ông, xuất phát từ một tinh thần sâu sắc và sự hiến dâng, thường có nội dung ca ngợi thiên nhiên và cuộc sống. Đối với ông, sự phong phú muôn màu vẻ của cuộc sống là nguồn vui bất tận không mang yếu tố trần tục. Chủ đề tình yêu là mô-típ bàng bạc trong khắp các tác phẩm văn chương của ông.

Không kém phần nổi tiếng trong số các tác phẩm của ông là hơn 2000 bài hát, ngày nay được gọi là Rabindra Sangeet và được xem là kho tàng văn hoá Bengal ở cả Tây Bengal thuộc Ấn Độ lẫn Bangladesh, khắc họa sâu sắc mọi lĩnh vực của đời sống văn hóa Bengal. Các bài hát của ông được chọn làm quốc ca của cả Ấn Độ và Bangladesh.

Năm 1901, Tagore thành lập trường của mình với tên gọi Brahmachary Ashram tại Santiniketan ở Tây Bengal trên mảnh đất do cho ông để lại. Sau năm 1921, trường này trở thành Đại học Vishwa Bharti và đặt dưới quyền quản lí của chính phủ Ấn Độ từ năm 1951.

Năm 1913, ông đoạt giải Nobel về văn chương cho bản dịch tiếng Anh của tác phẩm Gitanjali (Thơ dâng). Tagore là người châu Á đầu tiên được trao giải thưởng danh giá này. Những tập thơ tiêu biểu của ông là Thơ dâng, Balaca, Người làm vườn, Mùa hái quả, Ngày sinh, Thơ ngắn

Tagore cũng viết một số tác phẩm để phục vụ cho phong trào giải phóng Ấn Độ. Năm 1919, ông từ chối tước Hiệp sĩ của Hoàng gia Anh để phản đối cuộc thảm sát Jallianwala Bagh tại Amritsar khi lính Anh đã nã súng vào nhóm thường dân tụ tập không vũ trang, giết chết hơn 500 người đàn ông, phụ nữ và trẻ em vô tội. Tagore gọi Gandhi là “Mahatma” – linh hồn vĩ đại, và Gandhi cũng như mọi người Ấn Độ gọi Tagore là “Gurudev” – thánh sư.

Tagore rất nhạy cảm với các sự kiện thế giới xảy ra trong thời đại của mình và biểu hiện niềm đau cũng như nỗi thất vọng đối với chiến tranh. Ông luôn khao khát hoà bình cho thế giới. Các chuyến đi vòng quanh thế giới (Tagore từng tới Việt Nam) đã mài giũa sự am hiểu các đặc trưng đa dạng của ông về các nền văn minh và dân tộc. Ông được xem là tác gia tiêu biểu cho sự kết hợp tinh tế của phương Đông và phương Tây trong văn chương.

Tagore qua đời ngày 7 tháng 8 năm 1941. Đến nay cuộc đời và các tác phẩm ông để lại vẫn là nguồn cảm hứng cho hơn 200 triệu người Bengal sống ở Tây Bengal của Ấn Độ và Bangladesh cũng như nhiều người trên khắp thế giới.


  • Ai đó


    Ai đó đến thì thầm:
    “Em yêu ngước mắt lên nào”
    Tôi cáu gắt, nói: “Đi đi”
    Nhưng ai đó vẫn không nhúc nhích

    Ai đó đứng trước mặt tôi,
    Nâng bàn tay tôi.
    Tôi nói: “Buông tôi ra.”
    Nhưng ai đó vẫn không đi.

    […]

  • Mây và sóng


    Mẹ ơi, kìa ai đang gọi con trên mây cao.
    Họ bảo: “Chúng ta vui chơi từ tinh mơ đến hết ngày
    Chúng ta giỡn với sớm vàng rồi lại đùa cùng trăng bạc”
    Con hỏi: “Nhưng mà làm thế nào tôi lên trên ấy được ?”
    Họ trả lời: “Con hãy đi đến hết cõi đất, rồi giơ tay lên trời con sẽ bay bổng lên mây”
    Nhưng con nói: “Mẹ tôi đợi tôi ở nhà, tôi có lòng nào bỏ được mẹ tôi”
    Họ bèn mỉm cười, và lơ lửng họ bay đi mất
    Nhưng con biết trò chơi còn hay hơn của họ
    Con làm mây nhé, mẹ làm mặt trăng,
    Hai tay con ôm mặt mẹ, còn mái nhà ta là trời xanh

    […]

  • Bài số 28


    […]

    Nhưng em ơi! Đời anh là một trái tim,
    Nào ai biết chiều sâu và bến bờ của nó.
    Em là nữ hoàng của vương quốc đó,
    Ấy thế mà em có biết gì biên giới của nó đâu.

    Nếu trái tim anh chỉ là những phút giây lạc thú,
    Nó sẽ nở ra thành nụ cười nhẹ nhõm
    Và em thấu suốt rất nhanh

    Nếu trái tim anh chỉ là khổ đau,
    Nó sẽ tan ra thành lệ trong
    Và lặng im phản chiếu nỗi niềm u ẩn.

    Nhưng em ơi, trái tim anh lại là tình yêu
    Nỗi vui sướng, khổ đau của nó là vô biên,
    Những đòi hỏi và sự giàu sang của nó là trường cửu.
    Trái tim anh ở gần em như chính đời em vậy,
    Nhưng chẳng bao giờ em biết trọn nó đâu.