Thica.net

Mạng thi ca Việt Nam

Trang thơ Thanh Tâm Tuyền

Thanh Tâm Tuyền

Thanh Tâm Tuyền tên thật là Dzư Văn Tâm, sinh ngày 13 tháng 3 năm 1936 tại Vinh. Thân phụ nhà thơ làm nghề dạy học và viết báo La Volonté Indochinoise, mất khi ông mới 5 tuổi và người em trai duy nhất hơn 2 tuổi.

Thuở nhỏ ông theo mẹ vào Sài Gòn ở nhà người cô làm nghề đan áo len, ông phụ với cô đi giao áo, nhận len và tiền; sau đó ra Hà Nội tiếp tục đi học. Ông là một học sinh xuất sắc, chưa đủ tuổi thi Tú Tài 1, phải xin miễn tuổi và đỗ ban Toán kỳ thi này.

Năm 16 tuổi (1952) ông đã dạy học ở trường Minh Tân (Hà Đông), đăng truyện ngắn trên tạp chí Thanh Niên, Hà Nội. Năm 17 tuổi, truyện ngắn Viên Đạn Cuối Cùng của ông đã đoạt giải nhất trong cuộc thi do báo Thần Chung tổ chức.

Năm 1954 ông lại di cư vào Nam, cùng các bạn chủ trương tạp chí Lửa Việt, hoạt động trong Tổng Hội Sinh Viên. Ở tuổi hai mươi, với chỉ hai tác phẩm đầu tay: Tôi không còn cô độc (thơ) và Bếp lửa (văn), ông đã chứng tỏ tài năng độc đáo và gây được tiếng vang lớn: khởi xướng và tạo tranh luận sôi nổi về thơ tự do, góp phần với nhóm Sáng Tạo (ông tham gia từ 1956 – 1960) thổi một luồng gió mới trong sinh hoạt văn học miền Nam. Nhắc đến văn học miền Nam thời điểm 1954 – 1975, không thể thiếu phần đóng góp của ông.

Thanh Tâm Tuyền là người khắc kỉ, điềm đạm, trầm ngâm, ít nói, khi nói thì nói chậm rãi. Ông đọc sách nhiều và kỹ lưỡng nên kiến thức rất rộng. Tiểu thuyết của Thanh Tâm Tuyền không nhiều nhưng rất đa dạng và phong phú. Có truyện như là bài thơ với những cảm xúc tinh tế, đẹp đẽ. Tiểu thuyết cũng không chứa những tình tiết ly kỳ, hấp dẫn dễ dãi, những kết cuộc đau buồn, hạnh phúc đơn giản mà chứa những khắc khoải nội tâm, những rạn nứt đổ vỡ, u tối lạc loài, chia lìa đứt đoạn cùng những ám ảnh sâu xa nhất về sự cô đơn, phi lý của kiếp người.

Thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền hoàn toàn phá bỏ những cấu trúc như lối thơ cũ và quan niệm nghệ thuật theo tinh thần Dionysos nổi loạn chống lại sự hài hòa theo tinh thần Apollon. Thơ ông chú trọng loại nhịp điệu của ý thức, của hình ảnh và ý tưởng. Ông còn dùng kỹ thuật tạo hình lập thể và siêu thực: coi đời sống là những mảng đứt đoạn, thực tại là một chuỗi liên tục những mảng đứt đoạn ấy và tiềm thức là nguồn sáng tạo vô biên. Những hình ảnh quá khác biệt đặt cạnh nhau trong thơ ông theo kỹ thuật tạo hình siêu thực khiến người đọc khó thấy hết ý nghĩa ẩn dụ chứa trong đó. Tuy thế thơ ông đã trở thành nguồn cảm hứng lớn cho những nhà thơ có khát vọng đổi mới.

Năm 1962, Thanh Tâm Tuyền nhập ngũ, học trường Bộ binh Thủ Đức. Sau khi tốt nghiệp, ông phục vụ tại các đơn vị: Trường Võ bị Đà Lạt, báo Tiền Tuyến của Quân Lực VNCH, tập san Quốc Phòng của trường Cao Đẳng Quốc Phòng. Năm 1966, giải ngũ; năm 1669, tái ngũ, ở trong quân đội cho đến 1975 với cấp bậc cuối cùng: Đại úy. Sau năm 1975, ông bị tù hơn bảy năm trong những trại giam ở miền Bắc.

Tháng 4 năm 1990, ông sang Mỹ, lúc đầu ở tiểu bang Louisiana, sau định cư ở Roseville, tiểu bang Minnesota; do người bạn thân là nhạc sĩ Cung Tiến và hội Văn Hóa Việt Nam bảo trợ. Ông theo học Điện toán và làm việc tại St. Paul Technical College đến khi về hưu năm 2001. Thời gian ở Mỹ ông sống như người ẩn dật, viết rất ít, chỉ khi nào thật sự cần thiết mới viết, như dịp tưởng niệm các bạn ông: Mai Thảo, Ngọc Dũng, tuyên dương Doãn Quốc Sỹ…

Ông mắc bệnh ung thư phổi và từ trần lúc 11 giờ 30 ngày 22 tháng 3 năm 2006 tại Saint Paul, Minnesota, là nơi gia đình ông cư ngụ trên mười sáu năm. Sáu người bạn: Cung Tiến, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Cao Đàm, Nguyễn Ngọc Diễm và Vũ Xuân Châu đã khiêng linh cữu nhà thơ đến nơi an nghỉ cuối cùng: nghĩa trang Roselawn, đường Larpenteur, Roseville.

Tác phẩm:

Tiểu thuyết:

  • Bếp Lửa (NXB Nguyễn Đình Vượng, 1957)
  • Cát Lầy (Giao Điểm, 1967)
  • Mù Khơi (1970)
  • Tiếng Động (1970)
  • Một Chủ Nhật Khác (Văn, 1975)
  • Ung Thư (đăng nhiêu kỳ trên báo Văn, chưa xuất bản)
  • Truyện Ngắn:

  • Khuôn Mặt (Sáng Tạo, 1964)
  • Dọc Đường (Tân Văn, 1966)
  • Thơ:

  • Tôi Không Còn Cô Độc (Người Việt, 1956)
  • Liên, Đêm, Mặt Trời Tìm Thấy (Sáng Tạo, 1964)
  • Thơ Ở Đâu Xa (Trầm Khắc Phục xuất bản, California, 1990)
  • Kịch:

  • Ba Chị Em (1967)
  • Phiếm Luận:

  • Tạp Ghi (1970).

    • Hạ ca


      […]

      Thản nhiên thản nhiên thôi
      Tim khờ dại
      Ngục tù thênh thang đắm tiếng gọi
      Máu thổ hoa ngầu thắm tươi cười
      Kìa vầng dương trút rợp huyễn hoặc
      Biển khô mù hát trầm vong khôn nguôi.

    • Đỉnh non xa


      […]

      Trắng phếu sườn non ngày mới chớm
      Một đoá trăng tàn lẩn lút bay
      Mùa hiu hắt thổi hoang vu quyện
      Lòng ta lạnh vắng như cỏ cây.

      Dưới ngọn đèo xa loé nắng xưa
      Phiêu bạt rừng già dìu dặt mưa
      Triều lũng dựng xanh cuốn gió đáy
      Mang mang giọng điệu trí câm mù.

      […]

    • Bao giờ


      […]

      Vứt mẩu thuốc cuối cùng xuống dòng sông
      Mà lòng mình phơi trên kè đá
      Con thuyền xuôi
      Chiều không xanh không tím không hồng những ống khói tàu mệt lả

      […]

      Muốn làm người học trò mười bảy tuổi
      Ðạp xe trên đường đồng
      Bông mía trắng những căn nhà ngủ dưới cây
      Sẽ thăm những bà con thân thuộc
      Một người em hay một bà dì
      Trời sẫm

      Như mắt
      Như ngõ hoang hồn này

      […]

    • Phiên khúc 20


      […]

      những lời ấp ủ ngàn xưa
      ta hát lên to lớn
      con cháu ngày sau còn nghe rõ
      mà nhớ
      đất ta là của ta
      đừng ai hòng cắt xẻ
      chúng ta thương yêu nhau
      cùng là con một mẹ
      chiếm lại trọn đất đai
      xoá sạch oán thù
      nhường nhau là hết nói
      ôi hai mươi
      nhân loại trẻ như hoa búp
      con về dựng lại cửa nhà
      trẻ con đi học trên đường rộng
      chữ đầu tiên em học là gì
      thưa yêu

      […]

    • Hoa


      […]

      hoa nào không mang tên
      chỉ là nét rối bời trên bức hoạ
      màu sắc nhoà
      anh đã vẽ vào em
      vào giấc mơ chập chờn lên tiếng hát

      những cánh hoa cười rũ
      xếp hàng tên chúng ta

    • Người yêu


      […]

      em ơi sao chưa dừng lại
      chúng ta vào châu thành
      anh thong thả lên thư viện
      mở những cuốn sách mùa xuân bay qua nét trắng
      người yêu nắm cánh tay
      cười tiếng suối
      băng qua những cuộc đời ào ào thành phố
      cửa nhà rộng choang choang
      hai người bạn tình rõi chúng ta trên mắt gác
      sao chưa dừng lại em ơi
      trong kia làng mở hội
      em vào vườn trèo lên cây bưởi
      mời mọi người dự đám cưới đôi ta
      mùa xuân làm bà mối

      […]

    • Mưa ngủ


      […]

      Những chuyến đi xa theo mưa về ngủ mái rạ. Ðêm hiền lành, có lẽ từ một cửa bể bến sông quán rượu. Những người bạn hứng mưa vào lòng tay, giọt mưa đẹp như mắt ngủ, rất xa không hề cách. Tôi sẽ đưa em về ngủ bên sông, tâm hồn là cánh đồng chưa khai phá. Tôi sẽ mời anh về nghe mưa trên vừng trán vô tư, giác quan mở những ngõ lạ xuống linh hồn. Chúng ta ngủ ngoài mưa như mơ ngủ.

      […]