Nhà thơ Thu Bồn tên thật là Hà Đức Trọng. Ông sinh ngày 1 tháng 12 năm 1935 tại xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Năm mười một tuổi Thu Bồn vào bộ đội, là thiếu sinh quân ở đơn vị biệt động chiến đấu. Trong thời gian chiến tranh Việt Nam, ông làm phóng viên chiến trường Liên khu V sau đó về làm việc tại Tạp chí Văn nghệ quân đội thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Thu Bồn là ủy viên Ban chấp hành Hội Văn nghệ miền Trung Trung Bộ và ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa IV. Ngoài bút danh đặt theo tên dòng sông Thu Bồn quê hương, ông còn có các bút danh khác là Hà Ðức Trọng, Bờ Lốc.
Ngoài thơ, Thu Bồn còn viết tiểu thuyết, nhưng ông được biết đến nhiều với những bài trường ca, trong đó Bài ca chim Chơ Rao vẫn được coi là thành công có tính định hướng cho phong cách tiêu biểu của ông. Đây là khúc ca ca ngợi lòng yêu tự do, ý chí bất khuất của những con người Tây Nguyên trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ được giảng dạy ở chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam.
Thu Bồn mất ngày 17 tháng 6 năm 2003.
Các tác phẩm chính:
Bài ca chim Chơ Rao (trường ca, 1962)
Tre xanh (thơ, 1965)
Mặt đất không quên (thơ, 1970)
Những đám mây màu cánh vạc (tiểu thuyết 2 tập, 1975)
Oran 76 ngọn (trường ca, 1979)
Người vắt sữa bầu trời (trường ca, 1985)
Thông điệp mùa xuân (trường ca, 1985)
Một trăm bài thơ tình nhờ em đặt tên (thơ, 1992)
Tôi nhớ mưa nguồn (thơ, 1999)
Trường ca tuyển tập (1999)
Gởi lời con đến cùng cha
Quê hương mặt trời vàng
Vùng pháo sáng (tiểu thuyết)
Thu Bồn, tráng sĩ hề… dâu bể (tuyển tập tác phẩm của Thu Bồn do nhà phê bình Ngô Thảo và nhà văn Nguyễn Tiến Toàn quyên góp tiền để in nhân dịp kỉ niệm 10 năm ngày mất nhà thơ.
Các giải thưởng:
Giải văn học Nguyễn Đình Chiểu
Giải thưởng văn học quốc tế Lotus của Hội Nhà văn Á Phi (1973)
Giải thưởng báo Hà Nội Mới (1969)
Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001