Thica.net

Mạng thi ca Việt Nam

Trang thơ Trần Dần

Trần Dần

Trần Dần tên thật là Trần Văn Dần (23 tháng 8 năm 1926-17 tháng 1 năm 1997), nguyên quán thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Cha Trần Dần là một viên chức kho bạc Nam Định. Ông học qua bậc Thành chung ở quê rồi lên Hà Nội học tiếp và đỗ Tú tài Triết. Năm 1946, Trần Dần cùng Trần Mai Châu, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Địch, Vũ Hoàng Chương thành lập nhóm thơ tượng trưng Dạ đài với tuyên ngôn 16-11-1946 với những câu: “Chúng tôi, một lũ người vong gia thất thổ, trót đầu thai nhằm lúc sao mờ…”. Đến ngày 19-12-1946, ông cùng nhóm Dạ đài ra số báo Dạ Đài 2, khi Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông trở về Nam Định tham gia công tác thông tin tuyên truyền ở huyện Vụ Bản rồi làm việc ở Sở Tuyên truyền Khu IV. Năm 1948, ông tham gia Vệ quốc quân, ở Ban Chính trị Trung đoàn 148 Sơn La (nay thuộc Sư đoàn 316), làm công tác tuyên truyền cùng Vũ Khiêu, Vũ Hoàng Địch, sau đó làm báo ở mặt trận Tây Bắc và phụ trách văn công Trung đoàn 148 Sơn La. Trần Dần cùng Trần Thư, Hoài Niệm tham gia sáng lập nhóm văn nghệ quân đội đầu tiên – Nhóm Sông Đà. Thời gian này ông bắt đầu làm thơ bậc thang và vẽ tranh lập thể, bị cho là khó hiểu.

Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (lúc ấy có tên là Đảng Cộng sản Đông Dương) từ năm 1949. Năm 1954, cùng với Đỗ Nhuận, Tô Ngọc Vân, Trần Dần tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và viết truyện dài Người người lớp lớp. Chiến dịch kết thúc, ông được cử sang Trung Quốc viết thuyết minh phim Chiến thắng Điện Biên Phủ. Tuy nhiên do bất đồng với người cán bộ chính trị đi cùng nên ông “nhường” cho người này viết thuyết minh.

Năm 1955, Trần Dần viết đơn đề nghị được giải ngũ, ra khỏi Đảng và kết hôn với bà Bùi Thị Ngọc Khuê (gia đình bà Khuê có người di cư vào Nam, nên Đảng không cho phép đảng viên kết hôn vì lý lịch). Theo báo Nhân Dân, việc Trần Dần đòi ra Đảng đã làm cho một số người đi theo.

Khi tham gia Phong trào Nhân văn-Giai phẩm, Trần Dần lên tiếng đòi tự do, đòi xuất bản các tác phẩm mang tính cách tân của mình, mặc dù đã bị Chính quyền lúc bấy giờ nhiều lần cảnh cáo nhưng ông vẫn giữ vững sáng tác, ông liên tiếp cho ra đời các tác phẩm phê phán như Lão rồng và chuyện Anh Cò Lấm phê phán cải cách ruộng đất để rồi sau đó bị bắt giam.

Năm 1961 ông trở về Hà Nội và từ đó đến năm 1986, kiếm sống bằng nghề dịch sách, tô màu ảnh, vẽ tranh, không tham gia đời sống văn học chính thống. Con trai ông, Trần Trọng Vũ, mô tả trong thời kỳ này ông sống cô đơn ngay giữa căn nhà mình, không có những chia sẻ ngay cả với người thân vì nỗi cô đơn quá lớn. Trong hồi ức của các con ông, Trần Dần ít khi buồn, không có một phàn nàn và không bao giờ kể chuyện đời mình. Ông vẫn thầm lặng sáng tác, từ năm 1954 đến 1989 vẫn đều đặn viết nhật ký, những số đầu tiên có tựa là Ghi vặt, từ năm 1973 thành Sổ thơ và từ năm 1979 thành Sổ bụi. Nhận xét về giai đoạn này, ông có nói: “Mình ngồi ba chục năm quen rồi. Ngồi mà vẫn đi, vẫn ngao du. Mình có cuốn sổ “bụi”, sổ “ngao du”. Mình đi chơi lang thang trong cuốn sổ này. Đây là sổ để ghi tất cả những gì mới nghĩ ra. Có khi ngoài cả ý thức. Đó là cách đi của mình.” Đáng kinh ngạc hơn, ông vẫn kiên trì công cuộc cách tân thơ của mình. Ở Sổ bụi 1988 khi nói về Thơ mini ông có viết: “tôi thích viết cái chưa biết, mặc các ông viết cái đã biết. 90 có hoàn thành không? có thành công không để mà đốt đi? Tôi đã đốt tôi đi không phải chỉ đôi lần… cái chưa biết – cái khó – thậm chí cái bất khả thu hút và đắm đuối tôi”.

“Sổ bụi” cuối cùng viết năm 1989, trước khi những năm cuối cuộc đời bệnh tật đã cướp đi của ông trí nhớ và sự minh mẫn. Đặc biệt, Trần Dần không bao giờ mất lòng tin đến một ngày tác phẩm của mình được xuất bản trở lại. Sau khi ông mất, trong di cảo của ông, các con ông đã tìm thấy một tập bản thảo có ghi Trần Dần tự xuất bản, hay tập thơ Bao giờ em đi lấy chồng mà ông đã tự trình bày và minh họa sẵn cách đấy 35 năm.

Đến thời kỳ Đổi mới, bước vào giai đoạn tác giả có thể bỏ tiền tự in, tự phát hành với sự cấp giấy phép của Nhà xuất bản, vài tác phẩm của ông được xuất bản trở lại như Trường ca Bài thơ Việt Bắc năm 1990 (cho dù chương 12 của bản Trường ca là toàn bộ bài thơ Nhất định thắng phải bỏ) và tập thơ tiểu thuyết Cổng tỉnh năm 1994, tác phẩm sau này đã đoạt giải thưởng của Hội nhà văn.

Ông mất tại Hà Nội năm 1997. Sau khi ông mất, người con trai thứ hai, nhà quay phim Trần Trọng Văn đã bỏ ra nhiều thời gian sắp xếp lại kho tang di cảo mà Trần Dần để lại. Đến đầu năm 2008, Công ty Nhã Nam và Nhà xuất bản Đà Nẵng đã cho phát hành cuốn Trần Dần – Thơ, được coi là công trình đồ sộ nhất từng được xuất bản về Trần Dần. Trần Dần được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.


  • Tìm em


    […]

    Ơi em!
    Anh sẽ có em kề năm tháng sạch
    Có em kề khuya sáng sạch
    Kề môi ngực sạch
    Kề thao tác sạch
    Kề đôi sức sạch
    Kề trăm tuổi sạch
    Kề đời
    Anh sẽ có em kề tâm lực sạch
    Kề gần xa lâu lý sạch
    Kề anh em bác mẹ sạch
    Kề liền hoa liền đế sạch
    Kề khi sương sa tuần lễ sạch
    Kề nhau
    Anh sẽ có em kề đôi tay sạch
    Kề đôi mày sạch
    Kề đôi đời sạch
    Kề đôi bổn phẩn sạch
    Kề đôi người sạch
    Kề vai

    […]

  • Bao giờ em đi lấy chồng


    Bao giờ em đi lấy chồng?
    để anh sắm mừng quà cưới?
    Anh mừng em đôi chiếu mới
    em về giải kín giường đôi
    Anh đi sang tận làng Ngòi
    tìm mua gạo cẩm
    xu xê bánh cuốn
    tự tay anh buộc lạt điều
    đôi gối tằm thêu
    anh nhờ người thêu hộ
    thiếp mời chính tay anh hoạ
    anh đi hai họ
    báo tin từng nhà
    anh nói mẹ cha
    mượn nồi mượn chõ
    em có cần anh đầu cỗ?
    bảo người nhắn gọi anh sang

    […]

  • Bài thơ Việt Bắc (Trích chương X)


    […]

    Hãy đi đi!
    Dù đi buồn đứt ruột

    Con tim

    hoen ố
    nhớ thương!

    Đi!
    Dù biết
    khổ đau còn là luật
    của trái đất này
    khi
    nó chuyển mình đi!

    Hãy thù ghét
    mọi ao tù
    nơi thân ta rữa mục,
    mọi thói quen
    nếp nghĩ – mù lòa!

    Hãy sống như
    những con tàu
    phải lòng
    muôn hải lý,

    mỗi ngày
    bỏ
    sau lưng
    nghìn hải – cảng – mưa – buồn!

    […]

  • Về nẻo thanh tuyền


    Đời bỏ ta nằm dưới thủy cung
    mờ đi! ơi ánh nguyệt vô cùng
    hồn ta qua xứ ma làm loạn
    nên thác trong đường trận hỏa công
    trải mấy thu dài trên Tử trấn
    ta về nghe thế sự tàn vong
    ngoài ta ai đón trăng huyền lặn
    mà dẫn đi qua khỏi Cửu trùng?

    […]

  • Chín khúc mưa thư


    Em ơi !
    Ai xui nhà ươm chín mái ?
    Tơ ngâm chín vại
    Dâu xanh chín bãi
    Tằm ngã – chín nong
    Ai xui cửa chín chấn song
    Đường về phố em đèn lên chín ngả
    Thư đi ngỡ ngàng chín ngõ…
    Vườn hoa chín cửa
    Đợi chờ – chín đêm

    Ai xui hồ chín lá sen ?
    Thuyền bơi chín sải
    Ca đêm chín người chạy
    Còi tầm chín ngả gọi
    Hẹn nhau chín tối
    Xưởng xa chín ống khói
    Chín người – tìm thư

    […]

  • Cổng tỉnh (trích)


    […]

    Các bạn ạ !
    Tôi đã không thể thoát bơ vơ nếu không
    nhờ các bạn…
    Nếu không Thi-mệnh bọc đùm…
    Ôi ! phố mẹ ! Để tôi về phố mẹ
    Tôi về tảo mộ xó quê tôi…
    Tôi tảo mộ từ một dứt ruột đã qua
    Từ một dại khờ chưa hết dại…

    Phải !
    Tôi kiểm thảo bản thân cùng một thời đại buồn rầu

    […]