Thica.net

Mạng thi ca Việt Nam

Trang thơ Trần Huyền Trân

Trần Huyền Trân

Trần Huyền Trân tên thật là Trần Đình Kim, sinh ngày 13 tháng 9 năm 1913 tại Hà Nội. Ông quê ở huyện Ân Thi, Hưng Yên, tham gia phong trào Thơ mới. Sau Cách mạng tháng Tám, ông tham gia Việt Minh, làm việc ở đoàn kịch Tháng Tám. Sau năm 1954, Trần Huyền Trân chuyển sang hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực sân khấu. Cùng với một số người bạn như Lộng Chương, Lưu Quang Thuận, Hà Văn Cầu, Nguyễn Đình Hàm… ông đã bỏ tiền túi ra thành lập nhóm chèo Cổ Phong để có nơi bảo lưu những giá trị nghệ thuật của dân tộc và đào tạo nghề cho các lớp diễn viên. Ông là người đã dày công sưu tầm, chỉnh lý những tích chèo cổ, những trích đoạn đã trở thành mẫu mực của nghệ thuật chèo (như Xúy Vân giả dại, Quan Âm Thị Kính…). Ông mất ngày 22 tháng 4 năm 1989 tại Hà Nội.

Làm thơ từ năm 20 tuổi, Trần Huyền Trân đã để lại một di sản văn học, nghệ thuật khá đồ sộ, gồm 13 vở kịch – kịch thơ, 17 vở chèo, như: Lên đường, Hoàng Văn Thụ, Đêm trong tù, Lam Sơn tụ nghĩa, Sơn Tinh – Thủy Tinh, Tiếng hát bên nôi, Tạ Thị Kiều, Lửa Hà Nội, Lý Thường Kiệt… Bên cạnh đó, ông còn là tác giả của khối lượng lớn những tác phẩm văn xuôi, tiểu thuyết: Tấm lòng người kỹ nữ, Người ngàn thu cũ, Sau ánh sáng, Lẽ sống… và hơn 100 bài thơ viết từ trước cách mạng tháng Tám. Từ những đóng góp trên, Trần Huyền Trân được truy tặng Giải Thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.

Về nguồn gốc của bút danh Trần Huyền Trân, theo Tô Hoài (Phê bình – bình luận văn học, Nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh): Thời gian sống ở phố Khâm Thiên, ông có gặp gỡ một người con gái làm việc cho quán hát cô đầu tên gọi Trần Nguyệt Hiền, do có thai nên bị đuổi việc. Thương cảm trước hoàn cảnh éo le của cô gái ông đã đứng ra cưu mang, lo cho cô sinh nở và khi cô sinh con gái ông đã đặt tên là Trần Huyền Trân (ý nói hai người họ Trần vì “Trân” thêm dấu huyền thành “Trần”). Tên con đã trở thành tên thơ của ông từ đó.


  • Nhớ nhau


    […]

    Người là một kiếp thi nhân
    Tóc xanh đã nhuộm mấy lần biển dâu
    Nhà người bên một dòng sâu
    Xác xơ khóm trúc hàng cau lạnh lùng
    Hồn thơ về lánh bụi hồng
    Quyển vàng tóc bạc nằm chung một lều
    Có đàn con trẻ leo nheo
    Có dăm món nợ eo sèo bên tai

    […]

  • Lòng chiến sĩ


    […]

    Kìa bóng cau già đứng xác xơ
    Ở đây dấu vết thuở ngày xưa
    Nằm ôm gốc gạo lều nghiêng mái
    Cành liếp che sương lúc đợi chờ

    Lòng sầu tráng sĩ rối như mây
    Vội vội gò cương đổ bóng gầy
    Vội vội xô phên kêu vội vội
    – Mẹ ơi! Con đã trở về đây!

    Nhưng lời kêu gọi để ai nghe
    Mây xế trời chênh gió nặng nề
    Trăng lạnh dòm song màn rủ lạnh
    Lều hoang thôi chẳng đáp ai về

    […]

  • Đời một nhà văn


    Đâu đó lâu đài bỏ nhện giăng
    Mà đây phòng xép hẹp như săng
    Giường ken chiếu nối xoay ngang dọc
    Xương gối vào xương chẳng đủ nằm

    Cửa nhỏ trông giời với chấn song
    Một khuông chật chội mấy phương lòng
    Tường vôi gạch lở loang màu máu
    Nung nấu thêm sầu mộng núi sông

    […]

  • Tha hương


    […]

    Kinh thành ríu rít nở nghìn xuân
    Nghìn cánh song dâng mộng đỏ dần
    Trong bụi nghìn màu theo gió loạn
    Chân mình vẫn lạc dấu nghìn chân.

    Đứng lặng trông vời xứ nhớ thương
    Nghe mây vò võ rỏ thành sương
    Chao ôi! Hồn nặng sầu trong xác
    Sầu đổ cô đơn bóng xuống đường.

    […]

  • Đôi mùa


    Gió ngớt khua lau dưới gậm cầu
    Đường về xóm lạnh bước thôi mau
    Ngõ hoang đã nở dăm màu bướm
    Là lúc đôi mùa đưa tiễn nhau

    Ấy lúc hồn hoa trở gót về
    Thả đàn chim mộng xuống thâm khê
    Tôi nghe xa lắm làn mây trắng
    Rời bóng kinh thành lững thững đi.