Thica.net

Mạng thi ca Việt Nam

Trang thơ Trần Tuấn Kiệt

Sa Giang Trần Tuấn Kiệt

Trần Tuấn Kiệt sinh ngày 01 tháng 6 năm 1939 tại Sa Ðéc, do đó có bút hiệu là Sa Giang. Thuở bé ông tản cư ở Đồng Tháp Mười, sống với bà ngoại. Đã có lần ông cưỡi trâu vượt sông Cửu Long, từ Đồng Tháp Mười về Sa Đéc. Năm 11 tuổi ông lên Sài Gòn học âm nhạc. Ông đậu hạng nhất thổi sáo ở trường quốc gia Âm nhạc Sài Gòn.

Từ thời còn rất trẻ, vào thập niên 1950, thơ văn của ông đã xuất hiện nhiều trên báo chí. Ban đầu Trần Tuấn Kiệt nhờ Nhất Linh, Nguyễn Vỹ, Tam Ích giới thiệu viết báo. Cho đến năm 1975 ông đã cộng tác với báo Sinh lực của Đồng tân, Văn hóa ngày nay của Nhất Linh, Phổ thông của Nguyễn Vỹ, Vui sống của Bình Nguyên Lộc, Sống của Chu Tử, Nghệ thuật của Mai Thảo. Trần Tuấn Kiệt cũng là một cao thủ của trường phái Tây Sơn Nhạn. Có thời ông dạy võ.

Vào khoảng thập niên 70, ông chủ trương nhà xuất bản Hồng Lĩnh với Mặc Tưởng, Phạm Quốc Bảo, Bùi Ngọc Tuấn chủ yếu in các tác phẩm của mình và bè bạn. Năm 1971 ông được trao giải thưởng văn chương toàn quốc của tổng thống Việt Nam Cộng hòa với tập thơ Lời gởi cho cây bông vải.

Ngoài bút hiệu Sa Giang và tên thật Trần Tuấn Kiệt dùng cho thơ và biên khảo thơ, ông còn dùng nhiều bút hiệu khác để viết sách võ thuật, truyện thần thoại dân tộc cho nhà sách Khai Trí và các nhà xuất bản do người Hoa làm chủ và đặt mua: khoảng hai trăm cuốn truyện kiếm hiệp, dã sử tình cảm kí bút hiệu Lan Sơ Khai, Xuân Thu, Hồng Lĩnh Sơn; sách võ thuật kí tên Hồng Lĩnh, Phi Long, Ðại Tâm; sách về tư tưởng dưới bút hiệu Việt Thần, Duy Thức, Việt Hoàng.

Tuy viết đủ thể loại, nhưng nghiệp dĩ chính của Trần Tuấn Kiệt vẫn là thơ, số lượng lên tới năm bảy nghìn bài trong 50 năm qua. Ông làm thơ rất nhanh, gặp tờ giấy nào cũng viết lên, viết xong bài thì bỏ vào một cái sọt tre lớn treo trên vách nhà. Thơ đã viết ra giấy là không sửa đổi gì nữa. Khi có báo hỏi xin bài, ông quơ tay vào trong sọt, lấy ra dăm bảy bài đưa cho họ.

Sau năm 1975 Trần Tuấn Kiệt phải học tập cải tạo 10 năm. Hiện nay ông sống cùng gia đình tại thành phố Hồ Chí Minh.

Tác phẩm đã xuất bản:

Thơ:

  • Thơ Trần Tuấn Kiệt (1963)
  • Nai (1964)
  • Bài ca thế giới (1964)
  • Cổng gió (1965)
  • Em còn hái trái (1970)
  • Triền miên ngâm khúc
  • Cỏ nội
  • Mê cung
  • Màu kỉ niệm
  • Niềm hoan lạc
  • Lời gởi cây bông vải (1969)
  • Truyện:

  • Sa mạc lan dần
  • Tiếng đồng nội
  • Biên khảo:

  • Thi ca Việt Nam hiện đại

    • Tượng


      Em đi chân bước lạc đà
      Suốt miền ải hạn giữa sa mạc người
      Phượng hoàng xuống đậu hai vai
      Ngậm hoa quỳ nhớ thiên thai không về
      Ngàn năm mây trắng trôi đi
      Với hồn xưa động bốn bề không gian.

    • Lời thi sĩ gửi cho nàng thơ


      […]

      Tôi hát khúc trần gian đầy ân ái
      Em dạo cung hồ cầm đó ngày xưa
      Cơn gió xuân xa, lưng trời thổi lại
      Mộng bình yên thôi đã mất bao giờ

      […]

      Em cứ bỏ về non xanh dặm biển
      Ta cứ xa vời xa thẳm hoài mong
      Rồi phút chốc bút sầu ta hiển hiện
      Cánh tay em thành một áng cầu vồng

      Em hãy khóc để lá vàng rơi rụng
      Chuỗi sầu mơ kết lại trái hoa đời
      Mai trần thế phai mờ như chiếc bóng
      Ta và em dựng lại chút tình người.