Nhà thơ Trần Vàng Sao tên thật là Nguyễn Đính, sinh năm 1941 ở Thừa Thiên – Huế.
Năm 1961 ông thi đỗ tú tài rồi vào Đại học Huế, tham gia các phong trào đấu tranh của sinh viên cùng thế hệ với Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Quang Long, Ngô Kha. Năm 1962 ông dạy học ở trường bán công Truồi. Từ 1965 đến 1970, ông lên chiến khu và công tác tại Ban Tuyên huấn Thành uỷ Huế, viết báo với các bút danh Nguyễn Thiết, Lê Văn Sắc, Trần Sao.
Năm 1970 ông được đưa ra miền Bắc an dưỡng và trong thời gian này do quan sát cuộc sống và sinh hoạt chính trị tại Hà Nội khiến ông viết nhật ký miêu tả lại những suy nghĩ thất vọng của mình về điều mà ông được tuyên truyền trước đây. Chính tập nhật ký này khiến ông bị bắt và kéo dài nhiều năm khốn khó trong lòng chế độ. Ông bị tố cáo, đấu tố và cô lập đến nỗi ông có cảm giác không còn được coi là con người mà đã thành “một con vật, một con chó”, theo như ông viết trong hồi kí Tôi bị bắt.
Sau khi Việt Nam thống nhất (tháng 4 năm 1975), Trần Vàng Sao xung phong về quê công tác nhưng không được chấp nhận; ông tự trở lại Huế làm liên lạc ở xã, sau đó được bố trí công tác tại Phòng Văn hóa thành phố Huế rồi được điều về làm liên lạc ở xã Hương Lưu (nay là phường Vỹ Dạ), Huế cho đến khi nghỉ hưu năm 1984.
Ông hầu như không cho xuất bản thơ nhưng vẫn nổi tiếng với Bài thơ của một người yêu nước mình ký bút danh Trần Vàng Sao sáng tác tháng 12 năm 1967, được coi là một trong những bài thơ xuất sắc nhất Việt Nam thế kỷ 20.
Năm 2008, Nhà xuất bản Giấy Vụn đã cho in tập thơ Bài thơ của một người yêu nước mình.
Năm 2012, NXB Hội Nhà Văn xuất bản tập trường ca Gọi tìm xác đồng đội của Trần Vàng Sao. Gọi tìm xác đồng đội là trường ca rất xúc động và sâu sắc về những hy sinh mất mát, máu và nước mắt của nhân dân trong chiến tranh. Tác phẩm này được chọn trao giải thưởng của Quỹ Phùng Quán vào ngày 20/2/2013.
Ông mất ngày 9 tháng 5 năm 2018 tại nhà riêng ở phường Vỹ Dạ, Huế.