Thica.net

Mạng thi ca Việt Nam

Trang thơ Vũ Hoàng Chương

Vũ Hoàng Chương

Vũ Hoàng Chương sinh ngày 1 tháng 4 năm Ất Mão tức ngày 14 tháng 5 năm 1915 tại Nam Định, nguyên quán tại làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, nay là huyện Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên.

Ông sinh ra trong gia đình khoa bảng giàu có, bố làm tri huyện, mẹ buôn gạo tại Bến Thóc, Nam Định. Thuở nhỏ, ông học chữ Hán ở nhà rồi lên học tiểu học tại Nam Định. Ông đã được dạy Kinh Thi bằng chữ Nho và Quốc sử diễn ca bằng chữ Nôm trước khi đến trường học chữ Quốc ngữ và các sinh ngữ Tây phương khác. Năm 1931 ông nhập học trường Albert Sarraut ở Hà Nội, đỗ Tú tài năm 1937.

Năm 1938 ông vào Trường Luật nhưng chỉ được một năm thì bỏ đi làm Phó Kiểm soát Sở Hỏa xa Đông Dương, phụ trách đoạn đường Vinh – Na Sầm. Từ năm 1940, ông bắt đầu hoạt động văn nghệ, với tập thơ Say tự xuất bản tại Hà Nội.

Năm 1941, ông bỏ Sở hỏa xa đi học Cử nhân toán tại Hà Nội, rồi lại bỏ dở để đi dạy ở Hải Phòng. Trong suốt thời gian này, ông không ngừng sáng tác thơ và kịch. Sau đó ông trở về Hà Nội lập “Ban kịch Hà Nội” cùng Chu Ngọc và Nguyễn Bính. Năm 1942 đoàn kịch công diễn vở kịch thơ Vân muội tại Nhà hát lớn. Cũng năm đó ông gặp Đinh Thục Oanh, chị ruột nhà thơ Đinh Hùng và hai người thành hôn năm 1944.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông về Nam Định và cho diễn vở kịch thơ Lên đường của Hoàng Cầm. Kháng chiến toàn quốc nổ ra, Vũ Hoàng Chương tản cư cùng gia đình về Thái Bình, làm nghề dạy học. Đến 1950, gặp lúc quân Pháp càn đến ruồng bắt cả nhà, ông bỏ miền quê, hồi cư về Hà Nội dạy toán rồi chuyển sang dạy văn.

Năm 1954, Vũ Hoàng Chương di cư vào Nam, tiếp tục dạy học ở một số trường trung học, Đại học Văn khoa Sài Gòn và sáng tác ở Sài Gòn. Năm 1959 ông đoạt “Giải Văn học Nghệ thuật Toàn quốc” của Việt Nam Cộng hòa với tập thơ Hoa đăng. Trong năm này ông sang châu Âu tham dự Hội nghị Thi ca Quốc tế tại Bỉ.

Năm 1964 ông tham dự Hội nghị Văn bút Á châu họp tại Bangkok; năm sau, 1965 lại tham dự Hội nghị Văn bút Quốc tế họp tại Bled, Nam Tư. Năm 1967, ông lại tham dự Hội nghị Văn bút Quốc tế họp tại Abidjan, thủ đô Côte d’Ivoire.

Thời gian 1969-1973 Vũ Hoàng Chương là Chủ tịch Trung tâm Văn bút Việt Nam. Năm 1972 ông đoạt giải thưởng văn chương toàn quốc lần thứ hai. Ông còn được vinh danh là “Thi bá” Việt Nam.

Ngày 13 tháng 4 năm 1976, Vũ Hoàng Chương bị Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam bắt giam tại khám Chí Hòa. Bệnh nặng đưa về nhà được 5 ngày thì ông mất ngày 6 tháng 9 năm 1976 tại Sài Gòn.

Thơ Vũ Hoàng Chương được cho là sang trọng, có dư vị hoài cổ, giàu chất nhạc, với nhiều sắc thái Đông phương.

Tác phẩm chính

Các tập thơ:

  • Thơ say (1940)
  • Mây (1943)
  • Thơ lửa (cùng Đoàn Văn Cừ, 1948)
  • Rừng phong (1954)
  • Hoa đăng (1959)
  • Tâm sự kẻ sang Tần (1961)
  • Lửa từ bi (1963)
  • Ta đợi em từ 30 năm (1970)
  • Đời vắng em rồi say với ai (1971)
  • Chúng ta mất hết chỉ còn nhau (1973)
  • Kịch thơ:

  • Trương Chi (1944)
  • Vân muội (1944)
  • Hồng diệp (1944)

    • Trả ta sông núi


      […]

      Chém kiêu tướng, đồn binh Tây Kết
      Triều Phú Lương gầm thét giang tân
      Phá cường địch báo hoàng ân
      Trẻ thơ dòng máu họ Trần cũng sôi
      Kìa trận đánh bèo trôi, sóng dập
      Sông Bạch Ðằng thây lấp xương khô
      Những ai qua lại bây giờ
      Nghe hơi gió thoảng, còn ngờ quân reo
      Hịch Vạn Kiếp lời khêu tướng sĩ
      Hội Diên Hồng quyết nghị toàn dân
      Khuông phù một dạ ân cần
      Vó thiêng ngựa đá, hai lần bùn dây
      Sơn hà mấy độ lung lay
      Máu bao chiến sĩ nhuộm say màu cờ

      […]

    • Y sa


      Chén vàng men cháy những phong ba
      Điên đảo ngàn phương giấc mộng ngà.
      Xanh tuổi trăng tròn xanh bát ngát
      Trời xanh chết đuối mắt Y-sa.

      Nguyệt tỏ mười lăm chuốc chén đầy
      Gió reo sóng múa vị đời say
      Bước lên nàng đón chào thi hứng
      Mở trọn hương màu đôi cánh tay.

      Hồng nhạn truyền tin báo Hội-Thơ
      Mây bay trắng lụa ruổi vàng tơ
      Bỗng dưng mái tóc nàng mê hoặc
      Mây bỏ trời xanh tự bấy giờ.

      […]

    • Phương xa


      […]

      Lũ chúng ta, lạc loài, dăm bẩy đứa,
      Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh,
      Bể vô tận sá gì phương hướng nữa,
      Thuyền ơi thuyền! Theo gió hãy lênh đênh.

      Lũ chúng ta, đầu thai lầm thế kỉ,
      Một đôi người u uất nỗi chơ vơ,
      Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị,
      Thuyền ơi thuyền! Xin ghé bến hoang sơ.

      […]

    • Ba kiếp lang thang


      Chúng ta đánh mất cả rồi sao
      mất cả âm thanh một thuở nào
      da trống, tơ đàn, ôi trúc phách!
      đều khô như tiếng hát gầy hao.

      Đàn mang tên Đáy mà không đáy
      rút hết rồi chăng sợi nhớ thương
      hay phách, từ lâu rồi lạc phách
      không còn dựng nổi bến Tầm Dương?

      […]

    • Chợ chiều


      Nắng phai để mộng tàn lây
      Tình đi cho gió sương đầy quán không
      Chợ tan ngàn nẻo cô phòng
      Sầu dâng bàng bạc cánh đồng tịch liêu
      Hồn đơn lắng bước chân chiều
      Đâu đây nỗi nhớ niềm yêu bời bời
      Mong manh tình đã rụng rời
      Tơ vương còn thắt tim người chia li

      […]

    • Bài ca ngư phủ


      […]

      Hỡi người thâm khuê lụa gấm son vàng
      Đây một kẻ si tình áo lá
      Cuồng vọng mê nàng
      Thao thức giữa trời cao nước cả
      Dạo con thuyền ngư phủ ngược xuôi trường giang
      Tiền thân một giấc huy hoàng
      Đào nguyên còn lộng hào quang đến giờ
      Hỡi người nhan sắc vô tình ấy
      Ta đã lòng son cháy ước mơ

      […]

    • Lá thư ngày trước


      Yêu một khắc để mang sầu trọn kiếp
      Tình mười năm còn lại mấy tờ thư
      Mộng bâng quơ hò hẹn cũng là hư
      Niềm son sắt ngậm ngùi duyên mỏng mảnh

      Rượu chẳng ấm mưa hoài chăn chiếu lạnh
      Chút hơi tàn leo lét ngọn đèn khuya
      Giấc cô miên rùng rợn nẻo hôn mê
      Gió âm tưởng bay về quanh nệm gối

      […]

      Say đã gắng để khuây sầu lẻ gối
      Mưa mưa hoài rượu chẳng ấm lòng đau
      Gấm the nào từ buổi lạnh lùng nhau
      Vàng son có thay màu đôi mắt biếc

      Tình đã rời đi riêng mình tưởng tiếc
      Thôi rồi đây chiều xuống giấc mơ xưa
      Lá lá rơi nằm bệnh mấy tuần mưa
      Say chẳng ngắn những đêm dằng dặc nhớ

      […]