Nhà thơ, nhà báo, nhà phê bình văn học Vũ Quần Phương sinh năm 1940, tên thật là Vũ Ngọc Chúc. Quê cha của ông tại Hải Hậu, Nam Định trong khi ông sinh ra ở quê mẹ Từ Liêm, Hà Nội. Bố ông mất khi ông 6 tuổi, mẹ ông cũng mất sớm. Lớn lên khi 16 tuổi ông rời quê Hải Hậu đi trọ học ở trung tâm Hà Nội. Ông học Đại học Y khoa, cả sáu năm đều được nhận học bổng toàn phần. Khi tốt nghiệp, ông là người duy nhất trong hơn 300 sinh viên của toàn khóa được nhận về Bộ Y tế.
Trong thời gian học đại học, ông bắt đầu làm thơ và có một số bài đăng trên các báo: Nhân dân, Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội. Bài Phanxipăng ta lên tới đỉnh của Vũ Quần Phương được chọn in trong tập Sức mới – một tuyển thơ nổi tiếng xuất bản thời chống Mỹ, đã ra đời trong thời kỳ này. Từ bài thơ trên, nhà thơ Chế Lan Viên đã gợi ý Vũ Quần Phương nên chuyển ngành, về công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam. Sau 2 năm làm bác sĩ ông quyết định chuyển sang làm thơ, nhà phê bình văn học.
Vũ Quần Phương nguyên là Trưởng ban biên tập văn học (NXB Văn học), Chủ tịch Hội văn nghệ Hà Nội, Tổng biên tập báo Người Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà Văn Việt Nam, Phó Tổng biên tập tạp chí Văn chương Việt Nam bằng tiếng Pháp. Ông cũng là đại biểu Quốc hội khóa IX.
Ngoài làm thơ và viết phê bình văn học, ông còn dịch thơ đăng trên các sách, báo và tạp chí văn học. Ông được nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.
Ông còn có các bút danh khác là Ngọc Vũ, Phương Viết. Con trai của ông là Giáo sư toán học Vũ Hà Văn.
Các tác phẩm:
Cỏ mùa xuân (1966)
Hoa trong cây (1977)
Những điều cùng đến (1983)
Đợi (1988)
Vầng trăng trong xe bò (1988)
Vết thời gian (1996)
Quên chữ… quên câu (2000)
Giấy mênh mông trắng (2003)
Chỗ ấy sóng… (2008)