Thica.net

Mạng thi ca Việt Nam

Trang thơ Xuân Diệu

Xuân Diệu

Xuân Diệu tên thật là Ngô Xuân Diệu, sinh ngày 2 tháng 2, 1916 tại Gò Bồi, xã Tùng Giản, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Cha là ông Ngô Xuân Thọ (giáo viên), người làng Trảo Nha, Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh và mẹ là bà Nguyễn Thị Hiệp.

Xuân Diệu lớn lên ở Qui Nhơn. Sau khi tốt nghiệp tú tài, ông đi dạy học tư và làm viên chức ở Mĩ Tho (nay là Tiền Giang), sau đó ra Hà Nội sống bằng nghề viết văn, là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn (1938-1940). Ông tốt nghiệp cử nhân Luật 1943 và làm tham tá thương chánh ở Mỹ Tho một thời gian trước khi chuyển về ở Hà Nội.

Bên cạnh sáng tác thơ, ông còn tham gia viết báo cho các tờ Ngày Nay và Tiên Phong. Ông là một trong những người sáng lập Đoàn báo chí Việt Nam, nay là Hội Nhà báo Việt Nam.

Trong sự nghiệp sáng tác thơ văn của mình, Xuân Diệu được biết đến như là một nhà thơ lãng mạn trữ tình, “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”, “ông hoàng của thơ tình”.

Năm 1944, Xuân Diệu tham gia phong trào Việt Minh. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông hoạt động trong Hội văn hóa cứu quốc, làm thư ký tạp chí Tiền phong của Hội. Sau đó ông công tác trong Hội văn nghệ Việt Nam, làm thư ký tòa soạn tạp chí Văn nghệ ở Việt Bắc.

Từ đó, Xuân Diệu trở thành một trong những nhà thơ hàng đầu ca ngợi cách mạng, một “dòng thơ công dân”. Bút pháp của ông chuyển biến phong phú về giọng vẻ: có giọng trầm hùng, tráng ca, có giọng chính luận, giọng thơ tự sự trữ tình.

Là cây đại thụ của nền thi ca hiện đại Việt Nam, Xuân Diệu đã để lại khoảng 450 bài thơ (một số lớn nằm trong di cảo chưa công bố), một số truyện ngắn, và nhiều bút ký, tiểu luận, phê bình văn học.

Xuân Diệu từng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I. Ông còn được bầu là Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm nghệ thuật nước Cộng hòa dân chủ Đức năm 1983.

Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật (1996).

Ông mất ngày 18 tháng 12 năm 1985.

Thi phẩm đã xuất bản:

  • Thơ thơ (1938, 1939, 1968, 1970)
  • Gửi hương cho gió (1945, 1967)
  • Ngọn Quốc kỳ (1945, 1961)
  • Hội nghị non sông (1946)
  • Dưới sao vàng (1949)
  • Sáng (1953)
  • Mẹ con (1954)
  • Ngôi sao (1955)
  • Riêng chung (1960)
  • Mũi Cà Mau – Cầm tay (1962)
  • Một khối hồng (1964)
  • Hai đợt sóng (1967)
  • Tôi giàu đôi mắt (1970)
  • Hồn tôi đôi cánh (1976)
  • Thanh ca (1982)

    • Với bàn tay ấy


      […]

      Những lời huyền bí tỏa lên trăng,
      Những ý bao la rủ xuống trần,
      Những tiếng ân tình hoa bảo gió,
      Gió đào thỏ thẻ bảo hoa xuân.

      Bóng chiều đi vụt, bỗng đêm nay
      Tôi lại đa mang hận tháng ngày.
      Dưới ánh trăng cười, tôi kiếm mãi
      Dấu bàn tay ấy ở trên tay.

    • Đi thuyền


      Thuyền qua, mà nước cũng trôi
      Lại thêm mây bạc trên trời cũng bay
      Tôi đi trên chiếc thuyền này
      Dòng mơ tơ tưởng cũng thay khác rồi
      Cái bay không đợi cái trôi
      Từ tôi phút trước, sang tôi phút này…

    • Thơ duyên


      […]

      Con đường nhỏ nhỏ, gió xiêu xiêu
      Lả lả cành hoang nắng trở chiều
      Bữa ấy lòng ta nghe ý bạn
      Lần đầu rung động nỗi thương yêu

      Em bước điềm nhiên không vướng chân
      Anh đi lững đững chẳng theo gần
      Vô tâm nhưng giữa bài thơ dịu
      Anh với em như một cặp vần

      […]

    • Nguyệt cầm


      Trăng nhập vào đây cung nguyệt lạnh
      Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần
      Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm
      Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân

      Mây vắng, trời trong, đêm thuỷ tinh
      Lung linh bóng sáng bỗng rung mình
      Vì nghe nương tử trong câu hát
      Đã chết đêm rằm theo nước xanh

      Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời
      Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi
      Long lanh tiếng sỏi vang vang hận:
      Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người…

      Bốn bề ánh nhạc, biển pha lê
      Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề
      Sương bạc làm thinh, khuya nín thở
      Nghe sầu âm nhạc đến sao Khuê.